Chùa Bà Đanh và giai thoại với Trạng Quỳnh

Chùa Bà Đanh ở thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn (Kim Bảng) có tên chữ là Bảo Sơn tự.

Một góc chùa Bà Đanh, xã Ngọc Sơn (Kim Bảng). Ảnh: Thế Trang

Cũng như các ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh thờ Phật, song ở chùa, ngoài tượng Bồ Tát còn có tượng của Thái Thượng Lão Quân, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu và các tượng của tín ngưỡng Tứ pháp - một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tứ pháp bao gồm các bà mẹ Mây (Pháp Vân), Mưa (Pháp Vũ), Sấm (Pháp Lôi), Chớp (Pháp Điện).

Chùa Bà Đanh là một trong ít chùa đại diện cho sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa. Câu chuyện về gốc tổ Tứ pháp được hình thành từ mẹ Phật Man Nương ra đời ở vùng Bắc Ninh sau đó lan truyền khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ và cũng được lưu hành ở đây.

Nhiều cụ già ở Ngọc Sơn kể lại rằng: Khi thấy vùng Bắc Ninh vì thờ Tứ pháp mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc, mùa màng bội thu, dân làng vùng Ngọc Sơn bèn họp nhau lên xứ Bắc để xin chân nhang về thờ bởi ở vùng Ngọc Sơn trước đây luôn gặp mưa to, gió lớn, việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, mùa màng thất bát gây ra cảnh đói kém triền miên. Nhưng chưa kịp đi thì xảy ra một câu chuyện lạ với dân làng: Có một cụ già cao tuổi trong làng nằm mộng thấy một người con gái trẻ trung, xinh đẹp, đoan trang, phúc hậu, vầng trán và đôi mắt thông minh hiện ra nói rằng: Ta được thần cho về đây để chăm nom và chỉ bảo dân làng làm ăn. Thấy vậy, dân làng bèn lập chùa thờ bà. Các bô lão đã chọn khu rừng đầu làng làm nơi dựng chùa.

Nơi ấy bấy giờ là vạt rừng rậm, có nhiều cây cổ thụ, chùa quay mặt ra sông Đáy bên cạnh có hòn núi nhỏ nhô mình ra mặt nước, khung cảnh thần tiên, u tịch. Truyền thuyết này được in trong thần tích, thần sắc lưu giữ tại chùa và in đậm trong ký ức dân làng lưu truyền qua bao thế hệ. Chùa Bà Đanh mở hội vào tháng 2 âm lịch hằng năm. Cũng trong một lần về vui hội chùa, tôi đã được dân làng kể cho nghe rằng: Gần đây có một số người cho rằng trước đây chùa Bà Đanh thờ một vị thần gì đó của người Chăm Pa nhưng hình dáng tượng "thô tục" và tên chùa cũng mô phỏng theo dáng ngồi của pho tượng đó mà sau chuyển hóa thành Bà Đanh cho giảm bớt sự thô thiển ấy đi.

Chùa Bà Đanh là một trong ít chùa đại diện cho sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa.  Ảnh: Phạm Hiền

Mang thắc mắc của các cụ già ở Ngọc Sơn về tìm hiểu thì tôi được biết, chùa Bà Đanh được một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng vốn một thời đã là nơi thờ một nữ thần người Chăm. Tiến sĩ Nguyễn Minh San ở Tạp chí Văn hiến Việt Nam cho biết: Từ thời Lý, ngay tại kinh đô Thăng Long đã có một ngôi chùa Bà Đanh (nay là chùa Bà Đá, Hoàn Kiếm, Hà Nội) thờ nữ thần Chăm do người Chăm Pa mang theo. Ngoài kinh thành Thăng Long còn có một số ngôi chùa nữa cũng mang tên chùa Bà Đanh, như chùa Bà Đanh ở Kim Bảng, Hà Nam và chùa Bà Đanh ở xã Trà Phương, Kiến An, Hải Phòng. Chùa Bà Đanh nói đúng hơn là đền, thờ nữ thần Pô Yan Dari của người Chăm.

Vị nữ thần này được tạc bằng đá, mang dáng hình rất phồn thực, hai chân dạng ra. Vị nữ thần này chuyên ban  phúc cho những người đến cầu cúng, nhất là những người đến cầu tự khi người này cầm gậy bằng đá thọc vào hạ bộ của thần như biểu tượng của sự giao phối thần thánh. Tên Bà Banh là cách gọi dân gian đặt cho ngôi chùa bởi sự phô phang đó nhưng sau do từ Banh thô tục nên gọi chệch đi thành Bà Đanh.

Về câu chuyện này còn có giai thoại: Trạng Quỳnh nghe nói gần nơi mình dạy học có một tượng đá rất thiêng, người ta gọi pho tượng đó là Bà Banh. Một hôm, Quỳnh đến tận nơi để xem thực hư. Quỳnh đến bên tượng lấy chày đá quẳng đi, rồi viết lên bụng bức tượng 8 câu thơ:

Khen ai đẽo đá tạc nên mày

Khéo đứng ru mà đứng mãi đây

Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt

Dưới chân đứng chéo một đôi giày

Ấy đã phất cờ trêu ghẹo tiểu

Hay là bốc gạo thử thanh thầy

Có gứa gần đây nhiều gốc dứa

Phô phang chi ở đám quân này

Bài thơ Quỳnh viết xong chưa ráo mực, mồ hôi tượng đá đã vã ra như tắm. Từ đấy, không còn ai nghe nói rằng "Bà Banh" thiêng nữa.

Sự xuất hiện di sản văn hóa Chăm Pa trên đất Đại Việt, trong đó có Hà Nam là kết quả của sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa Chăm Pa - Đại Việt diễn ra trong một thời gian dài, từ khi Vương quốc Chăm Pa hình thành năm 192 cho đến khi Chăm Pa hòa đồng vào thành một phần lãnh thổ Việt Nam vào cuối thế kỷ XVII. Hà Nam vùng đất phên giậu, cửa ngõ phía Nam kinh đô Thăng Long nên hầu hết các cuộc phát binh đi chinh phạt Chăm Pa và chiến thắng trở về đều đi qua Hà Nam. Trong những lần chinh chiến ấy, quân Đại Việt trở về sau mấy tháng trời chinh chiến vất vả, phải vượt qua dòng xoáy nguy hiểm của sông Hồng ở ngã ba Tuần Vường "Nhất cao là núi Tản Viên/Nhất sâu là vũng Thủy Tiên Tuần Vường" đều chọn đất Lý Nhân để dừng chân nghỉ ngơi. Hơn nữa, vùng Lý Nhân còn có hành cung của nhà Lý và đối diện sông Châu Giang là hành cung Thiên Trường của nhà Trần.

Điều đó giải thích vì sao dấu vết Chăm Pa trên đất Hà Nam lại có dấu ấn đậm đặc như vậy (đền thờ Mỵ Ê và vua Sạ Đẩu ở Lý Nhân, giống lúa Chiêm của Chăm Pa, múa hát Dặm Quyển Sơn mang âm hưởng Chăm Pa, những phù điêu đầu người mình chim ở chùa Đọi…) và chùa Bà Đanh liệu trước đây có thờ nữ thần của người Chăm?

Do chùa nhiều lần trùng tu, lần gần đây nhất là vào năm Vĩnh Trị đời vua Lê Hy Tông (1676 - 1680) nên những dấu ấn Chăm Pa nếu có tại ngôi chùa này cũng mai một, khuất lấp? Mới chỉ dừng lại ở mức "nghi ngờ", đặt câu hỏi dựa trên các dữ kiện lịch sử chứ chưa được khảo cứu một cách bài bản, khoa học nên các nhà khoa học không khẳng định chùa Bà Đanh ở Kim Bảng  từng thờ một nữ thần như vậy.

Còn chùa Bà Đanh ở Thăng Long xưa (Hà Nội nay) thì đã có nhiều khảo cứu khẳng định đây là nơi những người Chăm xưa kia khi về Đại Việt từng sinh sống và mang theo tín ngưỡng của mình lập nên. Dựa cả trên giai thoại của Trạng Quỳnh thì có thể tượng Pô Yan Dari của người Chăm Pa đã được thờ tự tại đây.

Thắng cảnh chùa Bà Đanh, xã Ngọc Sơn (Kim Bảng) nhìn từ trên cao. Ảnh: Thế Trang

Còn chùa Bà Đanh (Kim Bảng) hiện nay, điện thần của chùa mang đậm dấu ấn của dòng Phật giáo Đại thừa và Đạo Tứ pháp cùng câu chuyện truyền thuyết đã quen thuộc với người dân nơi đây và tên Bà Đanh là lấy theo tên thôn chùa tọa lạc - thôn Đanh Xá. Còn nếu có chứng cứ chùa Bà Đanh nơi đây cũng từng có một dòng tín ngưỡng khác thì càng khẳng định đây là nơi giao thoa của các nền văn hóa và tín ngưỡng khác nhau, nơi có thế đất thiêng và đẹp bên dòng sông Đáy hiền hòa.

Nói về nữ thần Pô Yan Dari thì đây chính là biểu tượng Lajja Gauri trong văn hóa Ấn Độ vì văn hóa Chăm Pa chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa Ấn Độ mà trong xã hội Ấn Độ xưa vai trò của người phụ nữ được coi trọng và được thể hiện một cách hết sức cụ thể, rõ ràng bằng một dạng quyền năng đã được biểu tượng hóa gọi là thần lực nữ tính. Lajja Gauri là một trong những vị thần như thế, một nữ thần gắn liền với sự giàu có và khả năng sinh sản. Biểu hiện của khả năng sinh sản ở vị thần này được biểu tượng hóa qua sự phóng đại của bộ phận sinh dục, với tư thế ngồi xổm, hai chân mở rộng ra như một người phụ nữ trong quá trình sinh nở. Biểu hiện này được cho là giúp cây cối phát triển và tạo ra các thế hệ tương lai đông đúc và có cuộc sống no đủ.

So sánh biểu tượng này với sự ảnh hưởng to lớn của Nho giáo Trung Quốc vào thời nhà Lê thì đặc tính "công, dung, ngôn, hạnh" được coi như một biểu tượng đặc trưng của người phụ nữ truyền thống và vai trò của người phụ nữ rất mờ nhạt thì hoàn toàn không phù hợp. Do đó, đến giai đoạn nhà Lê nhiều cơ sở thờ tự nói chung và các đền thờ thần Pô Yan Dari của người Chăm ở Đại Việt nói riêng đều bị phá hủy hoặc phải thay đổi đối tượng thờ cúng sang Phật giáo hoặc Đạo giáo.

Còn câu nói "Vắng như chùa Bà Đanh" xuất phát từ đâu thì có nhà nghiên cứu cho rằng, do đền thờ của người Chăm bị phá hủy, họ lại không muốn thờ các vị thần không phải của mình nên đành bỏ hoang mà ra đời câu nói này. Chùa Bà Đanh ở Kim Bảng vì trước đây được dựng cách xa làng xóm, cạnh cánh rừng rậm, có nhiều thú dữ, người dân chỉ những tuần lễ tiết qua lại không thì cũng thưa vắng mà thành câu nói đó. Dù cho xuất phát ở đâu, thì câu thành ngữ "Vắng như chùa Bà Đanh" từ lâu đã trở thành một thành tố so sánh quen thuộc trong văn phong tiếng Việt cũng như trong giao tiếp đời thường mà người sử dụng ít bận tâm đến nơi xuất phát. Còn chùa Bà Đanh (Bà Đá) Hà Nội hay Bà Đanh Kim Bảng (Hà Nam) nay đã khác xưa rất nhiều. Những dấu ấn lịch sử có để lại dấu vết nơi này cũng chỉ là những gợi mở làm phong phú thêm nền văn hóa của cha ông ta qua các thời kỳ. 

Bình Nguyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy