Tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp các di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh

Với mục tiêu ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuống cấp của các di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh,Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã xây dựng và bảo vệ thành công Đề án Chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích xếp hạng cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Các nội dung của đề án được bắt đầu thực hiện từ năm 2016, đến nay đã mang lại một số hiệu quả nhất định.

Trong danh sách 66 di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng từ năm 2015 trở về trước thuộc đối tượng được hỗ trợ của đề án, đến nay đã có 20 di tích nhận được quyết định phê duyệt dự toán thiết kế tu bổ chống xuống cấp đã và đang tiến hành tu bổ, tôn tạo.

Trước khi tiến hành tu bổ, các di tích này đều được các cơ quan chuyên môn của Sở VH,TT&DL nghiên cứu đánh giá giá trị, tình trạng bảo quản, hoàn cảnh lịch sử và đặc thù văn hóa ở địa phương để đưa ra giải pháp chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo tối ưu nhất.

Nội dung và quy mô tu bổ của các di tích theo đề án chủ yếu là hạ giải toàn bộ mái hoặc một phần mái đại đình, hậu cung; thay đổi một số cấu kiện bằng gỗ lim, cấu kiện mái trước, mái sau đại đình; xây lại móng, tường; lợp lại ngói; lắp lại các con giống. Việc tu bổ, tôn tạo các cấu kiện, hạng mục trên đều dựa trên nguyên tắc tôn trọng tính trung thực của lịch sử hình thành di tích, bảo đảm tính nguyên gốc của di tích và được thực hiện bằng các vật liệu có độ bền vững cao.

Để bảo đảm tính chuẩn xác trong việc chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo, các di tích đều được cơ quan chuyên môn tư vấn, khuyến khích sử dụng những phương tiện, kỹ thuật truyền thống để tu bổ nhằm giữ gìn các yếu tố nguyên gốc, bản sắc, đặc trưng riêng của từng di tích với mục tiêu cao nhất là bảo vệ và nâng tầm các giá trị nổi bật của di tích. Các di tích được xác định trong đề án tùy theo thực trạng xuống cấp cụ thể của di tích được tỉnh hỗ trợ nhưng không quá tối đa 500 triệu đồng/di tích. Đây chính là sự kích cầu, là điều kiện để các địa phương, ban quản lý di tích vận động nhân nhân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp, hỗ trợ để thực hiện chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo các di tích.

Đình Văn Quan xã Văn Lý (Lý Nhân) sau khi được tu bổ, tôn tạo.

Một trong những di tích từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của tỉnh với sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cũng như Ban quản lý di tích trong việc xã hội hóa đã thực hiện tu bổ gần như toàn bộ ngôi đình làng nhưng vẫn giữ được những cấu kiện chạm trổ tinh tế với lối kiến trúc nghệ thuật truyền thống, đó là đình Văn Quan, xã Văn Lý, huyện Lý Nhân.

Đình Văn Quan có 5 gian tiền đình và 3 gian hậu cung. Đình thờ Hoàng Thái Hậu Nguyên Minh Phương Dung triều Nam Tống - người đã có công dạy dân nghề trồng dâu nuôi tằm. Nếu tính theo thời gian ghi chép lại, đình xây dựng cách nay gần 170 năm. Trải qua mưa nắng, thời gian, mái đình cũng như toàn bộ bộ khung của đình đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Được sự hỗ trợ 300 triệu đồng từ tỉnh, thôn đã tổ chức họp dân vận động nhân dân đóng góp thêm để tu sửa đình, đồng thời kêu gọi con em làm ăn xa quê có điều kiện kinh tế ủng hộ thôn xây dựng lại khu tâm linh.

Phấn khởi với sự hỗ trợ của tỉnh, nhân dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp với mức trung bình 200 nghìn đồng/khẩu. Một số con em làm ăn xa quê cũng ủng hộ bằng tiền, vật liệu xây dựng hoặc đồ thờ tự, cây cảnh cho đình làng. Với số tiền ủng hộ được trên 1 tỷ đồng, chưa tính ủng hộ bằng vật liệu xây dựng đình làng đã được tu sửa gần như toàn bộ. Tường được trát và sơn lại, những hàng cột cái, cột con, bộ khung chịu lực cũng như cánh các ô cửa chân xoay đều được làm mới hoàn toàn bằng gỗ. Tuy được dựng mới nhưng toàn bộ kiến trúc đình cũng như từng cấu kiện đều được dựng lại hầu như nguyên vẹn phiên bản đình cũ. Đình Văn Quan hiện nay đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số ít hạng mục nội thất. Dự kiến ngày 4/9 âm lịch là ngày hội làng, đình Văn Quan sẽ làm lễ khánh thành.

Còn với 20 di tích đã được hỗ trợ kinh phí năm 2016, 2017, nhiều di tích cũng đã hoàn thành việc tu bổ, nhiều di tích đang vận động sự hỗ trợ thêm và định ngày thi công. Tùy vào số tiền hỗ trợ, tiền xã hội hóa, các di tích có thể chọn tu bổ lớn hoặc những hạng mục xuống cấp nghiêm trọng nhất như thay lại một số cột, dui, hoành đã bị mối mọt, hư hỏng, lợp lại mái ngói, lát gạch nền đình… Đây chính là sự quan tâm rất lớn của tỉnh, của các các cơ quan chuyên môn, sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống của các di tích; góp phần mở rộng không gian tuyến, điểm du lịch của tỉnh.

Chu Bình

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy