Khi giới trẻ yêu thích Chầu văn

Mấy năm trở lại đây, chứng kiến hình ảnh không ít bạn trẻ tham gia hầu đồng, đàn, hát Chầu văn với tâm nguyện thanh tịnh, cầu mong những điều tốt đẹp, nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Và như vậy, có thể thấy một loại hình văn hóa nghệ thuật những tưởng dễ bị giới trẻ thờ ơ nhưng thực tế đã chứng minh không hẳn là như thế.

Nếu không trực tiếp xem một buổi hầu đồng mở phủ thì chẳng ai nghĩ được rằng nhiều bạn trẻ ngày nay lại thông thạo quá trình từ chuẩn bị mã, sắm lễ, quần áo cho từng giá hầu đến trực tiếp đàn, hát văn đến thế.

Anh Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1991, quê Ngô Khê, Bình Nghĩa, Bình Lục, đã theo hát văn hơn 4 năm) chia sẻ: Từ nhỏ tôi đã theo mẹ đi khắp chùa chiền, đền phủ, sớm được làm quen với những làn điệu, ca từ của Chầu văn, càng nghe càng thấy hay và càng thích. Được học truyền miệng qua các cô, các chú trong Câu lạc bộ Chầu văn Hà Nam nhưng sau đó muốn bản hơn, tôi tham gia khóa học hát Chầu văn ở Thái Bình.

Ban đầu, tôi được dạy từ việc đơn giản nhất là gõ phách, nắm rõ các điển tích, điển cố, sự kiện lịch sử để phân biệt từng giá hầu và học thuộc lời bài hát. Khi nắm vững kiến thức cơ bản, tôi bắt đầu học thêm đánh trống giàng, đàn nguyệt. Nhiều người hỏi sao trẻ vậy đã đi hát Chầu văn, một số người không hiểu còn bảo đàn ông mà mê tín dị đoan nhưng tôi luôn vững tâm: đam mê thì hát, không phân biệt tuổi tác hay ngại ngùng điều gì miễn sao mình thực sự làm theo cái "tâm" thôi thúc và chỉ để cầu mong những điều tốt đẹp.

Một buổi tự luyện với trống giàng và đàn nguyệt của anh Nguyễn Văn Huy (Ngô Khê, Bình Nghĩa, Bình Lục).

Trong nhiều nghi lễ tôn giáo hiện nay, việc người trẻ hát Chầu văn tuy mới lạ nhưng không còn là quá hiếm. Họ tham gia chủ yếu xuất phát từ suy nghĩ muốn được thanh thản, làm việc có ích và để vượt qua những cám dỗ của cuộc sống. Một số khác đến với Chầu văn vì đam mê nghệ thuật, ham thích tìm hiểu văn hóa truyền thống.

Anh Trần Văn Vững (sinh năm 1992, quê Tiêu Động, Bình Lục) đến với hát văn đã gần 6 năm hoàn toàn là vì sở thích. Ngày bé nghe bà kể về những nhân vật thần thánh trong tín ngưỡng tứ phủ (Mẫu Thượng thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải), cô cậu, rồi những nhân vật có thật trong lịch sử được phong thánh (Đức Thánh Trần, Mẫu Liễu Hạnh)…

Sau này tìm hiểu thêm về hát văn, lời bài hát thường có vần điệu luyến láy rất êm ái, kể về cuộc đời những nhân thần có công với đất nước, các Thánh Mẫu, Quan lớn, Chầu bà, Ông Hoàng… đi liền với địa danh lịch sử nổi tiếng cũng như lời dạy bảo của bậc thánh hiền, càng thôi thúc anh đến với loại hình nghệ thuật tâm linh này.

Đến rồi mới biết hát văn khó, đòi hỏi lắm công phu. Cung văn là những người vừa hát giỏi, vừa có thể chơi nhạc khí hay và phải biết nhiều làn điệu để chuyển đổi linh hoạt cho phù hợp với ngữ cảnh. Bất kể ai mới bắt đầu hát văn cũng phải đi từ bước gõ phách, nếu tiếp tục muốn nâng cao trình độ còn cần học thêm gõ trống, thổi sáo, đàn nguyệt. Cung văn phải đi đến nhiều vùng miền, di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội truyền thống nên cũng cần có thể lực tốt, bảo đảm giọng hát khỏe mới theo được. Biết vậy, nhưng anh Vững vẫn muốn theo nghiệp hát này, bởi Chầu văn mang lại cho anh lượng kiến thức lớn cùng những giá trị tinh thần vô giá.

Bác Lê Xuân Hiển, thành viên CLB Chầu văn Hà Nam cho biết: Chúng tôi luôn chú trọng bồi dưỡng tài năng trẻ bởi những "cây đa, cây đề" mẫu mực hiện nay không còn nhiều. Điều đáng mừng là loại hình nghệ thuật này luôn được nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Độ tuổi các hội viên tham gia CLB vì thế đang ngày một trẻ hóa, có những cung văn, thanh đồng chỉ mới trên dưới hai mươi tuổi.

Tại nhiều đêm diễn xướng hầu đồng, có rất đông người tới tham dự, nhất là các bạn trẻ thích hướng thiện và cần thời gian "thiền" để sống tốt hơn. Hy vọng hát văn luôn giữ được sự "chuẩn mực", người hát văn không vì hành nghề kiếm tiền mà làm mất đi giá trị nguyên bản, người hầu đồng không vì mục đích trục lợi mà biến hình thức tâm linh lành mạnh thành mê tín dị đoan.

Bỏ lại phía sau những xô bồ của nhịp sống hiện đại, nhiều bạn trẻ tìm đến với các giá trị truyền thống để thêm thời gian thả lỏng tâm hồn, để trở về đúng với hồn cốt Việt, trở thành sợi chỉ tiếp nối giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đó càng chứng tỏ và càng giúp chúng ta thêm vững tin rằng: nghệ thuật đích thực cũng như văn hóa truyền thống không bao giờ biến mất trong dòng chảy bất tận của thời gian.

T.Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy