Văn hóa ứng xử

Mấy ngày nay, dư luận lại có dịp xôn xao vì một video clip về cuộc đối chất, tranh luận giữa nữ phụ huynh và thầy giáo ở Bạc Liệu xung quanh chuyện một cái quần. Chẳng là nữ phụ huynh này truy vấn thầy giáo vì con của mình bị mất quần, sau một hồi nói qua nói lại, nữ phụ huynh đã buông lời xúc phạm thầy giáo của con mình rằng bộ đồ thầy mặc trên người “chưa chắc giá trị hơn cái quần của con tôi”. Một chuyện tưởng như nhỏ nhưng lại biểu hiện cho một nỗi buồn lớn về văn hóa ứng xử.

Mất vài đồ dùng học tập, quên mang vật dụng cá nhân (dù vì nguyên nhân gì chăng nữa), đó là chuyện thường ngày của các em học sinh. Việc phối hợp nhắc nhở, chấn chỉnh những điều đó là cần thiết nhưng cũng không thể chuyển biến ngay một sớm một chiều. Nêu lên như vậy để thấy việc phản ứng của nữ phụ huynh kia là quá đáng. Một sự việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hoàn toàn có thể trao đổi, góp ý thay cho việc quy chụp, đổ lỗi và xúc phạm. Tệ hơn nữa, còn quay video và tung lên mạng xã hội kêu gọi sự hưởng ứng của cộng đồng mạng.

Hành vi ứng xử xấu xí như vậy, thật đáng lo ngại khi nó xảy ra ngày càng nhiều. Những câu “cảm ơn” khi được giúp đỡ, “xin lỗi” khi gây muộn phiền… được răn dạy từ tấm bé đã bị nhiều người quên mất. Để rồi một ánh mắt lướt qua bị coi là “nhìn đểu” rồi xông tới hành hung, một va quệt nhẹ trên đường giao thông là tuôn ra những câu chửi rủa…

Cũng mới đây thôi, một nhân viên hàng không từ chối chụp ảnh cùng 3 thanh niên vì đang làm việc đã bị chính những người này xúm lại hành hung. Một thanh niên từ chối ly rượu của người ngồi nhậu cùng mà bị đâm chết… Còn muôn hình vạn trạng những kiểu hành xử vô lối, ngỗ ngược có thể thấy trên báo chí, mạng xã hội và trong cuộc sống hàng ngày.

Rõ ràng, những hành vi ứng xử đó là biểu hiện của sự thoái hóa, xuống cấp về đạo đức, đi ngược lại những chuẩn mực văn hóa của một xã hội văn minh cũng như trái với đạo lý trọng tình trọng nghĩa của dân tộc. Trở lại chuyện “cái quần” ở trên, sau khi dư luận sôi sục lên án lối hành xử thiếu văn hóa của nữ phụ huynh kia, gia đình của vị này đã đến xin lỗi nhà trường và thầy giáo trong clip trước đó. Chính vị nữ phụ huynh này sau một thời gian tắt điện thoại, khóa facebook cũng đã vào lại mạng xã hội viết lời xin lỗi thầy giáo và xin lỗi cộng đồng mạng. Chị ta cũng nhận ra: Đây là một bài học sống nhớ đời.

Khánh Ngọc

Lê Kỳ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy