Suy dinh dưỡng thấp còi cản trở đà tăng trưởng của trẻ

Trẻ thiếu vi chất lâu dài sẽ giảm khả năng miễn dịch, thành tích học tập không tốt, chậm phát triển chiều cao...

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam năm 2015, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao, 24,6%. Tình trạng này duy trì trong thời gian dài sẽ cản bước phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.

Đề kháng yếu, dễ mắc bệnh

Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi có nguy cơ cao bị virus, vi khuẩn tấn công liên tục và lặp đi lặp lại. Bé cũng thường bệnh nặng, lâu khỏi và dễ tái phát. Các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp nhất là tiêu chảy, viêm phổi, sởi. Ngoài ra, những người trưởng thành từng bị suy dinh dưỡng thấp còi khi còn nhỏ, cũng có xu hướng mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch và béo phì.

Thu hẹp cơ hội phát triển trí não

Theo Tạp chí Child Psychology and Psychiatry, trẻ suy dinh dưỡng thấp còi có thể chậm hành vi tình cảm xã hội. Bé tỏ ra thờ ơ, chán nản, hay quấy khóc, không hứng thú với các hoạt động vui chơi, khám phá cuộc sống. Điều này làm giảm tương tác giữa trẻ với mọi người và môi trường xung quanh, làm mất đi cơ hội học hỏi và phát triển.

UNICEF cho biết, tình trạng chậm phát triển trí lực do suy dinh dưỡng trong giai đoạn đầu đời có thể khiến trẻ phải đi học muộn hơn, thua sút 70% về điểm số, giảm 22-45% khả năng học tập suốt cả đời.

Suy dinh dưỡng thấp còi cản trở đà phát triển của trẻ hiện tại và sau này.

Khả năng lao động kém

Rào cản nhận thức, tiếp thu kém, thể chất không khỏe mạnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động sau này của trẻ. Các bé thiếu dinh dưỡng thường không đủ năng lượng tham gia các hoạt động thể chất, học tập, làm việc. Suy dinh dưỡng tồn tại suốt cuộc đời còn có thể làm giảm thu nhập tương lai của trẻ.

Để giúp trẻ thoánh nhanh tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, các bậc phụ huynh cần phải giải quyết triệt để từ gốc rễ. Trẻ cần được ăn đúng và đủ để không thiếu hay thừa chất. Khi lên thực đơn, cần lưu ý, mỗi bữa nên đầy đủ 4 nhóm chất: bột đường, đạm, béo, vitamin, khoáng chất và nên ăn 5-6 bữa thay vì chỉ dùng 3 bữa chính. Bên cạnh đó, khi chọn thực phẩm bổ sung cho trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi cần lưu ý chọn những sản phẩm uy tín, được kiểm nghiệm lâm sàng, phù hợp thể trạng, đáp ứng khuyến nghị về hàm lượng dinh dưỡng của các tổ chức trong nước và quốc tế.

Theo VnExpress

Vũ Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.