Gìn giữ văn hóa dân gian qua liên hoan các di tích tiêu biểu

Liên hoan văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu được tổ chức 2 năm/lần. Liên hoan à một trong nhiều hoạt động của ngành văn hóa nhằm góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; giới thiệu vốn văn hóa dân gian, dân tộc hàm chứa tại di tích; trao đổi kinh nghiệm giữ gìn, bảo vệ, xã hội hóa tu bổ di tích giữa các địa phương.

Tham gia liên hoan các di tích tiêu biểu lần thứ V năm 2018 có 6 di tích của các huyện, thành phố. Bên cạnh các di tích đã tham gia nhiều lần liên hoan như đền Lảnh Giang (xã Mộc Nam, Duy Tiên), đền Trúc (xã Thi Sơn, Kim Bảng), đền Mẫu (phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý), năm nay có các di tích mới lần đầu tham gia như đình Vĩnh Trụ (thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân); đình, văn từ Cát Lại (xã Bình Nghĩa, Bình Lục) và các nghi lễ truyền thống trong hội vật võ Liễu Đôi (xã Liêm Túc, Thanh Liêm).

Một tiết mục hát dân ca và chèo của huyện Bình Lục biểu diễn tại liên hoan.

Đền Trúc nằm bên sông Đáy thờ Thái úy Lý Thường Kiệt. Trên đường chinh phạt Chiêm Thành ông đã dừng chân tại trại Canh Dịch, nay là thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng. Ngoài dạy dân cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, ông còn truyền dạy cho dân làng làn điệu hát Dậm. Trải qua thời gian thăng trầm, làn điệu hát Dậm vẫn được dân làng gìn giữ và lưu truyền.

Hiện nay, ngoài đội hát Dậm phục vụ lễ hội đình Quyển là các cô gái thanh tân, Ban quản lý di tích xã Thi Sơn còn hình thành đội hát Dậm của các bà, các chị (phường Dậm Quyển Sơn) phục vụ các hoạt động chính trị, văn hóa xã hội của xã, của huyện và biểu diễn phục vụ nhân dân các địa phương trong, ngoài tỉnh.

Tham gia liên hoan di tích, phường Dậm Quyển Sơn đã biểu diễn 3 làn điệu tiêu biểu trong tổng số 38 làn điệu hát Dậm Quyển Sơn: Trảy quân, chèo quỳ và bỏ bộ. Lời hát giản dị nói lên tình yêu quê hương đất nước và cuộc sống thường ngày của người dân với lối diễn chậm rãi xen tiếng phách tre và các động tác dậm chân đã tạo nên sự khác biệt của điệu hát này. Vì sự độc đáo riêng có nên hát Dậm Quyển Sơn luôn được huyện Kim Bảng chọn tham gia liên hoan di tích. Điều này chứng tỏ các làn điệu hát Dậm vẫn được nhân dân làng Quyển Sơn bảo vệ, truyền nối và phát huy tốt giá trị gắn liền với di tích quốc gia đền Trúc.

Nhắc đến văn hóa truyền thống Hà Nam, nhiều người nhớ đến chiếng chèo Nam – một chiếng chèo nổi tiếng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy là địa phương duy nhất có câu lạc bộ hát chèo cấp huyện, đã duy trì được thời gian khá dài và cũng là một trong những vùng đất phát tích những làn điệu dân ca ngã ba sông Móng nên tham gia liên hoan huyện Bình Lục đã mang đến những làn điệu hát dân ca và chèo mượt mà, tình tứ gắn liền với di tích đình và văn từ thôn Cát Lại, xã Bình Nghĩa.

Bình Nghĩa nằm bên ngã ba sông Móng – một địa danh nằm trên lưu vực sông Châu – nơi với hoạt động của mình người dân đã hình thành nên các điệu hát đối giao duyên. Các điệu hát hình thành trên không gian mặt nước gắn với nghề chở đò qua sông. Sau này người dân chuyển nghề, lên bờ, những điệu hát trên được lưu giữ thông qua các sinh hoạt cộng đồng tại các đình, đền, văn từ của các làng ven sông.

Với vốn văn hóa đó, Ban quản lý di tích đình Cát Lại đã biểu diễn các làn điệu dân ca qua ca khúc “Hương sắc vùng quê ngã ba sông Móng” và làn điệu chèo lời mới “Nông thôn đổi mới”. Những làn điệu chèo và dân ca thuần túy, mộc mạc được biểu diễn bởi người dân Bình Nghĩa, họ vừa là người sáng tạo cũng đồng thời là người thưởng thức những làn điệu dân ca quê hương.

Cùng với dân ca và chèo, Chầu văn cũng là một loại hình nghệ thuật làm nên vốn văn hóa dân gian phong phú của Hà Nam. Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nghi lễ Chầu văn, tỉnh Hà Nam có 185 di tích kiến trúc của cộng đồng làng, xã thờ các nhân vật trong hệ thống thần linh của Tam tòa, Tứ phủ, trong đó đền Lảnh Giang được coi là  một trong những trung tâm chính thường xuyên diễn ra nghi lễ Chầu văn của tỉnh.

Cũng giống như đền Trúc (Kim Bảng), đền Lảnh Giang luôn là lựa chọn của huyện Duy Tiên tham gia các kỳ liên hoan văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu. Ngoài tiết mục hát “Lảnh Giang linh từ”, Ban khánh tiết đền Lảnh Giang đã trình diễn giá chầu Quan lớn đệ Tam và giá chầu Cô bé. Đây là hai giá chầu mang nhiều nét độc đáo trong 36 giá chầu theo tín ngưỡng thờ Mẫu.

Lý Nhân cũng là vùng đất tiêu biểu của tín ngưỡng thờ Mẫu khi có đền Bà Vũ và đền Trần Thương, nơi các nghi lễ Chầu văn được bảo tồn. Gắn với đình Vĩnh Trụ, đội tham gia liên hoan của Lý Nhân cũng trình diễn giá chầu ông Hoàng Mười và giá Cô bé. Tuy lời bài hát có khác nhau nhưng đều có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của thần thánh và vẻ đẹp tiên giới. Thực hiện nghi lễ đều là các nghệ nhân dân gian nên sự tinh tế, nhuần nhuyễn trong các nghi lễ đã đem đến liên hoan một không khí thực hành tín ngưỡng nhiều cảm xúc.

Đền Mẫu Đình Trường thuộc địa bàn tổ 5, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý là một ngôi đền đẹp được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đền thờ Liễu Hạnh công chúa thượng đẳng thần và hai tiên nữ phò tá Quỳnh Anh, Quế Anh chi thần. Tham gia liên hoan đền Mẫu trình diễn tiết mục tế nữ quan do các phật tử thực hiện. Lễ tế đầy đủ các thành phần và thực hiện đầy đủ 36 bước theo quy định. Âm nhạc dùng trong lễ tế cũng được dùng theo một quy chế nhất định. Tiếng sênh tiền điểm nhịp khi chủ tế lên hương, lên rượu; tiếng sáo lưu thủy dùng khi tiến bước cùng tiếng chiêng trống và tiếng xướng của ban tế đã tái hiện một không khí linh thiêng trên sân khấu liên hoan.

Khác với các đơn vị, Thanh Liêm với kho tàng văn hóa dân gian đậm đặc đã mang đến liên hoan chương trình biểu diễn Di sản văn hóa phi vật thể vật võ Liễu Đôi. Ở hội vật võ Liễu Đôi có những nghi lễ đặc biệt mà không nơi nào có. Nó được diễn ra khi tiếng trống rung lên mở đầu cho hội vật. Những người dân của xã Liêm Túc nơi có hội vật đã diễn trình lại những nghi lễ độc đáo nhất nhằm giới thiệu với liên hoan một nét đẹp văn hóa khác biệt của vùng đất có nhiều gò đống. Đó là lễ trình đao, lệ vật 5 keo trai rốt và màn biểu diễn các miếng vật cổ truyền của Liễu Đôi. Chính nhờ những nghi lễ và tục lệ đặc biệt này mà Hội vật võ Liễu Đôi trường tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác, liên tục duy trì và phát triển ngày càng lớn mạnh.

Với quan điểm không chuyên nghiệp hóa dân gian, để người dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng biểu diễn nên liên hoan như là một bức tranh toàn cảnh giới thiệu được những nét đặc sắc nhất, độc đáo nhất trong kho tàng văn hóa dân gian tích tụ qua ngàn năm của Hà Nam. Thông qua liên hoan các giá trị về kiến trúc, nghệ thuật của các di tích cũng được sáng rõ hơn qua các pa nô tuyên truyền và những kinh nghiệm hay được trao đổi để các di tích luôn là nơi văn hóa dân gian, văn nghệ dân gian gắn liền song hành cùng tồn tại với thời gian.

Bình Nguyên

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy