kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Chiếu chèo Lê Hồ tiếp nối mạch nguồn truyền thống

Chiếu chèo Lê Hồ tiếp nối mạch nguồn truyền thống

Gần 80 năm qua, chiếu chèo truyền thống Xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng vẫn được các thế hệ người dân nơi đây tự hào duy trì và không ngừng phát triển. Như một mạch nguồn tuôn chảy xuyên suốt, tiếp nối, những lời ca, điệu chèo luôn đồng hành cùng cuộc sống và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Lê Hồ.

Ngược dòng thời gian nhiều thập kỷ về trước, chiếu chèo Lê Hồ được hình thành từ năm 1945 và là một trong những chiếu chèo cổ nức tiếng xa gần thời bấy giờ. Ban đầu chỉ là một phong trào tự khởi phát trong cộng đồng thôn xóm, từ những câu hát cao hứng, tự nhiên của người nông dân trong cuộc sống lao động dãi nắng, dầm sương, dần dà, người dân Lê Hồ đã mang tiếng hát chèo đồng hành và trở thành hạt nhân tích cực động viên phong trào cách mạng tại địa phương.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chiếu chèo Lê Hồ tổ chức biểu diễn những làn điệu chèo cổ, hát xẩm ca ngợi quê hương, đất nước, khơi dậy tình yêu Tổ quốc, yêu thương đồng bào, kêu gọi binh lính ngụy từ bỏ con đường sai trái để đi theo cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Năm 1992, Câu lạc bộ (CLB) dân ca và chèo Lê Hồ chính thức được thành lập. Từ đó đến nay, CLB dân ca và chèo Lê Hồ luôn thu hút sự tham gia của gần 20 thành viên thường xuyên duy trì hoạt động, chủ yếu là người trung và cao tuổi.

Chiếu chèo Lê Hồ tiếp nối mạch nguồn truyền thống
CLB dân ca và chèo Lê Hồ luyện tập tiết mục mới.

Một trong những người có công phục dựng và phát triển chiếu chèo truyền thống của Lê Hồ được như ngày nay là Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi. Ông được bà con Lê Hồ cũng như nhân dân nhiều xã trong vùng yêu mến gọi là “đạo diễn nhà nông”. Cùng với vai trò làm đạo diễn, hướng dẫn các thành viên trong CLB tập luyện múa, hát, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi còn thường xuyên sáng tác các bài hát chèo, trích đoạn, tiểu phẩm… phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Những sáng tác của ông mang phong cách giản dị, chân thực nhưng có tính giáo dục sâu sắc, hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Cùng với đó, là lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương đến với đông đảo người dân.

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi chia sẻ: Đối với một vùng quê giàu truyền thống như Lê Hồ, thế hệ nào cũng đều có người ham thích, thậm chí là mê đắm với hát chèo. Nhiệm vụ của tôi và CLB là quy tụ những người có tình yêu với hát chèo và dân ca lại để khơi dậy lòng nhiệt tình cũng như khả năng sáng tạo. Khi họ đã có tình yêu, sự nhiệt tình và khả năng sáng tạo, mình chỉ cần uốn nắn, giúp họ cách thức hát, múa, biểu diễn trên sân khấu sao cho đúng, mượt mà, duyên dáng. Đặc biệt, hiện nay chúng tôi đang tìm kiếm những hạt nhân thuộc thế hệ tiếp nối bằng cách phối hợp với các nhà trường tổ chức một số lớp học âm nhạc ngoại khóa về nghệ thuật chèo. Với mong muốn luôn có các thế hệ kế cận, tiếp nối, nhiều năm nay CLB dân ca và chèo Lê Hồ luôn có “măng non thay lớp tre già”.

Chiếu chèo Lê Hồ tiếp nối mạch nguồn truyền thống
Hai Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hởi và Nguyễn Thị Sao cùng CLB dân ca và chèo Lê Hồ hướng dẫn cháu thiếu nhi hát chèo.

