Những cổ vật tiêu biểu đất Hà Nam

Hà Nam là vùng đất cổ, nơi các dòng sông giao thoa lại nằm giữa 2 kinh đô cổ là Hoa Lư và Thăng Long, nơi xưa vùng núi Thanh Liêm, Kim Bảng người Việt cổ cư trú. Với đặc điểm đó, Hà Nam có số lượng cổ vật khá nhiều, tuy nhiên chúng bị vùi lấp trong những tầng đất đá hoặc lưu giữ trong những chốn tâm linh, tín ngưỡng.

Đá là chất liệu được con người sử dụng sớm nhất trong lịch sử. Với dấu vết của người tiền sử từng sinh sống, các nhà nghiên cứu khảo cổ đã phát hiện được một số hiện vật bằng đá như cuốc đá, rìu đá tại hang Chuông, hang Gióng Lở xã Thanh Nghị (Thanh Liêm).

Nhiều linh vật, hiện vật, đồ thờ độc đáo được chế tác từ đá đang được lưu giữ tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Những hiện vật phát hiện đều được chế tác từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, óc sáng tạo, thẩm mỹ tinh tế của cha ông ta thời tiền sử. Những công cụ bằng đá được đẽo gọt với nhiều hình dáng lưỡi tròn, vát nhưng vô cùng sắc bén cũng như màu sắc và chất liệu đá phong phú. Chúng thuộc nền văn hóa Hòa Bình ra đời cách nay từ 5.000 - 6.000 năm.

Cũng bằng chất liệu đá còn có những đôi khuyên tai được làm từ màu đá ghi xám và xanh ngọc hình tròn có rãnh để đeo được tìm thấy khi khai quật mộ thuyền Yên Bắc (Duy Tiên). Những khuyên đá còn khá nguyên vẹn với màu sắc nổi bật, vân đá ấn tượng. Gần đây nhất là những hiện vật được chế tác bằng đá thời Lý, Trần.

Tiêu biểu trong số đó là tượng Kinari (tiên nữ đầu người mình chim) đứng trên bệ hình chữ nhật tóc búi cao, hai cánh chim xòe ra, hai tay giữ nhạc cụ, đuôi vểnh cao xòe rộng và tượng Kim Cương với nhiều chi tiết đầu đội mũ trùm tai, hai tay cầm gươm trước ngực, mình mặc áo giáp trang trí dải tua, hoa cúc, chân đi hia. Đây là những hiện vật được tìm thấy tại chùa Đọi Sơn (Duy Tiên). Với những nét chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo cho thấy nghệ thuật tạc tượng đá đỉnh cao của các nghệ nhân.

Trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh: TL

Cổ vật mang dấu ấn Hà Nam, định danh Hà Nam chính là Trống đồng. Đây là một di vật độc đáo, có thể nói là tiêu biểu nhất của nền văn minh Việt cổ, là sản phẩm ra đời từ bàn tay tuyệt diệu của con người thời văn minh Đông Sơn. Người Việt cổ coi trống đồng như là một linh vật, được sử dụng trong lễ hội, trong chiến đấu, nó còn được coi là bộ sử bằng hình ảnh khi chữ viết chưa phát triển. Đến nay, trên mảnh đất Hà Nam đã phát hiện được 20 chiếc trống đồng cổ, là tỉnh có số lượng trống đồng lớn nhất khu vực Bắc Bộ.

Đặc biệt, trống đồng Ngọc Lũ được tìm thấy trên địa bàn Hà Nam là trống đồng có niên đại cổ và đẹp nhất trong toàn quốc. Những chiếc trống đồng khác đều có quy mô đồ sộ, hình dáng cân đối, thể hiện trình độ cao về kỹ năng và nghệ thuật đúc đồng cổ. Trên tất cả các mặt trống đồng có hai loại hoa văn không thể thiếu là hình mặt trời và số chẵn cánh chim Lạc. Hình ảnh này xuất phát từ việc cư dân Việt cổ gắn với văn minh lúa nước do đó thờ thần mặt trời và những loài chim gắn bó với đồng ruộng.

Góp phần không nhỏ vào kho tàng cổ vật Hà Nam chính là những cổ vật được làm từ gốm. Với trí sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, gốm đã trở thành một loại hình nghệ thuật mang tính dân gian sâu sắc. Năm 2001, Bảo tàng Hà Nam đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật tại chùa Đọi Sơn đã tìm thấy những viên gạch, ngói có trang trí hoa văn mang đậm dấu ấn thời Lý như hình rồng, lá đề, hoa cúc dây, vũ nữ dâng hoa… dùng để xây dựng chùa tháp.

Gốm thời Lý, ngoài gốm đất nung còn có gốm tráng men. Loại gốm này chủ yếu là đồ gia dụng được phủ một lớp men dày, trong, bóng trông giống như ngọc. Những bức tượng men ngọc trông như đá tạc; những chiếc ấm, liễn men trắng ngà nhìn rõ những vân gốm chìm dưới lớp men; những chiếc đĩa lòng trang trí bằng hoa, miệng loe cắt khắc cánh hoa có men vàng xám… là những cổ vật tiêu biểu về đồ gốm của Hà Nam.

Tượng đầu người mình chim (thời Lý) ở chùa Long Đọi Sơn (Duy Tiên). Ảnh: Thế Tuân

Những cổ vật tiêu biểu đất Hà Nam là một nét văn hóa không thể tách rời trong quá trình phát triển của dân tộc. Nó là minh chứng tiêu biểu nhất cho các nền văn minh cổ đại, là nơi chứa đựng những khát vọng của người xưa, mang trong mình những câu chuyện về tâm linh, giải thích ý nghĩa các hiện tượng và chính là nơi lưu giữ những tinh hoa của nghệ thuật chế tác, khắc họa của người xưa còn lại đến ngày nay.

Chu Bình

Chu Bình, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy