Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030", được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/1/2019.
Nguồn kinh phí thực hiện gồm: Nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ kinh phí cho người học (gồm học bổng, học phí và các chi phí cho học viên được đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ) theo đúng đối tượng được cử đi đào tạo trong khuôn khổ chỉ tiêu đào tạo được cơ quan có thẩm quyền giao và mức chi đào tạo quy định tại Thông tư này; nguồn tài trợ, hỗ trợ, huy động hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân theo quy định...
Dự thảo nêu rõ nội dung hỗ trợ đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ.
Theo đó, đối với học phí và các khoản có liên quan đến học phí: Thực hiện thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên (chi bằng đồng đô la Mỹ (USD) hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại); tối đa không quá 25.000 USD/người học hoặc tương đương với đồng tiền của nước sở tại cho một năm học. Trường hợp mức học phí cao hơn mức 25.000 USD/ người học/ năm thì mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả.
Chi phí làm hộ chiếu, visa: Thanh toán theo mức quy định của Nhà nước đối với chi phí làm hộ chiếu và theo hóa đơn lệ phí visa thực tế của các nước nơi người học được cử đi đào tạo đối với chi phí làm visa.
Sinh hoạt phí được tính toán để đảm bảo nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt của người học ở nước ngoài bao gồm: Tiền ăn, ở, chi phí đi lại hàng ngày, tiền tài liệu và đồ dùng học tập.
Mức sinh hoạt phí quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này. Sinh hoạt phí được cấp theo thời gian học tập thực tế ở nước ngoài (từ ngày nhập học đến ngày kết thúc khóa học nhưng không vượt quá thời gian ghi trong quyết định cử đi đào tạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).
Việc thanh toán sinh hoạt phí cho người học được cấp theo tháng hoặc quý đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học tập, nghiên cứu của người học.
Hỗ trợ bảo hiểm y tế tối đa 1.000 USD/ người/ năm
Theo dự thảo, mức bảo hiểm y tế bắt buộc: Thực hiện thanh toán theo mức quy định của nước sở tại (căn cứ theo mức thông báo trong giấy tiếp nhận học viên của cơ sở đào tạo) và được cấp bằng đồng USD hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại; tối đa không vượt quá 1.000 USD/người/năm.
Đối với những nước có quy định mức mua bảo hiểm y tế bắt buộc cao hơn định mức tối đa quy định trên, Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định cụ thể trên cơ sở lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính.
Trường hợp người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng có nguyện vọng mua bảo hiểm y tế ở mức cao hơn mức quy định tại Thông tư này thì phải tự bù phần chênh lệch.
Về tiền vé máy bay đi và về (hạng phổ thông): Người học được cấp một lượt vé từ Việt Nam đến nơi học tập và một lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam (trừ trường hợp được phía bạn đài thọ) trong toàn bộ thời gian đào tạo, bồi dưỡng.
Chi phí đi đường (để bù đắp các khoản lệ phí sân bay và thuê phương tiện đi lại từ sân bay về nơi ở) được cấp một lần với mức khoán là 100 USD/người/cho toàn bộ thời gian đào tạo.
Các khoản chi khác phát sinh trong quá trình đào tạo: Chi phí chuyển và nhận tiền qua ngân hàng liên quan đến khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài (nếu có): Căn cứ vào các quy định của ngân hàng nước sở tại và ở Việt Nam, nếu có phát sinh lệ phí chuyển tiền hoặc nhận tiền qua ngân hàng thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp khoản chi này theo thực tế phát sinh.
Hỗ trợ chi phí để xử lý các rủi ro, bất khả kháng xảy ra với người được cử đi đào tạo: Trường hợp người được cử đi đào tạo tử vong: Hỗ trợ toàn bộ cước phí vận chuyển thi hài hoặc lọ tro từ nước ngoài về nước hoặc hỗ trợ phần còn thiếu của cước phí vận chuyển này sau khi bảo hiểm chi trả.
VGP News