Bóng đá nữ Hà Nam với mục tiêu "đổi màu" huy chương

Hiện nay, trong tổng số 135 chỉ tiêu đào tạo vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao, một nửa trong số đó là VĐV bộ môn bóng đá nữ. Hơn 60 VĐV của 3 tuyến: chính, trẻ và năng khiếu bảo đảm có "gối sóng", đội bóng đá nữ của tỉnh (Phong Phú Hà Nam), luôn nằm trong tốp 3 đội mạnh của quốc gia.

Nhưng với 17 năm thi đấu giải vô địch quốc gia, thành tích cao nhất của bóng đá nữ Hà Nam là 2 lần đoạt Huy chương Bạc (HCB). Ước mơ hay nói đúng là tham vọng vô địch luôn "cháy" trong những người làm thể thao, cầu thủ và người hâm mộ tỉnh nhà. Bởi mục tiêu của thể thao thành tích cao là vươn tới những đỉnh cao thành tích. Để có thể đạt được mục tiêu "đổi màu" huy chương trước thềm giải đấu năm nay, lãnh đạo ngành thể thao Hà Nam đã có những quyết định mạnh tay.

HLV trưởng Nguyễn Thế Cường cùng các học trò trước giờ tập luyện.

Văn Thị Thanh - "ngôi sao" bóng đá một thời, sau 7 năm trong vai trò HLV đã không tạo ra sự đột phá đã bị "giáng chức" xuống làm trợ lý HLV trưởng. Người tiếp quản vị trí "thuyền trưởng" thay Văn Thị Thanh là ông Nguyễn Thế Cường, cựu tuyển thủ đội bóng đá Nam Định, nhiều năm là HLV đội bóng quê hương tham gia "chinh chiến" tại giải hạng Nhất quốc gia. Với thay đổi quan trọng này, thể hiện quyết tâm "thổi một làn gió mới" cho PPHN trong giải đấu năm nay, nhằm hiện thực hóa tham vọng vô địch.

Tiếp nhận một đội bóng với nhiều cầu thủ "trụ cột" là lứa VĐV được tuyển chọn từ những năm đầu tái lập tỉnh, trong đó một số cầu thủ cũng đã xấp xỉ 30 tuổi, nhiều cầu thủ đã lập gia đình nhưng vẫn tham gia thi đấu. Nhớ trước khi mùa giải 2016 diễn ra, cựu HLV Phạm Hải Anh - HLV đầu tiên của PPHN, người trực tiếp tuyển chọn VĐV thành lập nên PPHN trong đó có 9 VĐV hiện vẫn đang thi đấu, đã từng nói: Với nhiều cầu thủ đang ở độ chín của sự nghiệp nếu năm 2016 PPHN không vô địch thì còn rất lâu nữa mới có thể với được ngôi vị quán quân.

Tôi hiểu ông Hải Anh nói thế, bởi với VĐV nữ, đỉnh cao phong độ qua nhanh, sự gắn bó với đội tuyển của các VĐV "trụ cột" sẽ không thể dài lâu, trong khi thế hệ thay thế lại chưa bắt kịp đàn chị đi trước. Và thực tế, mùa giải năm trước PPHN thi đấu vòng loại khá tốt, "ngang ngửa" với Hà Nội I, "trên cơ" Thành phố Hồ Chí Minh I (TPHCM I).

Tuy nhiên, kết thúc mùa giải, PPHN chỉ đứng thứ ba chung cuộc. Có lẽ vì thế nên năm nay, năm đầu tiên trên cương vị HLV trưởng, ông Nguyễn Thế Cường chỉ "dè dặt" khi đưa ra mục tiêu "đổi màu" huy chương, từ đồng năm 2016 sang bạc năm 2017 cho các cầu thủ.

Trong số những cầu thủ trụ cột còn lại từ những lứa VĐV sau ngày tái lập tỉnh, hiện có 6 cầu thủ nhiều năm liền là tuyển thủ quốc gia. Ngoài Nguyễn Thị Nguyệt, Trần Thị Hồng Nhung, Vũ Thị Thúy, Nguyễn Thị Liễu, Bùi Thị Như thì Nguyễn Thị Tuyết Dung nổi bật thành "ngôi sao sáng" trên "bầu trời" bóng đá nữ. Không những báo chí trong nước, nhiều tờ báo nước ngoài đều dành cho cô những lời ngợi khen "có cánh". Những lời ngợi khen khá xứng đáng nếu xem cô trình diễn. Nhưng trở về với đội bóng quê hương, Tuyết Dung lại chơi khác hẳn, không màu sắc, vi phạm kỷ luật.

Hỏi Tuyết Dung về điều này, cô cho biết: Ở đội tuyển quốc gia các tuyến cầu thủ đồng đều nên em có nhiều bóng hơn và nhiều "đất" để thể hiện sở trường của mình. Ở đội tuyển PPHN, lực lượng không đồng đều, em phải tự tìm bóng cho mình, phải di chuyển nhiều, chạy nhiều, nhanh mất sức nên có ảnh hưởng đến phong độ thi đấu.

Một pha đi bóng của các cô gái PPHN trong trận gặp Than Khoáng sản Việt Nam tại giải Vô địch quốc gia - Cúp Thái Sơn Bắc 2017.

Được lên đội hình tuyển chính, các cầu thủ đều có thời gian tập luyện từ 3 - 5 năm. Đây là một chu kỳ huấn luyện có thể đánh giá được năng lực VĐV và nếu huấn luyện tốt kỹ thuật đều có thể ngang tầm với những VĐV đá chính nhiều năm. Chỉ khác là độ dạn dày về tâm lý, kinh nghiệm thi đấu của người đi trước sẽ cao hơn, nhưng lực lượng trẻ lại có lợi thế về thể lực và tốc độ bứt phá cao. Hiện nay, sự cách biệt giữa 2 thế hệ cầu thủ của PPHN khá lớn.

Ông Đỗ Huy Bắc - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thi đấu Thể dục thể thao tỉnh cho biết: Lỗi không phải ở các cầu thủ, đây đều là do trình độ của HLV không cao, năng lực hạn chế, tinh thần trách nhiệm trong tuyển chọn và huấn luyện còn yếu. Điều ông Bắc nói đúng vì sau lớp cầu thủ tuyển chọn từ những năm đầu và hiện còn 9 cầu thủ vẫn thi đấu thì đến nay chưa có gương mặt "sáng giá" nào xuất hiện. Sự chọn lên chính nhiều khi phải "ép" để cho đủ đội hình.

Từ nguyên nhân trên cộng với sự tác động nhiều mặt từ xã hội, chưa có cơ chế cho "đầu ra" sau cống hiến đã khiến không giữ được chân cầu thủ. Một số VĐV có triển vọng của tuyến năng khiếu, tuyến trẻ, đã từng giành thành tích khá cao hỏi ra mới biết các em đã xin về để tiếp tục học văn hóa hay xin đi làm công nhân trong các công ty, cuộc sống ổn định hơn, không nắng mưa vất vả như làm cầu thủ bóng đá.

Là HLV ngoài trình độ, năng lực và sự tâm huyết trong chuyên môn việc quản lý, nắm bắt, điều chỉnh về tâm lý, tính cách, đạo đức cho học trò cũng rất quan trọng. Nhưng sự gắn kết, hay tính tập thể của PPHN được nhận định là chưa cao. Trao đổi với một số người trong Ban huấn luyện được biết, hiện tượng phân chia "ngôi thế", cách biệt trong thu nhập giữa các cầu thủ với nhau đã dẫn đến tâm lý thi đấu "theo thu nhập", không phối hợp "làm" bóng cho các tuyến… là có.

Một môn thi đấu tập thể với tâm lý thi đấu cho "tròn vai" ở một vài cầu thủ sẽ không thể có thành tích cao. HLV Văn Thị Thanh đã có lần tâm sự với chúng tôi, thế hệ cầu thủ hiện nay khác với chúng em ngày xưa. Ngày xưa chúng em tập luyện với niềm đam mê thật sự, động cơ thành tích chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng em vươn lên. Trong tập luyện hay cuộc sống thường ngày đều có kỷ luật cao. Các cầu thủ bây giờ thực tế hơn, bớt sợ thầy hơn, có điện thoại thông minh, tiếp xúc mạng xã hội tư tưởng các em cũng phân tán nhiều hơn.

Cùng với sự thay đổi đó, việc tuyển chọn các VĐV không riêng gì bóng đá nữ mà tất cả các môn khác đều khó vì địa bàn hẹp, tâm lý phụ huynh, tác động xã hội, cơ chế chính sách dẫn đến VĐV gây sức ép ngược lại với Ban huấn luyện cũng đã xuất hiện.

Ông Cường nhận dẫn dắt đội bóng từ tháng 11 năm 2016. Ông không chia sẻ gì nhiều, chỉ cho biết PPHN vào tốp 4 không khó nhưng để vào sâu hơn là điều ông luôn trăn trở. Và để các cầu thủ tuyến trên có nhiều bóng hơn, ông sẽ lựa chọn những người có khả năng "làm bóng" tốt hơn khi sắp xếp đội hình. Với chuyên môn, ông khác với người tiền nhiệm khi ông cho các cầu thủ tập nhiều các bài tập về nhóm cơ nhằm tăng sức bật và sức bền. Sự "đổi màu" huy chương và tham vọng vô địch có diễn ra hay không, thời gian dài hay ngắn tất cả câu trả lời sẽ còn phải chờ đợi.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy