Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tại dự thảo, Bộ đề xuất điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, kế thừa có chọn lọc những quy định còn phù hợp, được thực tiễn chứng minh là đúng đắn trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tại dự thảo, về điều kiện nhân viên nghiệp vụ, Bộ đề xuất bổ sung khái niệm nhân viên nghiệp vụ với các vị trí công việc để đảm bảo đủ số lượng bộ khung nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động của doanh nghiệp đồng thời kế thừa quy định của Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn đối với nhân viên nghiệp vụ về kinh nghiệm, trình độ (từ cao đẳng trở lên), chuyên ngành đào tạo đối với một số nhân viên nghiệp vụ (luật, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ hoặc kinh tế).
Cụ thể, nhân viên nghiệp vụ là người có hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại doanh nghiệp dịch vụ để thực hiện các nội dung hoạt động dịch vụ quy định tại Điều 9 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bao gồm: Nhân viên nghiệp vụ hợp đồng là người soạn thảo, chuẩn bị nội dung hợp đồng để ký kết và thanh lý hợp đồng; nhân viên nghiệp vụ thị trường là người nghiên cứu, tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước; nhân viên nghiệp vụ tư vấn là người cung cấp thông tin, quảng cáo, tư vấn về cơ hội việc làm ở nước ngoài và đăng tải thông tin lên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; nhân viên nghiệp vụ tuyển chọn lao động là người chuẩn bị nguồn lao động và tuyển chọn lao động trong nước; nhân viên nghiệp vụ tổ chức đào tạo là người tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng…
Về điều kiện cơ sở vật chất, dự thảo kế thừa quy định của Nghị định 38/2020/NĐ-CP về quy mô cơ sở vật chất giáo dục định hướng cho người lao động, dự thảo đề xuất bổ sung quy định về tính ổn định của cơ sở vật chất trong trường hợp doanh nghiệp thuê cơ sở vật chất là“thời hạn thuê phải còn ít nhất 2 năm tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép” (Khoản 2 Điều 6); bảo đảm lồng ghép giới trong quy định đối với cơ sở vật chất giáo dục định hướng “phòng ở có trang thiết bị cơ bản đảm bảo sinh hoạt nội trú, khu nội trú được bố trí tách biệt cho lao động nam và nữ, đảm bảo đủ buồng tắm và nhà vệ sinh phù hợp” (Điểm c Khoản 1 Điều 6).
Cụ thể, cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động phải được đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp và đáp ứng điều kiện sau: Có đủ phòng học và phòng nội trú cho ít nhất 100 lao động tại một thời điểm; phòng học diện tích trung bình tối thiểu 1,4 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản bảo đảm phục vụ học tập; phòng nội trú diện tích trung bình tối thiểu 4,0 m2/học viên, bố trí không quá 8 học viên/phòng, có giường, tủ, bàn ghế. Khu nội trú phải được được bố trí tách biệt cho học viên nam và nữ, bảo đảm có đủ buồng tắm và nhà vệ sinh phù hợp.
Trường hợp doanh nghiệp thuê cơ sở vật chất thì thời hạn thuê phải còn ít nhất 2 năm tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
Điều kiện về trang thông tin điện tử, dự thảo đề xuất quy định trang thông tin điện tử (website) của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ phải có tên miền .vn; đăng tải bản chụp Giấy phép hoạt động dịch vụ và cập nhật thông tin theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 26 Luật số 69/2020/QH14.
VGP News