Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

Theo Báo điện tử VOV, ngày 14/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu đã thi hành bắt tạm giam nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ Ngô Hoàng Thái để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo hồ sơ vụ án, với cương vị là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2017 đến tháng 5/2019, ông Ngô Hoàng Thái đã để hai nhân viên cấp dưới là: kế toán trưởng và thủ quỹ cấu kết với nhau, nhiều lần rút tiền của cơ quan để chi tiêu vào mục đích cá nhân và không có khả năng chi trả, với tổng số tiền là 26,5 tỷ đồng, từ các mục chi phí học tập, chi phí thường xuyên, trong đó phần lớn là nguồn hỗ trợ chính sách cho học sinh dân tộc ít người... Hai đối tượng trên cũng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra về hành vi tham ô. Hiện, vụ việc vẫn đang được tiếp tục mở rộng…

26,5 tỷ đồng là một con số không hề nhỏ đối với một huyện còn khó khăn như Sìn Hồ, cao hơn tổng thu ngân sách năm 2018 của cả huyện. Chỉ vì lòng tham, lợi ích của một số cán bộ phòng giáo dục mà có biết bao nhiêu nhà trường, có biết bao nhiêu học sinh nghèo của huyện bị bớt xén tiền hỗ trợ?

 Được biết, nhiều năm qua, để hỗ trợ học sinh nghèo miền núi có điều kiện đến lớp, nhiều văn bản qui định về những chính sách hỗ phát triển giáo dục ở các địa phương miền núi đặc biệt khó khăn đã được triển khai. Đặc biệt, từ ngày 1/9/2016, Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ qui định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có hiệu lực thi hành đã phần nào góp phần tháo gỡ những khó khăn trong công tác phát triển giáo dục ở các xã nghèo miền núi. 

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục ở những địa phương nghèo thuộc miền núi, vùng sâu vùng xa những năm gần đây vẫn còn nhiều bất cập; đặc biệt, trong công tác kiểm tra, giám sát. Bởi không chỉ riêng Sìn Hồ, mà trước đó, ở Trường Mầm non xã Bắc Phong (Cao Phong, Hòa Bình) cũng đã xảy ra vụ việc hiệu trưởng bớt xén, chiếm dụng số tiền hỗ trợ bao gồm các khoản cấp bù học phí, chi phí học tập và tiền ăn trưa của 35 học sinh là con em hộ nghèo. Hay vụ nợ tiền, thậm chí là sử dụng sai mục đích tiền hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo ở huyện Tương Dương (Nghệ An)… 

Mặc dù, cho đến nay vẫn chưa có một con số thống kê nào về những vụ việc chiếm dụng, cũng như số tiền chiếm dụng từ các chương trình hỗ trợ giáo dục ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của Chính phủ nhưng từ vụ việc Sìn Hồ và một số địa phương khác trong cả nước cho thấy, việc triển khai các chính sách hỗ trợ về giáo dục ở các địa phương đang có nhiều “kẽ hở”. Ngoài những “kẽ hở” về chính sách, thì đạo đức của một số cán bộ, lãnh đạo thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở các địa phương mới là vấn đề đáng bàn. Họ không chỉ yếu và thiếu về năng lực mà còn thiếu cả lương tâm, một phẩm chất cần có.

Những kẻ vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý, nhưng điều cần thiết nhất là cần phải có những giải pháp triệt để, đồng bộ để “bịt” hết những kẽ hở đó, đảm bảo chủ trương chính sách được thực hiện đúng, nhất là chủ trương chính sách với vùng, đối tượng khó khăn; ngăn chặn được những hành vi vi phạm. Không để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Minh Thu

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy