Thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục vừa tổ chức Lễ hội đình Công Đồng làng An Thái với những nghi thức truyền thống được lưu giữ lâu đời, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống tinh thần của nhân dân.
Lễ hội chính thức diễn ra từ ngày mồng 10/2 âm lịch, kết thúc ngày 12/2 với các nghi thức tế lễ, rước thánh truyền thống từ đình Công Đồng đến đình Thánh Cả.
Theo sử sách ghi lại, thôn có 3 ngôi đình cổ thờ 3 anh em Hoàng Công, Huy Công và Đô Công. Sinh thời, 3 vị trên đường đi đánh giặc Ngô Hoàng, khi qua An Thái thấy vùng đất có địa thế hiểm yếu, nhân dân thuần hậu nên hạ lệnh đóng quân đào đắp hào lũy. Không chỉ đánh tan giặc Ngô Hoàng, 3 ông còn lập nhiều chiến công lừng lẫy, đánh đuổi giặc Ân, cùng với Thánh Gióng thoát tục, cưỡi mây bay về trời.
Tưởng nhớ công trạng của các vị Thánh nhân, người dân đã tôn thờ, lập vị thành hoàng làng, quanh năm hương khói thờ phụng.
Hàng năm, tổ chức lễ hội để tôn vinh công đức các vị thánh nhân, nhắc nhớ con cháu trong làng gìn giữ truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, đoàn kết và sẻ chia cùng nhau xây dựng xã tắc vững bền.
Một trong những nghi thức quan trọng và mang đậm bản sắc văn hóa ở lễ hội đình Công Đồng làng An Thái chính là rước kiệu thánh. Các đoàn múa rồng, múa sư tử, các đội tế lễ, lực lượng nghinh kiệu, phù giá đều trong trang phục chỉnh tề theo quy định để rước kiệu từ đình Công Đồng đến đình Đệ Tam, về đình Thánh Cả làm lễ cáo yết.
Trong đoàn rước, lực lượng phù giá kiệu là lực lượng chấp hành tuyệt đối các quy định của làng. Mặc dù ai cũng có thể làm phu kiệu, kể cả những người con xa quê nhưng đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Nam từ 20 – 50 tuổi, nữ từ 18 – 25 tuổi khỏe mạnh, sạch sẽ, không có tang trở. Tất cả phải chay tịnh trong 10 ngày trước khi vào lễ hội. Trang phục phù giá, nhân dân tự túc may sắm nhưng phải đúng kiểu. Nam thì quần trắng, áo the màu, thắt lưng đỏ, đi giày, đầu đội khăn xếp. Nữ thì đầu tóc gọn gàng, áo dài màu, quần trắng, thắt lưng hồng, đi giày. Kể cả nam nữ cầm bát biểu, kiếm hầu, phu kiệu đều ăn mặc như trên. Riêng mỗi kiệu, người cầm cờ lệch là mặc quần áo tế.
Tất cả mọi người tham gia đám rước đều vừa hóa thân, vừa nhập thân, mong cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh, phúc lộc đề đa.
Những năm trước, do tình hình dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của các cấp chính quyền về công tác phòng, chống dịch, lễ hội tạm thời dừng tổ chức hoặc bị hạn chế về quy mô tổ chức. Năm nay, khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, lễ hội được tổ chức đầy đủ các nghi thức tạo không khí vui tươi, náo nức cho đời sống tinh thần của nhân dân dịp đầu xuân năm mới.
Một số hình ảnh xúc động, đặc trưng nhất của lễ hội đình Công Đồng làng An Thái:
Giang Nam