Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, Đoàn Hà Nam phấn đấu xếp thứ hạng từ 40 – 45 toàn quốc nhưng kết thúc chỉ đứng thứ 49/65 đoàn tham dự. Nguyên nhân do đâu?
Năm 2018, tại Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ VIII, Đoàn thể thao Hà Nam đoạt 8 huy chương, trong đó có 2 Huy chương Vàng (HCV), xếp thứ 40/65 tỉnh, thành, ngành. Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII thi đấu 36 môn, tất cả các môn đều nằm trong hệ thống thi đấu thế giới (Olympic), Châu Á (Asiad) và gần đây là SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Năm nay, đại hội lấy tên là Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 vì hệ thống các môn thi đấu tăng lên 43 môn và trong đó có nhiều môn thể thao, trò chơi dân tộc. Đoàn Hà Nam tham gia thi đấu 8 môn (vật, Jujitsu, điền kinh, lặn, Taekwondo, thuyền, bóng đá nữ, lân sư rồng), kết quả đạt 12 huy chương, trong đó có 2 HCV, 2 Huy chương Bạc (HCB), 7 Huy chương Đồng (HCĐ), xếp thứ 49/65 tỉnh, thành, ngành, cách xa mục tiêu đề ra xếp thứ hạng từ 40 – 45 toàn quốc.
Việc tổ chức các môn thi đấu nhiều hơn đồng nghĩa với cơ hội cạnh tranh cao hơn, trong khi để có một môn thể thao mới, dù là môn thể thao Olympic hay dân tộc, truyền thống, chuyên nghiệp hay phong trào phải có một khoảng thời gian nhất định hình thành, huấn luyện mới thi đấu đạt thành tích cao.
Ngoài ra, kế hoạch số môn thi đấu đại hội lại không được công bố sớm nên việc chuẩn bị lực lượng thi đấu các môn thể thao dân tộc và giải trí như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đá cầu, lân sư rồng… là khó. Hơn nữa, theo định hướng của Tổng cục TDTT (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) các tỉnh đầu tư thể thao thành tích cao tập trung vào các môn thi đấu Olympic và Asiad nên thể thao thành tích cao Hà Nam không có và cũng không nằm trong kế hoạch đào tạo các môn thể thao vốn chỉ phát triển ở một số vùng miền, trong các lễ hội truyền thống. Và những môn thể thao dân tộc, giải trí này cũng không có trong chương trình thi đấu của các đại hội thể thao quốc tế. Đây là nguyên nhân khách quan khiến thể thao thành tích cao Hà Nam tham gia thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 dù đạt được nhiều huy chương hơn nhưng thứ hạng lại xuống thấp hơn kỳ Đại hội TDTT toàn quốc trước. Và còn một nguyên nhân khách quan nữa là một số vận động viên (VĐV) chủ chốt của Hà Nam thi đấu SEA Games 31 đã giành HCV lại không được thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc lần IX vì sử dụng doping (thuốc tăng cường hiệu suất thể thao) trong thi đấu. Vì thế, mục tiêu chinh phục từ 3 – 5 HCV để cải thiện thứ hạng không đạt được.
Còn về nguyên nhân chủ quan, theo ông Nhữ Mạnh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cho biết: Thứ nhất là số lượng huấn luyện viên giỏi của trung tâm hiện không nhiều. Thứ hai lực lượng VĐV đạt thành tích cao mỏng, VĐV có trình độ cao lại càng ít hơn. Ngoài ra, 70 VĐV tham gia thi đấu đại hội đều là các VĐV trẻ, thi đấu mang tính cọ xát là chính. Và cũng do sự không nhất quán trong chỉ đạo, thi đấu đã dẫn đến sự bị động cho các cơ sở đào tạo, nhất là những cơ sở đào tạo ít môn như Hà Nam.
Hai VĐV Hà Nam Lê Thị Thương, Nguyễn Thị Minh Vượng đạt HCV đều thuộc môn Jujitsu, một môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam. Các VĐV đều chuyển từ bộ môn vật sang nên ít nhiều cũng có lợi thế, nhưng Jujitsu Hà Nam cũng chỉ sở trường ở 2 nội dung Gi và No-Gi. Dù thành tích toàn đoàn không đạt nhưng để khen thưởng thành tích các VĐV đạt giải cao, lãnh đạo trung tâm đã thưởng “nóng” cho VĐV 20 triệu đồng ngay tại đại hội.
Đại hội TDTT 4 năm một kỳ, nên với lợi thế có lớp VĐV trẻ, sau 4 năm với sự tập luyện kiên trì, được thi đấu cọ xát nhiều và tập trung vào các nội dung có thế mạnh, hy vọng thể thao thành tích cao Hà Nam thi đấu các giải trong chương trình Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ X năm 2026 sẽ đạt thành tích cao hơn, cải thiện thứ bậc trên bảng xếp hạng.
Chu Bình