Ngày 23-2, Financial Times dẫn thông báo từ Boeing xác nhận, toàn bộ 128 máy bay 777 có trang bị động cơ Pratt & Whitney 4000 (PW4000) trên toàn thế giới đã tạm dừng hoạt động.
Trước đó, tập đoàn máy bay Mỹ đã đưa ra khuyến nghị tạm dừng khai thác 128 chiếc máy bay B777 trên toàn thế giới cho đến khi Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đưa ra bản hướng dẫn kiểm tra.
Theo FAA, các cánh quạt rỗng - tính năng đặc biệt của Pratt & Whitney PW4000 - là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới rắc rối của động cơ này. PW4000 loại động cơ có công suất lớn nhất của Pratt & Whitney, là trang bị mặc định của Boeing 777 khi dòng máy bay này trình làng.
Điều tra ban đầu cho thấy, hai trong số các cánh quạt của máy bay gặp trục trặc đã bị nứt vỡ, một ở phần chuôi và một ở đầu cánh. Một mảnh của cánh quạt cũng rời ra và rơi vào vách ngăn động cơ.
Những động thái trên diễn ra sau sự việc chiếc Boeing 777-200 của Hãng hàng không United Airlines với 231 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn bị hỏng động cơ không lâu sau khi cất cánh từ sân bay Denver đến Honolulu (Hawaii). Nhiều mảnh vụn từ các chi tiết động cơ cũng rải khắp khu dân cư tại Denver. Rất may mắn, chiếc máy bay đã hạ cánh an toàn và không hành khách nào thương vong.
United Airlines không phải hãng hàng không duy nhất từng gặp rắc rối với động cơ Pratt & Whitney 4000. Tháng 12-2020, chuyến bay của Japan Airlines từ Naha tới Tokyo (Nhật Bản) cũng gặp hỏng hóc tương tự. Cánh quạt của máy bay này sau đó được phát hiện nứt vỡ ở phần đầu và giữa.
Tính tới ngày 23-2, nhiều cơ quan quản lý hàng không và các hãng hàng không cũng đã có biện pháp ứng phó với rủi ro mới. Cục hàng không dân dụng Anh đã cấm toàn bộ máy bay Boeing 777 với động cơ PW4000-112 bay vào không phận, trong khi hai hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc là Korean Air và Asiana Airlines cũng thông báo dừng khai thác loại máy bay này.
Về phần mình, Cơ quan quản lý hàng không châu Âu (EASA) cũng cho biết đã đề nghị FAA chia sẻ thêm thông tin.
HNM