Đình làng kết tinh giá trị nhân văn

Từ ngàn đời nay, hình ảnh ngôi đình, cây đa, bến nước luôn là biểu tượng gần gũi của mỗi làng quê. Trong đó, ngôi đình không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc mà còn là kho tàng chứa đựng hồn cốt văn hóa mỗi vùng miền, nơi quy tụ, gắn kết cộng đồng, kết tinh những giá trị nhân văn mang sức sống mãnh liệt, bền bỉ của làng quê.

Hầu hết các ngôi đình ở Hà Nam đều gắn liền với những danh nhân, sự kiện lịch sử, nơi thờ phụng thành hoàng làng là các vị tiền nhân có công với quê hương, đất nước.

Một trong số đó là đình Vĩnh Trụ (thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân), được xếp hạng Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Các vị thành hoàng tôn thờ tại đình Vĩnh Trụ là những nhân thần có công âm phù, dương trợ cho vua Lý Thần Tông trong quá trình đánh giặc, giữ nước thế kỷ XII.

Hơn 200 năm nay, đình Vĩnh Trụ vẫn giữ được nguyên vẹn sắc phong của các vương triều, từ thời Lê Chiêu Thống thứ nhất (1787) đến Khải Định thứ 9 Triều Nguyễn (1924).

Một ngôi đình nổi tiếng khác là đình đá Tiên Phong (An Mông, Tiên Phong, Duy Tiên) thờ Nguyệt Nga Công Chúa, nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng, có công truyền dạy người dân nơi đây trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.

Đình Lũng Xuyên, xã Yên Bắc (Duy Tiên) - Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: Thế Trang

Ngoài ý nghĩa tâm linh, đình làng còn là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, bền vững với thời gian. Đình đá Tiên Phong là một trong số những ngôi đình được làm chủ yếu từ nguyên liệu đá còn lưu giữ đến ngày nay.

Nghệ nhân xưa đã sử dụng hàng trăm khối đá lớn đủ để tạo thành 5 hàng cột, 6 vì kèo và rất nhiều xà ngang, xà dọc, chân tảng. Trên những bộ phận, chi tiết được chế tác bằng đá vô cùng vững chãi đó là hàng loạt tác phẩm mỹ thuật điêu khắc công phu, tỉ mỉ, tạo cho đình làng Tiên Phong vẻ mềm mại, sống động với những họa tiết cách điệu rất nghệ thuật: sen quy, hoa chanh chữ thọ, phượng múa long mã…

Hệ thống cột cái, cột quân, cột hiên của đình làm hoàn toàn bằng đá. Tác phẩm mỹ thuật điêu khắc ở mỗi vị trí cột có một phong cách khác nhau, phù hợp với bố cục, thể hiện tay nghề tài hoa, khéo léo cùng óc thẩm mỹ tinh tế của các thế hệ nghệ nhân xưa.

Với chức năng là nơi sinh hoạt cộng đồng nên gần như đình làng nào ở vùng quê Hà Nam cũng có khoảng sân rộng. Nhiều làng quê vẫn giữ được nguyên vẹn không gian quần thể công trình đình làng, giếng nước, cây đa đặc trưng.

Bao đời nay, hầu hết người dân các làng quê đều coi không gian sân đình là nơi vui chơi, tham gia công việc trong hoạt động tự quản và các kỳ việc làng, lễ hội. Con cháu trong làng dù đi đâu xa nhưng cứ đến dịp lễ hội, tưởng niệm, tri ân công đức các vị thành hoàng làng lại cố gắng quay trở về với cội nguồn, quê cha đất tổ, tụ hội dưới mái đình làng.

Lễ hội và mái đình làng vì thế trở thành nhịp cầu nối của tinh thần đoàn kết trong xóm ngoài làng, trở thành nét văn hóa đặc trưng đan kết quá khứ với thực tại, giúp dân làng giữ gìn nếp sống cộng đồng vừa hài hòa vừa có sắc màu độc đáo, riêng có.

Không chỉ ẩn chứa những giá trị văn hóa, đình làng còn là những "chứng nhân" của nhiều giai đoạn lịch sử. Khó có ngôi đình làng nào trong tỉnh không gắn liền với các phong trào yêu nước, cách mạng và các cuộc kháng chiến.

Thời điểm chưa xây dựng được cơ quan hành chính, nhà văn hóa cộng đồng thì đình làng chính là ngôi nhà chung của làng, là cứ địa của các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nơi nuôi dưỡng, che chở cán bộ cách mạng. Đình làng lưu giữ bao kỉ niệm, ân tình của người dân, ghi lại những tư liệu lịch sử, chiến tích anh hùng của nhân dân về cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương.

Một trong số đó phải kể đến đình Lũng Xuyên (còn gọi là đình Gạo, thôn Lũng Xuyên, Yên Bắc, Duy Tiên), quê hương nhà hoạt động cách mạng tiền bối Nguyễn Hữu Tiến.

Tại đây, năm 1927 đã diễn ra cuộc họp thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên của tỉnh. Sau sự kiện lịch sử quan trọng này, nhiều tổ chức quần chúng như Hội tương thế, Hội hỷ, Hội bóng đá… được thành lập thu hút hầu hết thanh niên Lũng Xuyên tham gia sinh hoạt tại đình làng.

Tháng 11/1929, tại đình Lũng Xuyên đã tổ chức thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng (gồm 6 đảng viên), đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được cử làm Bí thư chi bộ. Cờ đỏ búa liềm được bí mật treo trên cây gạo đình làng. Hậu cung đình là nơi cất giấu tài liệu của tổ chức cách mạng.

Có thể nói, từ quá khứ xa xưa đến hiện tại, đình làng luôn là ngôi nhà chung kết nối những người cùng tộc họ, quê quán, góp phần tăng thêm tính bền chặt của các mối quan hệ cộng đồng. Vì vậy, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống từ đình làng và lễ hội là việc làm cần thiết, cần có sự quan tâm, đầu tư của chính quyền và người dân.

Việc khai thác những giá trị văn hóa từ đình làng và lễ hội để phục vụ du lịch cũng đang là hướng đi mở ra nhiều triển vọng, qua đó vừa phát huy được tiềm năng, vừa góp phần bảo tồn giá trị vật chất và tinh thần quý giá của mỗi làng quê.

Thanh Vân

Thanh Vân, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy