Chiếu chèo làng Ngò: Nỗi lo không thế hệ kế cận

Bao năm qua, tiếng hát không nuôi nổi nhạc công, diễn viên Chiếu chèo làng Ngò, nhưng tiếng hát chính là tình yêu, là niềm đam mê, là động lực giúp mọi người vượt qua khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân.

Tôi không biết chắc chắn chiếu chèo của làng có tự bao giờ, nhưng từ thuở bé tôi đã được xem các anh chị, cô bác diễn chèo nơi sân đình cổ kính - ông Lê Khắc Điếm, Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Chiếu chèo làng Ngò (xã Đức Lý, Lý Nhân) nhớ lại.

Ngày ấy, kinh tế hết sức khó khăn nhưng nhu cầu thưởng thức văn nghệ trong nhân dân rất cao. Những đêm Chiếu chèo tổ chức diễn làng vui như ngày hội. Từ chiều tiếng trống thình thình vang lên rộn rã khắp xóm, người người náo nức, mong chờ đến tối để rủ nhau đi xem chèo. Đêm diễn nào sân đình cũng chật kín người, người vòng trong, vòng ngoài nhưng rất trật tự. Những đoạn diễn hay tiếng vỗ tay hoan hô tán thưởng vang lên như pháo ran kéo dài tưởng không dứt.

Tiếp lời ông Điếm, chú Lê Đức Luận, người chuyên thổi sáo của CLB cười cho biết thêm: Trước kia cha tôi là diễn viên chính của Chiếu chèo, anh trai tôi được giao đóng vai phụ. Tôi còn nhỏ, chỉ được đứng ngoài xem. Những vở diễn như: "Lương Sơn Bá, Trúc Anh Đài", "Lưu Bình, Dương Lễ"... xem các cụ diễn nhiều lần vẫn thấy cuốn hút, mê say. Nói xem nhiều là bởi, ngoài diễn phục vụ người dân trong thôn, nếu các làng trong và ngoài xã có lời mời các cụ sẵn sàng cho dụng cụ, trang phục vào bồ gánh bộ đi diễn. Lũ trẻ nhỏ lên 5, lên 6 như tôi thường chạy theo Đoàn sang các làng khác xem ké. Đường xa, có hôm đi bộ về tới nhà đã 11, 12 giờ đêm. Nhiều năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ cảm giác vui sướng, thích thú, tự hào khi nhìn thấy cha diễn trên sân khấu. Ngày ấy nào đã có điện như bây giờ, để đủ ánh sáng Chiếu chèo phải sắm đèn măng - xông treo trên cây, trên cột. Tiền bồi dưỡng cho một đêm diễn nói thật chỉ đủ nồi cháo gà cho nhạc công và diễn viên...

Chị Hường tập lời hát cùng các thành viên Chiếu chèo làng Ngò.

Nghèo vậy nhưng mà vui. Nghèo vậy nhưng mà say. Bao năm qua, tiếng hát không nuôi nổi nhạc công, diễn viên Chiếu chèo làng Ngò, nhưng tiếng hát chính là tình yêu, là niềm đam mê, là động lực giúp mọi người vượt qua khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Chiếu chèo làng Ngò không hoạt động. Tuy nhiên, những hạt nhân nòng cốt của Chiếu chèo vẫn nằm trong đội văn nghệ của xã, làm nhiệm vụ tuyên truyền về tuyển quân, về trách nhiệm đóng góp các loại thuế quỹ với Nhà nước...

Năm 2010, nghỉ hưu trở về địa phương, một lần ngồi xem tivi ông Điếm nhận ra những diễn viên hát chèo không chuyên đang biểu diễn trên ti vi là người làng mình, ông chợt nghĩ: làng Ngò có Chiếu chèo truyền thống, vì chiến tranh mới bị tan rã, giờ là lúc cần khôi phục lại. Nghĩ là làm, một thời gian dài ông Điếm đạp xe khắp làng tìm gặp, bàn bạc, trao đổi với những người yêu chèo, có năng khiếu hát chèo, đặc biệt là cùng chung quan điểm cần khôi phục lại Chiếu chèo truyền thống...

Được sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện của địa phương, của ngành văn hoá, của một hai doanh nghiệp đúng ngày 30/4/2010, Chiếu chèo làng Ngò chính thức được khôi phục. Những năm đầu khôi phục, Chiếu chèo làng Ngò hoạt động sôi nổi. Mỗi tháng, Chiếu chèo tổ chức luyện tập vào hai buổi tối ở sân đình hoặc tại nhà của một thành viên trong CLB. Khi có lời mời biểu diễn, CLB sẽ tập luyện nhiều hơn. Ngoài diễn các trích đoạn chèo cổ, Chiếu chèo còn dựng các vở kịch mới phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương với các chủ đề như: dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, phòng chống tệ nạn xã hội...

Mấy năm gần đây, Chiếu chèo không còn duy trì lịch luyện tập hằng tháng, chỉ khi có lời mời CLB mới tập hợp nhạc công, diễn viên tổ chức luyện tập. Theo ông Điếm, các thành viên của Chiếu chèo đều là những người có năng khiếu, đam mê âm nhạc, ca hát. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay đó là kinh phí hoạt động của Chiếu chèo. Nguồn quỹ hạn hẹp của Chiếu chèo do mọi người tự nguyện đóng góp (50.000 đồng/người) cùng số tiền bồi dưỡng trích từ các buổi biểu diễn gộp lại chỉ đủ dành để thăm hỏi các thành viên khi đau ốm, lúc nhà có công việc. Chính vì vậy, trong danh sách CLB có 40 thành viên nhưng hiện chỉ có khoảng 20 thành viên tham gia luyện tập. Ngoài kinh phí, trăn trở lớn nhất của các thành viên CLB là không có thành viên nối nghiệp. Các bạn trẻ của thôn lớn lên đi học, đi làm ăn xa, thích nhạc trẻ, không thiết tha với hát chèo. Thành viên trong CLB người cao tuổi nhất hiện đã trên 70, người ít tuổi nhất cũng trên 30, gần 40. Nếu không vận động được thế hệ trẻ tham gia Chiếu chèo sẽ đứng trước nguy cơ tan rã trong thời gian không xa.

Chị Lê Thị Hường, diễn viên chính của Chiếu chèo tâm sự: Phần lớn các thành viên của CLB đều làm ruộng. Công việc thường ngày vất vả nhưng những đợt luyện tập để đi biểu diễn mọi người đều rất trách nhiệm, nhiệt huyết và say mê. Lâu lâu nếu không được tập luyện cùng nhau lại thấy nhớ, thấy mong. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn nghe làn điệu chèo viết về quê hương, đất nước, chị Hường vui vẻ, tự nhiên cất giọng: "Đường về quê lúa hôm nay. Nghe lòng xao xuyến đắm say bồi hồi. Quê em có tự bao đời. Thôn Ngò em đó là nơi hát chèo. Thôn Ngò quê em có i í từ bao đời, bát ngát điệu chèo i ì i bên sóng lúa mừng reo...".

Chia tay làng Ngò tôi nhớ mãi lời ông Điếm chia sẻ: Không như trước kia, người dân giờ có rất nhiều sự lựa chọn (xem ti vi, nghe đài, dùng internet...) để thưởng thức văn hoá văn nghệ theo ý mình. Không còn nhiều người yêu thích chèo như trước kia, nhưng những làn điệu chèo truyền thống của quê hương vẫn đang được duy trì, gìn giữ. Không ai biết vài chục năm nữa Chiếu chèo sẽ ra sao, nhưng chắc chắn ở thời điểm này, khi có lời mời, Chiếu chèo làng Ngò vẫn sẵn sàng phục vụ tận tình với lời ca tiếng hát mộc mạc, chân thành, thiết tha, sâu sắc...

Phạm Hiền

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.