Quê hương và phong trào "Chiếc gậy Trường Sơn" huyền thoại

Từ Chợ Dầu, xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) đi 10 cây số theo quốc lộ 21B (cũng đồng thời là đê Tả Đáy) hướng về Vân Đình (Hà Nội), chúng tôi đến Hòa Xá - quê hương "Chiếc gậy Trường Sơn" huyền thoại nổi tiếng thời chống Mỹ.

Là thôn lớn nhưng vừa qua cổng chào "Làng văn hóa Hòa Xá", ngay lời hỏi thăm đầu tiên, chúng tôi đã được chỉ dẫn cặn kẽ đường đến nhà cựu chiến binh (CCB) Phùng Văn Quán (77 tuổi, xóm Thượng Đoạn), người liên quan trực tiếp đến câu chuyện và bài hát "Chiếc gậy Trường Sơn" huyền thoại. Dưới mái nhà nhỏ lợp ngói bình dị giữa làng quê Hòa Xá thanh bình, dòng hồi ức của người lính già Phùng Văn Quán như giúp chúng tôi hình dung rõ hơn về khí thế hào hùng của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…

CCB Phùng Văn Quán và kỷ vật "Chiếc gậy Trường Sơn" huyền thoại.

Trong không khí sôi sục "cả nước cùng đánh Mỹ", năm 1961, Phùng Văn Quán hăm hở khoác ba lô lên đường Nam tiến. Sau hai năm lặn lội tại các chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, năm 1963, anh lính bộ binh Phùng Văn Quán phải xuất ngũ vì sốt rét nặng. Hết thời gian dưỡng bệnh, sức khỏe hồi phục, Phùng Văn Quán viết thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp xin tình nguyện tái ngũ.

Được Đại tướng đồng ý, khích lệ, động viên, Phùng Văn Quán vô cùng phấn khởi. Chuyến Nam tiến lần thứ hai, Phùng Văn Quán lên đường cùng hai người bạn đồng hương: Đỗ Tít, Lưu Tiến Long. Đường Trường Sơn hiểm trở, ba lô trĩu nặng trên vai nhưng vì nhiệm vụ ngày đêm khẩn trương cơ động ra mặt trận nên những lúc mệt bộ đội chỉ có thể "tạm nghỉ" (nghỉ đứng, không bỏ ba lô). 

Để đôi vai đỡ mỏi, người nhanh lại sức trên chặng đường hành quân xa, Phùng Văn Quán có sáng kiến dùng chiếc gậy làm bằng cây rừng đỡ ba lô phía sau trong lúc tạm nghỉ. Khi hành quân, cây gậy còn giúp cho bước chân thêm vững trên những đoạn đường trơn trượt, hoặc vách đá cheo leo.

Sáng kiến "Chiếc gậy Trường Sơn" ngay lập tức được đồng đội Đỗ Tít, Lưu Tiến Long áp dụng và giúp cho bộ ba đồng hương Hòa Xá luôn có tốc độ cơ động cao, sức bền tốt. Lúc rảnh rỗi, bộ ba Hòa Xá dùng dao tỷ mỷ khắc lên cây gậy những dòng khẩu hiệu thể hiện ý chí của người lính Trường Sơn không ngại gian lao, thử thách, sẵn sàng hy sinh để góp phần giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Vào đến chiến trường, ba trai làng Hòa Xá tình cờ gặp đồng hương chuẩn bị ra Bắc nghỉ phép. Mừng vui rối rít, lúc chia tay vội vã chẳng có gì "làm quà", ba trai làng Hòa Xá gửi về quê "Chiếc gậy Trường Sơn" làm kỷ niệm.

Nhận món quà kỷ niệm đặc biệt, mang nhiều ý nghĩa của con em quê hương đang "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", gia đình và người dân Hòa Xá vô cùng cảm kích. Và cũng từ đó quê hương Hòa Xá, Ứng Hòa (khi đó thuộc tỉnh Hà Tây) bỗng trở nên nổi tiếng khắp các tỉnh, thành miền Bắc bởi một sáng kiến độc đáo về tổ chức phong trào động viên, huấn luyện tân binh sẵn sàng lên đường vượt Trường Sơn vào tuyến lửa.

Hưởng ứng phong trào động viên, huấn luyện tân binh, thanh niên tuổi mười bảy, mười tám ở khắp 9 xóm Hòa Xá nô nức tình nguyện tham gia rèn luyện sức khỏe, sức bền, sự kiên trì, dẻo dai để có thể lên đường bất cứ lúc nào. Phong trào lan tỏa ngày một sâu rộng với những khẩu hiệu hành động đầy khí thế thi đua: "Vai mang 25 cân/Chân đi ngàn dặm/Vượt núi băng ngàn/Sẵn sàng nhập ngũ"; "Tiền tuyến cần một, Hòa Xá đã có hai"; "Đã đi là đến/Đã đến là thắng"... thu hút nhiều lứa tuổi tham gia. Các cụ phụ lão tình nguyện vót gậy, đan sọt, bện mũ rơm… phục vụ thanh niên luyện tập "mang nặng, hành quân xa" rèn sức khỏe, sức bền.

Từ sáng kiến và phong trào độc đáo này, hàng trăm thanh niên Hòa Xá tòng quân lên đường luôn bảo đảm sức khỏe, sức bền, hành quân ra trận, lập công xuất sắc. Mỗi khi tiễn tân binh lên đường, các cụ "bạch đầu quân" Hòa Xá trao cho anh em chiếc gậy mang biểu tượng thiêng liêng "Chiếc gậy Trường Sơn" do các cụ tự làm với dòng chữ như lời nhắn nhủ ân tình thân thiết: "Gậy này là gậy Trường Sơn/Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân".

Nghe ca khúc "Chiếc gậy Trường Sơn" - Sáng tác: Phạm Tuyên; Thể hiện: Thế Chính

Hành quân trên đường Trường Sơn. Ảnh: SGGP

Từ nơi mặt trận khốc liệt, qua những cánh thư hiếm hoi, ngắt quãng, ba trai làng Hòa Xá: Phùng Văn Quán, Đỗ Tít, Lưu Tiến Long vô cùng bất ngờ và vui sướng, tự hào khi hay tin "Chiếc gậy Trường Sơn"- món quà kỷ vật chiến trường đơn sơ của mình đã trở thành ý tưởng khởi phát cho một phong trào thi đua có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực nơi hậu phương. Rồi một ngày cũng thật tình cờ ở nơi chiến trường đạn bom ác liệt, qua làn sóng ra-đi-ô, anh bộ đội Phùng Văn Quán bất chợt nghe được bài hát "Chiếc gậy Trường Sơn" (*) vang lên với những cung bậc thật hào sảng, mê say mà cũng rất đỗi dung dị, gần gũi đúng như câu chuyện về quê hương Hòa Xá thân yêu của mình vậy: "Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân/Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn/Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi/Luyện cho tinh thần chỉ tiến không lui…". Cảm xúc từ những cánh thư kể chuyện quê hương hòa cùng âm hưởng bài hát "Chiếc gậy Trường Sơn" luôn là niềm tự hào, khích lệ anh bộ đội Phùng Văn Quán và đồng đội thêm vững vàng tay súng, chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc, xứng đáng với truyền thống quê hương.

Bị thương nặng rời quân ngũ năm 1970, CCB Phùng Văn Quán là người "may mắn nhất" (theo lời ông nói) trong ba anh em đồng ngũ được hưởng niềm hạnh phúc trở về quê hương Hòa Xá thân yêu. Hai đồng đội Đỗ Tít, Lưu Tiến Long vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Kỷ vật "Chiếc gậy Trường Sơn" của ba chàng trai Hòa Xá đã từng cùng họ đồng hành suốt dọc đường hành quân ra tuyến lửa, sau đó được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Hà Tây (hai chiếc) và Bảo tàng lịch sử "Quê hương Chiếc gậy Trường Sơn" tại Hòa Xá.

"Chiếc gậy Trường Sơn" của CCB Phùng Văn Quán trưng bày ở địa phương, sau đó có thời gian thất lạc, mãi đến năm 2004 mới trở về với chủ nhân của nó trong một sự tình cờ thú vị…

Nâng niu kỷ vật thiêng liêng "Chiếc gậy Trường Sơn" trên tay, CCB Phùng Văn Quán rưng rưng xúc động trong mạch kể đứt quãng về những ngày nơi chiến trường ác liệt, về những đồng đội thân yêu đã hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, về phong trào thi đua đầy khí thế và rất đỗi tự hào của quê hương.

Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng những câu văn vần tựa như khẩu hiệu hành động của một phong trào thi đua huyền thoại: "Vai mang 25 cân/Chân đi ngàn dặm/Vượt núi băng ngàn/Sẵn sàng nhập ngũ"; "Gậy này là gậy Trường Sơn/Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân"; "Đã đi là đến/ Đã đến là thắng"…, cùng câu chuyện về kỷ vật chiến trường đặc biệt "Chiếc gậy Trường Sơn" trên quê hương Hòa Xá vẫn luôn được CCB Phùng Văn Quán và người dân nhiều thế hệ trong làng nhắc lại như một niềm tự hào thiêng liêng, đầy xúc động.

Thế Vĩnh 

(*) Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bài hát "Chiếc gậy Trường Sơn" năm 1967, dựa trên cảm xúc về câu chuyện có thật tại Hòa Xá, Ứng Hòa. "Chiếc gậy Trường Sơn" là một trong những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. 

Thế Vĩnh, Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.