Cùng với Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi, các thế hệ sau ở Lê Hồ cũng luôn có ý thức giữ gìn, phát huy nghệ thuật truyền thống hát chèo của quê hương. Bà Nguyễn Thị Sao đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm CLB dân ca và chèo Lê Hồ từ năm 2006. Từ đó đến nay, bà Nguyễn Thị Sao đã cùng các thành viên trong CLB thường xuyên tham gia biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, mang về nhiều giải thưởng, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương.

Mặc dù không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào, song bà Nguyễn Thị Sao vẫn tự mày mò sáng tác và dàn dựng các tiểu phẩm hoặc chương trình hát chèo, dân ca để CLB luyện tập và biểu diễn trong các hội diễn, giao lưu với nhân dân địa phương khác. CLB dân ca và chèo Lê Hồ do bà Nguyễn Thị Sao góp công xây dựng, duy trì hoạt động đã đạt được những thành tích đáng kể, điển hình là: Huy chương Bạc (cho tác phẩm “Đất chuyển”) tại Liên hoan hát Chèo không chuyên toàn quốc năm 2021); giải Ba (với một tác phẩm về đề tài nông nghiệp - nông thôn) trong Hội thi Liên minh hợp tác xã cụm miền Bắc năm 2013, hai giải Bạc (cho hai tác phẩm “Mùa lúa ơn Bác” và “Mừng Đảng quang vinh”) tại Liên hoan các CLB dân ca và chèo tỉnh Hà Nam năm 2017…

Với những cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự phát triển đời sống văn hóa của quê hương, đất nước, đầu tháng 1/2023, bà Nguyễn Thị Sao đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Nói về niềm vinh dự này, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Sao tâm sự: Đây chính là nguồn động lực lớn, động viên tôi nỗ lực truyền dạy, gìn giữ và phát triển nghệ thuật chèo.

Với Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Sao, nghệ thuật truyền thống như một dòng chảy không bao giờ ngừng nghỉ. Và góp công trao truyền niềm đam mê cho thế hệ trẻ chính là góp phần gìn giữ, tiếp nối dòng chảy đó cho muôn đời sau. Mong muốn lớn nhất của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Sao chính là có thế hệ kế cận thực sự yêu chèo, có lòng đam mê, lửa nhiệt tình để tiếp tục gìn giữ, phát triển nghệ thuật chèo của quê hương.

Hiện nay, cùng với việc tập luyện, biểu diễn, CLB dân ca và chèo Lê Hồ còn đang tích cực truyền dạy các cháu thiếu niên, nhi đồng hát chèo với mong muốn mạch nguồn chiếu chèo truyền thống sẽ luôn được tiếp nối. Đều đặn vào những buổi tối cuối tuần, các cháu thiếu niên, nhi đồng có niềm đam mê hát chèo được Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Sao dạy một số kỹ thuật cơ bản của hát chèo: cách luyến láy, nhả chữ sao cho mượt mà, tinh tế.

Em Nguyễn Thị Ngọc Ánh (8 tuổi, tham gia lớp học hát chèo) cho biết: Ngay từ khi còn bé, em đã được đi theo bà đến các buổi tập chèo, diễn chèo. Được nghe các bà, các bác hát chèo, em thấy yêu thích nên đã xin bà truyền dạy hát chèo. Em thấy hát chèo rất khó, phải luyến láy nhiều và phải kết hợp nhuần nhị giữa hát với múa. Nhưng khi tập hát thành công được một làn điệu (Lới lơ), em lại thấy vô cùng thích thú và muốn được học hát thêm nhiều điệu chèo hơn nữa.

Hiếm có CLB văn nghệ quần chúng vùng nông thôn nào mà có đến hai thành viên được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân Ưu tú như ở CLB dân ca và chèo Lê Hồ, Kim Bảng. Mạch nguồn kết nối các thế hệ chính là tình yêu, sự tâm huyết, sáng tạo trong việc tham gia góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống, cũng như giữ gìn chiếu chèo – nét đẹp của vùng quê cách mạng mang tên người chiến sĩ cộng sản tiền bối Lê Hồ.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy