Múa rối xưa ở Hà Nam

Múa rối cạn và rối nước tên cổ là Ổi Lỗi (hay Khối Lỗi) mang bản sắc độc đáo, đậm chất dân gian, vốn quý của kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Đặc biệt, múa rối nước là nghệ thuật độc sáng/ duy nhất chỉ có ở Việt Nam, đậm đặc ở lưu vực sông Hồng.

Ảnh minh họa

Nghệ thuật múa rối dân gian Hà Nam đã thành quá vãng. Đi tìm bóng dáng qua thư tịch, văn bia, di tích và hồi cố của những người cao tuổi, bước đầu đã ghi nhận một số dấu tích, ít nhưng rất quý, ngõ hầu định vị/ phân lập một thể loại nghệ thuật dân gian độc đáo, đặc sắc đã từng hiện diện trên đất Hà Nam, cả rối nước và rối cạn.

Bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh - Bảo vật quốc gia đã được Nhà nước công nhận, đặt trong nhà bia, trước ngôi Tam bảo chùa Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên. Bia dựng vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ hai (1121) triều vua Lý Nhân Tông thời Lý. Văn bia cung cấp tư liệu đầu tiên/ duy nhất về nghệ thuật múa rối nước: "Giữa lòng sóng rung rinh, con rùa vàng lớn nổi lên đội ba ngọn núi, trên mặt nước lừ đừ lộ mai giơ bốn chân, chuyển động con người nhìn vào bờ, há miệng phun nước, ngẩng xem bộ tua mũ miện, lại nhìn ra chỗ không, nhìn tường vách cao vút, tấu điệu nhạc "vân thiều", các cửa động cùng mở, các vị thần tiên lần lượt hiện ra, ý hẳn đó là văn vẻ cầu vồng lên trời há phải sắc đẹp của trần gian, hoa tay mềm mại múa bài "gió về", nhíu lông mày bơi hát khúc vận tốt. Chim quý dàn đội ra múa nhịp nhàng, hươu lành sóng đàn đi diễu và nhảy nhót".

Qua đoạn mô tả này, ta thấy đó chính là nghệ thuật múa rối nước. Đặc trưng nổi bật của nghệ thuật này là lấy mặt nước làm sân khấu "giữa lòng sóng rung rinh", diễn viên là những con rối, không thấy con người thật xuất hiện. Đồng thời, ta cũng thấy múa rối đã có nhiều trò, nhiều loại con rối (rùa, nhà cửa, thần tiên, chim, hươu); trò diễn có nền nhạc, động tác của các con rối sinh động, thuần thục.

Nghệ thuật múa rối nước đạt đến trình độ như thế, tất phải trải qua một quá trình ra đời, phát triển. Vậy thì không phải đến triều vua Lý Nhân Tông mới có nghệ thuật dân gian này mà phải ra đời từ trước đó khá lâu. Bằng phương pháp ngoại suy, có thể nhận định: đầu thời Lý và trước đó nữa, trên đất Hà Nam (và ở lưu vực sông Hồng) múa rối nước đã hình thành gắn với vùng có rất nhiều ao, hồ, với những "công xã nông thôn", những làng xã nông nghiệp trồng lúa nước.

Nghiên cứu địa danh các tên làng xã tỉnh Hà Nam, cái tên Nội Rối đã gợi ý cho chúng tôi tìm về thôn Nội Rối (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân). Thôn có một quần thể di tích đình, đền, chùa tọa lạc chung một khuôn viên. Trước đền có một ao khá rộng, giữa ao là một gò đất, trên gò có một công trình kiến trúc, nhân dân địa phương gọi là "Thủy đình". Khi hỏi về nguồn gốc cái gò và "Thủy đình", các cụ cao tuổi lý giải: Đó là hình thức dân làng lưu dấu sân khấu biểu diễn múa rối nước. Thủy đình đích thực được dựng trực tiếp trong ao, hồ, là nơi các nghệ nhân ngâm mình trong nước điều khiển các con rối được ngăn cách bởi chiếc mành chăng ở mặt trước thủy đình buông xuống sát mặt nước.

Theo mạch hồi cố các cụ cho biết làng Nội Rối xưa thành lập phường rối nước. Lệ làng quy định, hằng năm từ ngày mồng một đến ngày mồng mười, tháng Ba âm lịch làng vào đại đám (tức mở lễ hội), 4 giáp của làng đều tham gia. Hội làng đông vui với tế lễ, rước xách: hát chèo, đấu cờ tướng, leo cầu kiều, bắt vịt... Nhộn nhịp nhất là các trò biểu diễn múa rối nước ở ao đền. Thủy đình, còn gọi là Buồng trò đã có sẵn, mái lợp ngói ta, bốn đầu đao cong vút, cột xây, trống tường. Người xem ngồi trên bờ thưởng thức các trò diễn: cày ruộng, cấy lúa, úp cá, chăn vịt, giã gạo, xay lúa, bát tiên... xen tiếng nhạc réo rắt, vui tai. Mở đầu bao giờ cũng có chú Tễu ra giáo trò với các động tác ngộ nghĩnh. Tễu làng Nội Rối cũng đầu to, bụng lồi giống các phường rối khác, nhưng vẫn có nét riêng không thể lẫn với bất cứ phường nào. Phường rối nước Nội Rối không chỉ biểu diễn trong hội làng mà còn được mời góp vui ở một số lễ hội trong vùng. Đáng chú ý là lễ hội đền Bà Mỵ Ê (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân), gần như năm nào cũng có biểu diễn múa rối nước. Bà Mỵ Ê là phi của vua Sạ Đẩu (Chiêm Thành) bị vua Lý Thái Tông bắt đem về trong lần dẫn quân chinh phạt Chiêm Thành năm 1044.

Cùng xã với thôn Nội Rối, thôn Chương lại có trò múa đầu tượng. Ngôi đình của thôn thờ 6 vị thần, phụ thờ Khổng Tử và 4 học trò ưu tú của ông cùng tổ lập làng. Vị thần được thờ có liên quan đến múa đầu tượng - một hình thức múa rối cạn là Văn Chất thập bát quốc Ổi Lỗi tôn thần.

Theo thần phả, thần là con ông Phác, bà Hằng gốc gác ở trang Tố Nga, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam. Năm ông Phác hơn 40 tuổi, bà Hằng 36 tuổi, một đêm bà nằm mộng thấy vua triệu lên trời để diễn rối và các trò hề vì tổ tiên ông Phác nối đời làm nghề này. Ngọc Hoàng khen ngợi và ban thưởng cho bà một chiếc mũ ngọc. Từ đó bà mang thai, ngày 20 tháng 8 năm Nhâm Thìn sinh ra một người con trai, đặt tên là Văn Chất. Đến tuổi trưởng thành, ông Chất văn võ song toàn, các trò diễn gây cười thiên hạ không ai sánh nổi.
 Nhân dịp làm lễ mừng thọ Hoàng Thái Hậu, nhà vua cho mời các vai hề trong nước vào diễn chúc mừng, ông Chất cũng vào triều thi tài, năm đó mới 17 tuổi. Thấy ông tài giỏi hơn người, vua ban cho ông chức Tham tri Công bộ Tả thị lang, cai quản các trò diễn trong nước. Mười năm sau, xét công lao của ông, vua thăng ông giữ chức Công bộ Thượng thư. Lúc đó, giặc Mông Cổ đến xâm chiếm, ông theo vua đi đánh giặc lập nhiều công trạng. Một thời gian sau, vua sai ông đi sứ mừng thọ vua Nguyên. Ngày mừng thọ vua Nguyên có 18 nước cử người đến thi tài diễn trò, ca hát. Ông Văn Chất xếp thứ nhất, được vua Nguyên cho phép trông coi các trò diễn hề, diễn rối của 18 nước.

Ngày đi sứ trở về qua cửa biển Nam Hải, ông hóa ở đấy, để lại di thư nói mình vốn là Long hầu Nam Hải. Được tin, vua Trần cho đình thần về nơi ông hóa tế lễ, phong là Trung đẳng thần, cho phép dân địa phương lập bàn thờ, lại ban duệ hiệu: Thập bát quốc Ổi Lỗi tôn thần (vị thần nghề múa rối của 18 nước). Tượng toàn thân ông Văn Chất tạc bằng gỗ sơn son thếp vàng đứng trên bệ thờ, hai bên là tượng đầu rối bằng gỗ, mỗi bên 9 đầu, tất cả đặt trong khám thờ, kê ở tòa trung đường của đình, chỉ vào dịp lễ hội hay có lý do đặc biệt mới được mở khám.
Trước đây, làng Chương đều đặn hằng năm cử hành 2 ngày tế lễ Thập bát quốc Ổi Lỗi tôn thần Văn Chất, ngày 15 tháng 7 tưởng niệm ngày hóa, ngày 12 tháng 8 kỷ niệm ngày sinh. Mở đầu là đám rước kiệu vòng quanh làng; tiếp đến, chủ tế làm lễ xin phép mở cửa khám rước tượng thần Văn Chất và 18 đầu rối ra sân đình. Dân làng cử 18 người đàn ông trung tuổi, trang phục biểu diễn trò, sắp thành hai hàng dọc, mỗi bên 9 người, tay phải cầm chuôi gỗ cắm dưới cổ đầu rối, quay mặt vào tượng thần Văn Chất. Dàn nhạc bát âm tấu nhạc, 18 người múa biểu diễn các trò múa đầu rối, vừa múa, vừa ca chúc tụng thần. Múa đầu rối đình Chương là nghi thức tín ngưỡng chỉ diễn ra trong hai ngày lễ thần. Một số nơi như lễ hội chùa Bi (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), chùa Keo (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cũng có trò múa đầu rối, nhưng số lượng đầu rối ít hơn nhiều và diễn xuất cũng khác.

Dấu tích múa rối nước, múa rối cạn dù còn lại không nhiều đã phần nào gợi lên bóng dáng một thời phát triển của nghệ thuật dân gian này trên đất Hà Nam.

Ngọc Hoa

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy