Tuy số lượng các VĐV nam chưa nhiều, có bộ môn đào tạo lại, có bộ môn đào tạo mới và có bộ môn thử nghiệm, nhưng có thể thấy, Trung tâm HLTĐ TDTT Hà Nam đã có hướng đi đường dài. Biết lách những “khe hẹp” khi đào tạo VĐV nữ nhưng để hội nhập rất cần các VĐV nam. Một trong những hướng đi mới của trung tâm hiện nay khi công tác tuyển chọn VĐV nói chung và VĐV nam nói riêng không nằm trong phạm vi tỉnh mà mở rộng trên toàn quốc.
Sau tái lập tỉnh năm 1997, Sở Thể dục Thể thao được thành lập, công tác tuyển chọn vận động viên (VĐV) được đưa ra. Với xuất phát điểm thấp, quan điểm tuyển chọn VĐV nữ và chọn tập những bộ môn các tỉnh khác ít quan tâm hoặc không tập luyện được đưa ra. Năm 1999, bóng đá nữ được hình thành, sau đó là vật, bóng chuyền và bơi lặn với trên 90% VĐV là nữ.
Với sự hình thành non trẻ, để xác lập tên tuổi, chọn VĐV nữ là phương pháp tối ưu ở thời điểm đó. Bởi đặc điểm giới tính VĐV nữ phát triển sớm hơn nam, vì thế thời gian huấn luyện và thi đấu cũng sớm hơn so với nam. Một VĐV nữ chỉ mất từ 3 – 5 năm huấn luyện là có thể thi đấu thành tích cao, trong khi với VĐV nam, thời gian phải mất từ 7 – 8 năm. Sau này, các bộ môn khác được hình thành, như điền kinh, thuyền Canoeing quan điểm chỉ tuyển chọn VĐV nữ được giữ vững. Có những thời điểm, VĐV thành tích cao của Hà Nam chỉ có từ 1 – 2 VĐV nam của Bộ môn Bơi lặn.
Với lựa chọn này, Hà Nam đã sớm có thành tích. Những bộ môn đạt được nhiều huy chương và có nhiều VĐV tuyển quốc gia nhất của Hà Nam là bóng đá nữ, vật và điền kinh. Và sau 25 năm thi đấu thành tích cao, hiện Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu (HLTĐ) Thể dục thể thao (TDTT) (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỉnh Hà Nam đã cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trở thành 3 trung tâm đào tạo bóng đá nữ toàn quốc. Các bộ môn vật và điền kinh có nhiều VĐV thi đấu các giải châu Á và SEA Games đạt thành tích vượt trội.
Với những thành công và dấu ấn đó cùng với cơ sở vật chất được quan tâm, công tác tuyển chọn VĐV nam được quan tâm. VĐV nữ có lợi thế đạt thành tích sớm hơn, nhưng thời gian thi đấu đỉnh cao không kéo dài và sự nghiệp cũng kết thúc sớm hơn. VĐV nam tuy thành tích đạt muộn hơn, nhưng thời kỳ đỉnh cao kéo dài đồng nghĩa với thời gian thi đấu cũng dài hơn VĐV nữ.
Chính vì thế, ở nhiều bộ môn, Trung tâm HLTĐ TDTT bắt đầu tuyển chọn bổ sung VĐV nam. Đến thời điểm này, toàn Trung tâm có 22 VĐV nam của các nội dung: lặn, vật, taekwondo, quần vợt và điền kinh. Hiện Bộ môn Vật – Jujitsu có số lượng VĐV nam đông nhất là 12 VĐV. Các VĐV nam đều nằm trong đội tuyển trẻ, tập luyện đa dạng các nội dung từ vật tự do, vật dân tộc đến vật cổ truyền và Jujitsu. Sau 4 năm đào tạo, đầu năm 2023, các VĐV được huấn luyện chuyên môn hóa và sớm có thành tích.
Tham gia Giải vô địch Vật dân tộc quốc gia 2023 và Giải vô địch các nhóm tuổi trẻ Vật dân tộc và cổ điển toàn quốc 2023 vừa diễn ra, các VĐV nam của Bộ môn Vật – Jujitsu đã giành được 2 Huy chương Bạc (HCB) và 4 Huy chương Đồng (HCĐ). Tại Giải toàn quốc “Vật tự do – Cúp 15/5” lần thứ II năm 2023 do Hà Nam đăng cai, các VĐV nam đã giành 2 Huy chương Vàng (HCV) góp phần vào thành công giành Cúp, Cờ giải Nhất và Bằng khen của Hội đồng Đội Trung ương của Đoàn Hà Nam.
Ở bộ môn bơi, lặn, năm 2022 sau khi tuyển chọn VĐV nam đào tạo ở cấp độ giải thiếu niên nhưng do điều kiện thực tế về cơ sở vật chất và công tác tuyển chọn gặp nhiều khó khăn nên hiện có 1 VĐV nam. Đây cũng là bộ môn duy nhất từ trước đến nay vẫn duy trì đào tạo VĐV nam, trong đó VĐV nam đạt nhiều thành tích nhất là Nguyễn Xuân Thiện, hiện là Huấn luyện viên kiêm VĐV thi đấu của Trung tâm HLTĐ TDTT tỉnh.
Cũng có 1 VĐV nam là bộ môn quần vợt. Đây là bộ môn đặc biệt của Trung tâm HLTĐ TDTT khi các VĐV tập luyện theo hình thức bán trú (buổi tối được về với gia đình). Và cũng là bộ môn có lứa tuổi VĐV nhỏ nhất trung tâm, các em mới chỉ 9 - 10 tuổi. Tuy nhiên với các giải lứa tuổi thiếu niên nhi đồng mở rộng các em đã đạt được những thành tích đáng nể. Điền kinh cũng là bộ môn trở lại đào tạo VĐV nam. Năm 2021, trung tâm tuyển chọn được 6 VĐV cho bộ môn này. Hiện các VĐV đang trong giai đoạn huấn luyện và phát triển tốt. Taekwodo là bộ môn mới của trung tâm, thành lập năm 2020 với 8 VĐV, trong đó có 4 VĐV nam. Thành tích tốt nhất của các VĐV nam là HCĐ Giải Taekwodo các lứa tuổi trẻ năm 2022.
Tuy số lượng các VĐV nam chưa nhiều, có bộ môn đào tạo lại, có bộ môn đào tạo mới và có bộ môn thử nghiệm, nhưng có thể thấy, Trung tâm HLTĐ TDTT Hà Nam đã có hướng đi đường dài. Biết lách những “khe hẹp” khi đào tạo VĐV nữ nhưng để hội nhập rất cần các VĐV nam. Một trong những hướng đi mới của trung tâm hiện nay khi công tác tuyển chọn VĐV nói chung và VĐV nam nói riêng không nằm trong phạm vi tỉnh mà mở rộng trên toàn quốc.
Nhưng để công tác huấn luyện nói chung và thi đấu nói riêng cũng như tăng cường các VĐV nam, cơ sở vật chất của trung tâm rất cần được quan tâm cải tạo hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, cần có thêm chính sách thuê chuyên gia và những huấn luyện viên giỏi để nâng cao hơn chất lượng và thành tích của thể thao Hà Nam.
Chu Bình