Di sản văn hóa Hà Nam – Tự hào và trăn trở

Bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa luôn được xác định là nhiệm vụ cấp thiết của các địa phương trong quá trình hội nhập. Đó là nền tảng để chúng ta "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Trong dòng chảy văn hóa của nước nhà, Hà Nam cũng được biết đến là một vùng đất văn hiến, với khối lượng di sản văn hóa dày dặn, đặc sắc và phong phú.

Nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa đặc sắc

Với trên 1.784 di tích (trong đó có 551 ngôi đình, 490 ngôi chùa, 306 ngôi đền, số còn lại là miếu, phủ, văn chỉ, từ đường) thờ những anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước trong chống ngoại xâm, truyền nghề, dạy nghề,… được phân bố đều khắp ở hơn 1.200 thôn, xóm trong tỉnh đã nói lên những trang lịch sử hào hùng của Hà Nam.

Nhiều di tích có kiến trúc quy mô, nghệ thuật chạm khắc độc đáo, tiêu biểu như: Chùa Long Đọi Sơn có niên đại thời Lý, đền Trần Thương - dấu tích một kho lương thời Trần, đình Chảy (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm), đền Trúc - Ngũ Động Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng), đình Vị Hạ, đền Trần Thương, Đình Văn Xá...

Nhiều ngôi đình, ngôi chùa ghi dấu trăm năm giờ vẫn còn nguyên dáng vóc kiến trúc, khắc vào lịch sử tinh thần thời đại, cuộc sống, chiến đấu, lao động của ông cha ta hàng nghìn năm trước.

Sự tồn tại của những di tích ấy đã khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân Hà Nam về truyền thống ứng xử, đấu tranh chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm. Mỗi di tích mang một câu chuyện, một truyền thuyết để các thế hệ hôm nay và ngày mai không ngừng lắng nghe, không ngừng suy nghĩ, không ngừng bồi đắp để các giá trị di sản văn hóa trường tồn và tỏa sáng trong đời sống văn hóa của người dân Hà Nam.

Phát huy giá trị của di sản bằng cách tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian gắn với di tích và lễ hội. Ảnh: Chu Uyên

Hiện, Hà Nam đã có trên 160 di tích, cụm di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đặc biệt là Bia Sùng Thiện Diên Linh (có niên đại đầu thời Lý) đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là "Bảo vật Quốc gia".

Với những giá trị tiêu biểu, di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, năm 2015, đền Trần Thương (xã Nhân Đạo, Lý Nhân) cũng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015.

Trong 18 trống đồng (Trống thôn Đoài, Trống Tượng Lĩnh, Trống Vũ Xá, Trống Kim Bảng…) tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ học ở Hà Nam, thì Trống đồng Ngọc Lũ - được coi là biểu tượng rực rỡ nhất của nền văn hóa Đông Sơn, hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và phiên bản được đặt trang trọng tại Tòa nhà Liên Hợp quốc.

Không chỉ là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể đặc sắc, hằng năm Hà Nam có hơn một trăm lễ hội lớn nhỏ được tổ chức, đó vừa là dịp để con người tận hưởng những niềm hân hoan của cuộc sống, vừa là khoảnh khắc để họ thể hiện trước đất trời linh thiêng, tấm lòng lễ nghĩa của mình với các bậc thánh nhân, những con người có công với đất nước, với nhân dân.

Đến với lễ hội đền Trần Thương, ngoài việc được chiêm bái Đức Thánh Trần linh thiêng, người ta còn được đắm mình trong không gian của nghi lễ Chầu văn. Hay về với lễ hội đền Lảnh Giang, sau khi được tham dự các nghi lễ rước thánh, rước nước, tắm tượng biểu thị khát vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, cho quốc thái dân an, du khách sẽ được phiêu diêu, bay bổng cùng các đồng cô, đồng cậu theo mỗi giá hầu thánh.

Là một quốc gia nông nghiệp, mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu là mong ước của bao người dân trong năm mới và lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Duy Tiên) là một lễ hội mang ý nghĩa như vậy, đó không chỉ là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông mà còn là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội của người dân Việt Nam.

Trách nhiệm và trăn trở

Trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh tư liệu

Làm gì để tiếp tục phát huy giá trị của những di sản ấy trong đời sống văn hóa và du lịch Hà Nam? Nếu nhìn nhận một cách khách quan có thể thấy, nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã được quan tâm, đầu tư và thu được những kết quả khích lệ.

Sau 20 năm tái lập tỉnh, Hà Nam đã có 10 đề tài, dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia như Múa hát Lải Lèn, múa hát Dậm Quyển Sơn, hội vật võ Liễu Đôi, hát Trống quân, vật Cầu An Mông... nhiều nghệ nhân được xét tặng "Nghệ nhân nhân dân" và "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Ngoài nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh huy động từ 20-30 tỷ đồng do nhân dân và các tổ chức xã hội đóng góp để tu bổ, tôn tạo di tích. Cùng với đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nam đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức nhiều đợt điều tra thám sát khảo cổ học tại các huyện Thanh Liêm, Duy Tiên, Kim Bảng; qua đó, đã thu được nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị và đưa về lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh và trưng bày tại điểm di tích. Hiện ở Bảo tàng Hà Nam đang lưu giữ trên 4.000 hiện vật, tài liệu gốc quý hiếm.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa không đơn giản chỉ là dùng tiền để xây đắp, tôn tạo, mà còn phải làm tốt công tác giáo dục nhận thức cho con người về kiến thức, tình cảm đối với di sản để có nền tảng tư duy tốt trong việc phát huy các giá trị của di sản ấy.

Đặc biệt, là đối với văn hóa phi vật thể, vốn là văn hóa tiềm ẩn trong tâm thức và trí nhớ của một số người, mà lâu nay chúng ta phong tặng họ là những nghệ nhân dân gian hay là những "báu vật sống".

Vì vậy, muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể còn đồng nghĩa với việc "bảo tồn" các "báu vật sống" đó. Tôn vinh họ trong cộng đồng, tạo những điều kiện tốt nhất để họ phát huy tối đa khả năng của mình trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện xã hội hiện đại hóa và công nghiệp hóa ngày nay.

Nói như nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: Hà Nam cần có một chiến lược bài bản về phát triển văn hóa, trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Là một địa phương lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa được đánh giá là tiềm năng nhưng Hà Nam vẫn chưa khai thác và phát huy tối đa hiệu quả các di sản văn hóa, nên tiềm năng vẫn chưa biến thành lợi thế phát triển.

Minh Thu

Minh Thu, Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy