Bảo tồn hát Dậm Quyển Sơn

Hát Dậm Quyển Sơn là một hình thức ca múa nhạc dân gian riêng biệt của vùng đất Thi Sơn (Kim Bảng). Những làn điệu hát múa trải qua gần 1.000 năm vẫn được dân làng nơi đây bảo tồn, truyền dạy cho các thế hệ con cháu.

Không những được bảo tồn, điệu múa hát cửa đình này còn được quảng bá đã góp phần tạo thêm các giá trị tinh thần và tâm linh cho người dân không những trong vùng mà còn thu hút khách du lịch tới nơi cảnh sắc sông núi hài hòa, đền thiêng rừng trúc.

Đội hát Dậm người cao tuổi làng Quyển Sơn tham gia Liên hoan các CLB dân ca và chèo toàn tỉnh năm 2017.

Kể về sự tích ra đời của hát Dậm, người dân Quyển Sơn ai cũng biết. Chuyện kể rằng: Vào năm Kỷ Dậu (1069) khi Lý Thường Kiệt đem quân đi chinh phạt giặc phương Nam, đoàn chiến thuyền đi theo sông Đáy, qua trại Canh Dịch (nay là thôn Quyển Sơn) thì gặp một trận gió lớn cho nên ông phải cho thuyền nép vào chân núi để tránh gió, trận cuồng phong này đã bẻ gãy cột buồm cuốn lá cờ đại lên đỉnh núi.

Thấy điều lạ, Lý Thường Kiệt cho quân sĩ dừng lại cùng tướng lĩnh lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu mong chiến thắng. Từ đó, ông đặt tên núi là Quyển Sơn và trại Canh Dịch cũng được đổi thành làng Quyển Sơn.

Lần ra quân ấy, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy đại quân thắng lớn. Trên đường trở về kinh đô, khi qua vùng núi cũ, nhớ lời cầu nguyện năm xưa, ông cho dừng quân, hạ trại bên rừng trúc, giết trâu mổ bò làm lễ tạ trời đất, mở hội mừng chiến thắng. Lý Thường Kiệt mời dân làng cùng tham dự cuộc vui với quân sĩ. Ông cho chọn những cô gái thanh tân trong làng để múa hát, chọn các trai tráng khỏe mạnh để tổ chức đua thuyền. Trò múa hát này có tên là hát Dậm, là lối hát thờ, ca ngợi chiến công đánh giặc giữ nước, ca ngợi cuộc sống thanh bình, hạnh phúc lứa đôi và sự an cư lạc nghiệp.

Để tưởng nhớ công ơn Lý Thường Kiệt, nhân dân đã tôn ông làm Thành hoàng làng, lập đền thờ ngay nơi ông mở hội mừng chiến thắng. Đấy chính là đền Trúc dưới chân núi Quyển Sơn. Hằng năm, cứ vào dịp đầu xuân, dân làng lại tổ chức lễ hội từ 1 - 10 tháng 2 âm lịch có bày trò hát Dậm để tưởng nhớ người Anh hùng.

Ngay từ đầu tháng Giêng, khi công việc nhà nông đã vãn, dân làng mở cuộc tuyển chọn chừng vài ba chục cô gái thanh tân tuổi từ 13 - 17 tập trung ở nhà một cụ trùm trò để tập múa hát theo đúng bài bản của  nghi lễ. Khi mọi công việc hoàn tất, các cụ chọn khoảng 16 - 20 cô múa hát hay nhất để đưa vào hát lễ tại đền Trúc là nơi thờ tướng quân Lý Thường Kiệt suốt 10 ngày đêm hội đền.

Hát Dậm gồm 38 làn điệu khác nhau. Mỗi điệu một bài, có bài nhiều lời ca, có bài chỉ có lời ca đơn giản về một sự vật, sự việc cụ thể, đơn giản, lại có bài lời hát lấy từ ca dao cổ. Khi diễn xướng cụ trùm - trong hát Dậm cụ trùm phải là cụ bà với quy định cụ không có chồng hoặc chồng đã mất, tính cách ôn hòa, phúc hậu, đức độ - mặc váy áo vàng hoặc đỏ đứng giữa trước bàn thờ thánh, quân là những cô gái thanh tân đứng xếp theo hai hàng dọc ở hai bên. Các cô gái mặc áo dài nâu 5 vạt hoặc áo dài màu xanh lá mạ, váy lĩnh, yếm đào, thắt lưng màu hoa lý, đầu chít khăn mỏ quạ duyên dáng.

Hát Dậm không có nhạc cụ kèm theo, cụ trùm cầm đôi sênh tre gõ nhịp lúc mau, lúc khoan tùy theo bài hát để điều khiển. Trong các bài hát Dậm có bài hát và múa thì dùng quạt giấy màu đỏ hoặc trắng làm động tác biểu hiện nội dung và trang trí, lúc không múa thì cài quạt vào thắt lưng. Để tránh nhầm lẫn và sai hội, cụ trùm thường cất giọng và làm động tác mẫu để các cô gái cứ thế làm theo.

Nguồn: VTV

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, hát Dậm không giống với bất cứ dân ca nào ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, mặc dù Quyển Sơn theo địa dư cũng là một vùng đất nằm trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, vùng đất Kim Bảng xưa là địa bàn sinh sống của người Mường (Hòa Bình) bởi phong tục, tập quán và văn hóa nói chung ở vùng đất này hiện nay còn dấu tích qua hát Dậm.

Do tính chất dân tộc đặc biệt như vậy, nên sau này mặc dù có sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ nhưng hát Dậm vẫn không bị lẫn và mất. Hát Dậm tuy không phải là thứ dân ca phổ biến cũng không phải là một dòng hát chuyên nghiệp như chèo, xẩm, chầu văn… nhưng đã là người Quyển Sơn, đặc biệt là gái Quyển Sơn không ai không biết hát Dậm.

Ở Quyển Sơn hôm nay, tục hát thờ thần vẫn do một cụ trùm truyền dạy, các cô gái thanh tân tiếp nối nhau theo cụ trùm hát thờ mỗi khi đến hội. Cụ trùm hiện hay của đội hát là bà Trịnh Thị Phương Lâm - thủ từ đền Trúc. Bà biết hát Dậm từ khi lên 10 tuổi do mẹ bà vốn là con gái hát Dậm xưa truyền dạy. Bà kể, ngày xưa mẹ bà dạy rằng con gái hát Dậm một năm phải hát đủ 30 ngày và con gái hát Dậm bao giờ cũng được ngài phù hộ xinh đẹp, giỏi giang, đắt chồng.

Năm 2006, đánh dấu sự ra đời đội hát Dậm làng Quyển Sơn. Năm 2017 vừa qua, đội hát Dậm lại gây ấn tượng mạnh tại hội thi các câu lạc bộ hát dân ca và chèo toàn tỉnh khi bà trùm Trịnh Thị Phương Lâm đạt Huy chương Vàng và tiết mục của đội cũng đạt giải cao. Tại lễ hội làng Quyển Sơn đầu Xuân vừa qua, người dân cũng như du khách đã vô cùng xúc động khi xem cả 3 đội hát Dậm của làng Quyển Sơn, đội người cao tuổi của cụ trùm Trịnh Thị Phương Lâm, đội các cô gái thanh tân của cụ trùm Trịnh Thị Phẩm và đặc biệt là lời hát, điệu múa Dậm của các em nhỏ được bà Lâm truyền dạy cùng biểu diễn.

Các đội hát Dậm tại Quyển Sơn hình thành, từ nhu cầu của người dân, từ trách nhiệm lưu giữ và bảo tồn vốn quý của nền văn nghệ dân gian. Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL công nhận hát Dậm Quyển Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Được công nhận, hát Dậm Quyển Sơn - một nét văn hóa dân gian đặc thù sẽ có thêm cơ hội tồn tại mãi mãi với thời gian.

Chu Bình

Chu Bình, Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy