Thời gian ủ bệnh của nCoV có thể lên tới 24 ngày

Nghiên cứu mới trên 1.099 bệnh nhân nCoV tại 552 bệnh viện, phát hiện thời gian ủ bệnh của nCoV kéo dài hơn khuyến cáo trước đây là hai tuần.

Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc công bố phát hiện mới về thời gian ủ bệnh của nCoV hôm 9/2 trên trang medRxiv. Báo cáo được viết bởi 37 nhà nghiên cứu, bao gồm tiến sĩ Zhong Nanshan, trưởng nhóm chuyên gia do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc chỉ định xử lý nCoV. Nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu từ 1.099 bệnh nhân nCoV tại 552 bệnh viện ở 31 tỉnh thành của Trung Quốc.

Kết quả phân tích cho thấy thời gian ủ bệnh trung bình là 3 ngày, ngắn hơn 5,2 ngày so với nghiên cứu trước đó. Nhưng khoảng thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 0 tới 24 ngày thay vì 14 ngày như nhận định cũ và chỉ gần một nửa số bệnh nhân có triệu chứng sốt khi khám bác sĩ lần đầu tiên.

Về mặt lâm sàng, sốt (87,9%) và ho (67,7%) là hai triệu chứng phổ biến nhất, nhưng chỉ 43,8% bệnh nhân có những triệu chứng trên trước khi nhập viện. Tiêu chảy (3,7%) và nôn mửa (5%) rất hiếm gặp. Chỉ khoảng 25,2% bệnh nhân có ít nhất một bệnh nền như huyết áp cao hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tỷ lệ không xuất hiện triệu chứng sốt ở các ca nhiễm nCoV cao hơn do với dịch SARS và MERS. Những bệnh nhân như vậy có thể bị bỏ sót nếu việc theo dõi phụ thuộc nhiều vào sàng lọc triệu chứng này.

Trước khi bệnh nhân trải qua xét nghiệm axit nucleic (NAT) để xác nhận tình trạng mắc bệnh, bản chụp cắt lớp của họ ít có dấu hiệu nhiễm virus thường thấy như tổn thương kính mờ và vùng tối không đều màu ở hai bên phổi. Nhưng trong số 840 bệnh nhân chụp cắt lớp trong nghiên cứu, chỉ một nửa có tổn thương kính mờ và 46% có vùng tối không đều màu. Điều này có nghĩa chỉ dựa vào phim chụp cắt lớp có thể bỏ sót lượng lớn bệnh nhân nhiễm nCoV.

"Phát hiện thời gian ủ bệnh có thể kéo dài tới 24 ngày rõ ràng rất đáng lo ngại, đặc biệt đối với những người đang cách ly. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh trung bình rất ngắn, chỉ khoảng 3 ngày. Điều này có nghĩa một nửa số ca mắc bệnh sẽ bộc lộ triệu chứng trong vòng ba ngày sau khi tiếp xúc mầm bệnh và tỷ lệ người có thời gian ủ bệnh dài rất nhỏ", Paul Hunter, giáo sư y khoa ở Đại học East Anglia, nhận xét.

Nghiên cứu mới được cấp kinh phí bởi 4 cơ quan của Trung Quốc là Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Y tế Quốc gia, Hiệp hội Khoa học Tự nhiên Quốc gia và Cơ quan Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Đông. Nhóm tác giả nhấn mạnh nghiên cứu chưa có đánh giá của các chuyên gia trong ngành. WHO cho biết tổ chức này sẽ không thay đổi khuyến cáo về thời gian cách ly là hai tuần.

Theo Vnexpress

Duy Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.