Đại đức Thích Đạo Duyệt, trụ trì chùa Ninh Tảo: Hiếu là cái căn bản nhất của đạo đức con người, đạo đức xã hội

Tháng Bảy về mang theo những cảm thức hiếu lễ tự nhiên trong mỗi con người hướng lòng về cha mẹ, ông bà, tổ tiên, những người đã khuất. Đại đức Thích Đạo Duyệt, trụ trì chùa Ninh Tảo, xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm cho rằng, Hiếu là cái căn bản của đạo đức con người, đạo đức xã hội.

Đại đức Thích Đạo Duyệt, trụ trì chùa Ninh Tảo, xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm

Thưa Đại đức, Rằm tháng Bảy đã đi vào tâm thức người Việt như thế nào?

Đại đức Thích Đạo Duyệt: Từ xa xưa tới nay, Rằm tháng Bảy trở thành ngày để những người Việt Nam tưởng nhớ những người đã khuất, đến chùa hành lễ, cầu siêu mong cho các linh hồn được siêu linh, tịnh độ.

Tại sao người ta lại gọi tháng  Bảy là tháng cô hồn, thưa Đại đức?

Đại đức Thích Đạo Duyệt: Nó chỉ là quan niệm dân gian mà thôi chứ trong đạo Phật không có dạy như vậy. Dân gian còn gọi tháng Bảy là tháng xá tội vong nhân, cửa ngục được mở, tất cả các loại cô hồn sẽ trở lại trần gian đi khắp nơi. Đó là điều không tốt, người ta quan niệm cần phải tránh né, kiêng kỵ. Đặc biệt với những công việc cưới hỏi, mua sắm, làm nhà… phải đình đốn.

Thế nhưng, Đức Phật dạy chúng ta tháng Bảy là tháng Báo ân, tháng nhân văn, tháng đẹp. Theo quan niệm của Đức Phật, bất kể trong thời gian nào, nếu chúng ta sống đẹp, làm việc tốt, thì sẽ có báo ứng tốt, ngày đó đều là ngày đẹp. Ngược lại, nếu chúng ta làm chuyện xấu, chuyện ác, tổn hại đến đời sống, con người, xã hội, đất nước thì tất cả những ngày đó đều là ngày xấu. Xấu hay tốt là do mình, tháng nào, ngày nào mình làm việc tốt là tháng tốt, ngày tốt. Tháng nào mình làm việc xấu thì đó là ngày xấu, tháng xấu.

Các cháu học sinh THPT đến chùa dự lễ Vu lan thực hiện nghi thức Bông hồng cài áo

Có nghĩa là, Phật giáo không cho rằng việc cúng cô hồn là việc tâm linh trong tháng Bảy?

Đại đức Thích Đạo Duyệt: Trên thực tế, ai cũng có cha mẹ, ông bà; nhà nào cũng có người đã khuất, phật tử đến chùa vào tháng Bảy vừa để tưởng nhớ, vừa để báo ân. Đức Phật dạy, rằm tháng Bảy mỗi năm, sau ba tháng an cư, đầy đủ phúc điền, có thêm tuổi hạ, phật tử về chùa lễ phật cúng dường, hồi hướng công đức cho cha mẹ, chúng sinh, trong đó có thập loại cô hồn.

Thanh thiếu niên hướng về ngày lễ Vu lan ngày một đông hơn, tự giác hơn

Thưa thầy, trong tháng Bảy, người ta quan tâm nhiều đến lễ Vu lan. Xin thầy cho biết, lễ Vu lan có nghĩa gì?

Đại đức Thích Đạo Duyệt: Nếu nói về Vu lan thì phải gọi là Vu lan báo hiếu, Vu lan báo ân. Ý nghĩa đích thực của lễ Vu lan báo hiếu theo lời Phật dạy là vừa báo hiếu, báo ân người đã mất là ông bà, tổ tiên, những người đã cống hiến hy sinh vì đất nước, vì quê hương, vừa phải làm phúc, làm thiện mới trọn vẹn.

Chúng ta đến chùa cầu kinh, niệm Phật, hồi hướng cho ông bà, tổ tiên được siêu sinh tịnh độ. Công ơn của cha mẹ rất lớn, việc báo hiếu cho cha mẹ, làm cho cha mẹ an lòng mới là trọn đạo làm con. Và, tôi nghĩ, việc báo hiếu không chỉ làm trong tháng Bảy mà là hành động, suy nghĩ thường ngày, suốt đời đối với mỗi con người.

Nghe Kinh Vu lan, nhiều bạn trẻ đã không kìm được cảm xúc

Giới trẻ cần hiểu, Hiếu là cái căn bản nhất của đạo đức con người, đạo đức xã hội

Những ngày tháng Bảy ở chùa Ninh Tảo luôn thu hút một lượng phật tử trẻ tuổi, hầu hết là các nam thanh nữ tú, các em thiếu niên, nhi đồng đến dự. Chuyện này có vẻ rất đặc biệt, thưa Đại đức?

Đại đức Thích Đạo Duyệt: Đúng vậy! Hiện nay, tuổi trẻ là đối tượng cả xã hội cần quan tâm. Nhiều vấn đề về đạo đức của giới trẻ đang bộc lộ những lo lắng, trăn trở. Một bộ phận người trẻ tuổi đã suy đồi về đạo đức, ngược đãi cha mẹ, hành hung cha mẹ, không sống đúng với đạo hiếu con người. Vì thế, nhiều năm qua, chùa Ninh Tảo thường xuyên tổ chức những chương trình hướng đạo cho giới trẻ, đặc biệt trong mùa Vu lan báo hiếu.

Các cháu đến đây, nghe nhà chùa thuyết giảng về đạo hiếu công ơn sinh thành của cha mẹ, nghe kinh Vu lan, tham dự vào chương trình “Vu lan tình mẹ”. Các cháu sẽ thấu cảm giá trị cuộc sống từ những điều giản dị, có sẵn trong mỗi con người, nhưng luôn cần có môi trường và điều kiện để phát huy, để nuôi dưỡng nó như tình yêu gia đình, tình mẫu tử, tình phụ tử…

Các cháu đã hiểu ra một điều, khi con người không có đức hiếu thì không có việc xấu gì mà người ta lại không dám làm, bởi vì, đối với cha mẹ người ta còn không kính, không quý thì với bất kỳ ai đều không có ý nghĩa gì hết. Khi các bạn trẻ đã biết hiếu thảo với cha mẹ rồi thì dễ làm điều thiện, làm điều gì xấu cũng sợ cha mẹ buồn phiền, lo lắng. Giới trẻ cần hiểu, Hiếu là cái căn bản nhất của đạo đức con người, đạo đức xã hội.

Xin cảm ơn Đại đức!

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy