Liên đoàn Võ thuật tỉnh Hà Nam hiện có 35 võ sư, huấn luyện viên nhưng chỉ có duy nhất Hồng Thị Ánh Nghĩa là nữ. Ánh Nghĩa là chân truyền đời thứ ba của môn phái Đăng Sơn đất Quảng Trị. "Xuất giá tòng phu" Nghĩa về làm dâu Hà Nam và môn phái gia truyền đã theo Nghĩa đến với vùng đất mới.
Gặp Ánh Nghĩa lần đầu khi em tham gia làm trọng tài trong Hội thi võ thuật cổ truyền toàn tỉnh, tôi ấn tượng bởi một cô gái mạnh mẽ, nhanh nhẹn, động tác dứt khoát trong điều hành trận đấu. Nhưng gặp Ánh Nghĩa ngoài đời vẻ dịu dàng, nhỏ nhẹ cùng giọng nói Quảng Trị ngọt ngào không ai biết em là Chủ nhiệm Câu lạc bộ võ thuật cổ truyền môn phái Đăng Sơn.
Đăng Sơn võ phái được sáng lập bởi ông nội của Ánh Nghĩa. Tầm sư học đạo khắp các vùng của đất nước, nắm được những tinh hoa của võ cổ truyền kết hợp với vùng đất và tính cách con người đất Quảng, Đăng Sơn võ phái ra đời - là một trong rất nhiều môn phái võ thuật cổ truyền dân tộc. Trọng thầy, họ Hồng mà Ánh Nghĩa mang là họ ông nội lấy của thầy dạy mình.
Nữ võ sư Hồng Thị Ánh Nghĩa.
Đăng Sơn võ phái hình thành khi cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp vào giai đoạn quyết liệt. Cha của Ánh Nghĩa, ông Hồng Đức Tân cho biết: Ông nội vừa tham gia cách mạng vừa tự nguyện dạy võ thuật cho các chiến sĩ của Đại đội Lê Hồng Phong của Tỉnh đội Quảng Trị, ông truyền dạy đến tận khi mất. Tiếp nối cha mình, tôi cũng là huấn luyện viên về võ thuật cho cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4. Về cơ bản, Đăng Sơn không khác nhiều so với các môn phái võ cổ truyền khác nhưng đặc trưng của môn phái Đăng Sơn nghiêng nhiều về khí công nhằm nâng cao khả năng võ thuật.
Cha làm công tác huấn luyện trong quân đội, Ánh Nghĩa học võ từ chú út của mình. Chú mở lớp dạy võ chủ yếu cho con cháu trong nhà và những người thân thuộc. Sống trong môi trường đó nên học võ và tập võ đối với Ánh Nghĩa như việc đương nhiên. Mặc dù ban đầu tập theo bản năng nhưng khi có ý thức tìm hiểu, nắm bắt được ý nghĩa, công dụng từng bài và khổ công tập luyện khi đó võ thuật với Ánh Nghĩa đã trở thành niềm say mê cùng ý thức giữ gìn môn phái gia truyền. Khởi tập từ khoảng 10 tuổi đến năm 15 tuổi, Ánh Nghĩa đã đạt chuẩn cấp 12 (võ cổ truyền có 18 cấp). Hiện giờ, Ánh Nghĩa đang mang đai vàng chuẩn cấp 15. Lấy chồng về đất Tiên Tân (thành phố Phủ Lý) năm 2015, Ánh Nghĩa mở võ đường phát triển môn phái Đăng Sơn trên đất Bắc.
Hội thi võ thuật cổ truyền do Bộ môn võ thuật cổ truyền tỉnh tổ chức tại Võ đường Đăng Sơn năm 2017.
Võ đường của gia đình Ánh Nghĩa khá rộng, nơi trang trọng nhất đặt bàn thờ tổ môn phái Đăng Sơn là tổ Hồng Sơn- ông nội Ánh Nghĩa. Các võ sinh đến học phải luôn tâm niệm 5 điều của võ phái: Nhớ tổ, kính thầy, mến bạn đồng môn; tuyệt đối tôn trọng kỷ luật, nêu cao danh dự của một võ sỹ; chuyên tâm học tập rèn luyện tinh thần, trau dồi trí thức; sống trong sạch, giản dị và cao thượng; trấn tĩnh chịu đựng mọi thử thách, thắng không kiêu, bại không nản. Và phải luôn luôn thực hiện 3 điều: Nhẫn nại, trung thực, kiên cường.
Tuy mới mở nhưng hằng năm, lớp học của Ánh Nghĩa thu hút trung bình khoảng hơn 100 lượt võ sinh theo học. Năm 2017 vừa qua, võ đường Đăng Sơn được lấy làm địa điểm tổ chức Hội thi võ thuật cổ truyền do Bộ môn Võ cổ truyền tỉnh tổ chức. Câu lạc bộ của Nghĩa có khác so với các câu lạc bộ và các lớp võ thuật khác. Năm nào, võ đường cũng tổ chức lễ tổng kết năm, tại lễ tổng kết những em học sinh có giấy khen về thành tích học tập hoặc thăng đai sẽ được võ đường trao phần thưởng. Phần thưởng tuy không nhiều nhưng theo Ánh Nghĩa đấy chính là sự động viên, khích lệ tinh thần của các võ sinh, học văn hóa để lấy trí thức và học võ thuật để lấy sức khỏe, tôi luyện bản lĩnh và ý chí phấn đấu.
Võ thuật với Nghĩa là niềm đam mê, mở lớp dạy để truyền niềm đam mê đó cho học sinh nhưng vì là "phái yếu" nên cũng vấp phải nhiều khó khăn. Mặc dù được chồng ủng hộ, tạo điều kiện nhưng với vai trò làm vợ, làm mẹ Ánh Nghĩa vẫn phải dành thời gian quan tâm đến gia đình. Với quan niệm võ thuật chỉ dành cho đàn ông nhưng với việc tổ chức lớp học bài bản và cách thức truyền dạy vừa nhẹ nhàng vừa cứng rắn, Ánh Nghĩa đang dần làm thay đổi những qua niệm chưa đúng đó. Với chủ trương đưa võ thuật vào dạy trong chương trình ngoại khóa của các trường học, mục tiêu của Ánh Nghĩa trong năm 2018 là sẽ thông qua liên đoàn, một số trường học tại địa phương và các đơn vị có liên quan để mang kiến thức về võ thuật của mình truyền dạy cho các em học sinh Tiên Tân và các xã lân cận.
C. Bình
Chu Bình