Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động in nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, qua đó tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển ngành in.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Nghị định số 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in được Chính phủ ký ban hành ngày 19/6/2014 điều chỉnh hoạt động in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm, kinh doanh dịch vụ photocopy và quản lý thiết bị in khi nhập khẩu, nhằm bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động in, kịp thời điều chỉnh một số vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Đến năm 2018, trước yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các cơ sở in đầu tư, phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2014/NĐ-CP đã bãi bỏ, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế-xã hội đất nước và trên cơ sở tổng hợp các báo cáo tổng kết thi hành Nghị định, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở in, doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị in và qua thực tiễn hoạt động công tác quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực là chủ yếu, đã phát sinh một số vấn đề mới trong thực tiễn. Một số quy định tại Nghị định số 60/2014/NĐ-CP, Nghị định số 25/2018/NĐ-CP và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành 2 Nghị định này còn thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, thống nhất, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền, cũng như việc chấp hành pháp luật của cơ sở in, doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị in, cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Do vậy, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định trên là cần thiết nhằm bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để tháo gỡ những rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển ngành in, đồng thời với việc bảo đảm có cơ chế, biện pháp quản lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tạo thuận lợi, dễ dàng trong thực hiện
Dự thảo Nghị định minh bạch, cụ thể hóa đối với sản phẩm in bằng việc loại bỏ quy định quét “Các sản phẩm in khác” và “Tài liệu, giấy tờ của tổ chức, cá nhân” tại Nghị định số 60/2014/NĐ-CP. Hiện nay, quy định quét này đang gây khó khăn, vướng mắc cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp khi phải xác định sản phẩm in để làm các thủ tục có liên quan. Vì vậy, để minh bạch, dự thảo đã thay quy định quét này bằng cách liệt kê các sản phẩm in. Đồng thời, loại bỏ các sản phẩm in không có nội dung (In 3D) và các sản phẩm có in trực tiếp lên bề mặt sản phẩm nhưng không được gọi là sản phẩm in, như: Dây điện, mặt máy, bàn phím, mạch điện tử, gạch, ngói, móc phơi treo quần áo, tôn lợp mái, kính, khung nhôm các loại… để tạo thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp thực hiện được dễ dàng.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với chi nhánh của cơ sở in đặt ở tỉnh/thành phố khác: Do Nghị định số 60/2014/NĐ-CP và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động in, xác nhận tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in cho chi nhánh của cơ sở in đặt ở tỉnh/thành phố khác, đang gây khó khăn, vướng mắc cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính (không có cơ sở pháp lý để thực hiện). Vì vậy, dự thảo đã bổ sung quy định này.
Bên cạnh đó, dự thảo thống nhất việc quản lý nhập khẩu thiết bị in về một đầu mối cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in và bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in.
Hiện nay, việc quản lý nhập khẩu thiết bị in (bao gồm: Máy chế bản, máy in, máy gia công sau in) được quy định tại 3 văn bản: Nghị định số 60/2014/NĐ-CP, Nghị định số 25/2018/NĐ-CP và Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và được giao cho nhiều cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan lãnh sự, tổ chức giám định, nhà sản xuất thiết bị) đang gây chồng chéo, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực in. Đồng thời, việc quản lý nhập khẩu thiết bị in bằng hình thức cấp giấy phép cũng phần nào gây khó khăn cho các đơn vị nhập khẩu, tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, cần được tháo gỡ, bãi bỏ, chuyển đổi hình thức phù hợp. Vì vậy, dự thảo xây dựng theo hình thức khai báo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân và nhà nước vẫn quản lý được.
VGP News