Tự hào là lính Thành Cổ

Cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 diễn ra như một huyền thoại, kết thúc bằng thất bại của đội quân xâm lược. Hơn 600 người con Hà Nam đã có mặt trong đội quân chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, rất nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại Quảng Trị. Ai đã trở về sau chiến thắng luôn mang trong mình ký ức khó quên về những ngày hè rực lửa, cả dân tộc sống vì khát vọng hòa bình và niềm tin thống

Thành Cổ Quảng Trị - nơi có những trang sử bi tráng. Ảnh: quangtritv.vn

Ông Nguyễn Lập Quyết, cựu chiến sỹ Thành Cổ năm 1972, giờ là cán bộ ngành y tế nghỉ hưu nhớ lại: Năm ấy chúng tôi chỉ mới gần 20 tuổi, trẻ trung và hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người một nhiệm vụ, nhưng vào thời điểm từ tháng 3/1972, tình hình ở Quảng Trị bắt đầu ác liệt, những ai có mặt ở đó đều thấy rõ sự khắc nghiệt của chiến tranh.

Dù không vào trực tiếp chiến đấu trong Thành Cổ, tôi làm nhiệm vụ quân y khu vực bên ngoài cũng rất cam go. Sự sống - chết chỉ tính bằng gang tấc, mọi dồn nén chiến tranh lúc này cực kỳ căng thẳng. Tất cả quân và dân chiến đấu ngoan cường, hy sinh nhiều lắm! Mỗi tấc đất, mỗi xóm làng đều bị găm, xé bởi bom, đạn chiến tranh.

Ngày 1/5/1972, thị xã Quảng Trị được giải phóng, cũng từ đây, cuộc chiến 81 ngày đêm (từ 28 tháng 6 đến 16 tháng 9 năm 1972) trong lòng Thành Cổ bắt đầu. Quân địch muốn lấy lại tinh thần và gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris nên đã dốc toàn lực mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị. Quân ta ở Quảng Trị lúc đó có 5 sư đoàn bộ binh, 2 sư đoàn pháo binh và phòng không cùng nhiều đơn vị công binh, thiết giáp, nhiều trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh độc lập. Trong khi đó, khí tài của địch quá lớn mạnh.

Với chu vi chưa đầy 3km, Thành Cổ trở thành túi bom của kẻ thù. Chúng huy động tối đa lực lượng, phương tiện để chiếm đánh bằng được vị trí này, vì đó là địa bàn chiến lược nhằm tạo sức ép với ta tại Hội nghị Paris. Thực tế chúng ta đã hy sinh và mất mát rất nhiều trong cuộc chiến ấy nhưng không ai sờn lòng. Bằng sự quyết tâm, quyết chiến và quyết thắng, chiến thắng Thành Cổ Quảng Trị trở thành một mốc son trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Kể từ khi những người lính Hà Nam chiến đấu bảo vệ Thành Cổ trở về, họ luôn mang trong mình những nỗi niềm đồng đội. Chưa thể thống kê hết con số chính xác có bao nhiêu người đã nằm lại đó, nhưng số có mặt chiến đấu bảo vệ Thành Cổ là người Hà Nam lên tới hơn 600 người.

Năm 2016, Hội cựu chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị tỉnh Hà Nam thành lập với 300 hội viên, đáp ứng niềm mong mỏi của những người đã sống, chiến đấu tại vùng đất lửa kiên cường. Có những người sau cuộc chiến đó phải trở lại địa phương vì thương tật, có những người tiếp tục cuộc hành quân tiến công vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Trần Thanh Thử, xã Tràng An, huyện Bình Lục chưa bao giờ hết nhớ thương đồng đội. Ông nói, chúng tôi hành quân suốt dọc dài Trường Sơn, chiến đấu ở nhiều chiến trường, nhưng ở Quảng Trị, sự sống mới khắc nghiệt làm sao. Cũng trong cuộc chiến ấy, tình đồng chí thực sự lại càng thiêng liêng, khát vọng sống, khát vọng hòa bình mới sáng ngời đến thế. Mỗi khi đồng đội hy sinh, dù biết rằng trên đầu là địch, xung quanh là địch, cái chết treo lơ lửng trên đầu, nhưng không ai nỡ bỏ đồng đội nằm lại, mà đều cố gắng mang xác đi chôn cất…

Có dịp vào Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh nặng Kim Bảng, được trò chuyện với các chú, các bác ở đó mới biết, nhiều người đã bị thương từ cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ. Với họ, Thành Cổ là ký ức bi hùng, là nơi thử thách lòng người. Dù bị thương, họ còn thấy may mắn hơn những đồng đội không bao giờ được gặp lại gia đình, người thân. Họ nằm lại vùng đất loang lổ hố hầm chiến tranh ấy với nỗi khát khao hòa bình...

Một góc trong Bảo tàng Thành Cổ. Ảnh: Chu Uyên

Sau khi thống nhất đất nước, những người lính Thành Cổ đã trở lại cuộc sống đời thường với những công việc khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai cũng giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ". Họ tự hào vì điều đó.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thiện Tỉnh nói: "Chúng tôi không quên được nhau, tiếp tục sống vì nhau cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay nên đã thành lập Hội cựu chiến sỹ Thành Cổ. Cuộc sống hiện tại có thể đã đủ đầy, nhưng trong lòng chúng tôi còn khắc khoải nỗi niềm đồng chí, gia đình đình của các đồng chí đã hy sinh ngoài chiến trường đến giờ chưa tìm thấy hài cốt".

Vì điều đó, bao nhiêu năm qua, ông Tỉnh đã đi khắp các chiến trường xưa để tìm lại đồng đội. Thời điểm chiến đấu ở Quảng Trị, ông là Chính trị viên, Phó Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. Sau này, ông là người duy nhất của Hà Nam cùng với 42 người khác trong cả nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chỉ cách đây ít hôm, ông Tỉnh vào Quảng Trị, tìm thêm 9 hài cốt đồng đội… Cho đến giờ, bản thân ông đã tìm được mộ phần của trên 40 liệt sỹ, trong đó có nhiều người con quê Hà Nam.

Ông thanh thản sau mỗi lần đi - về như thế, ông tâm sự: "Một ngày qua đi là một ngày lùi vào quá khứ. Con người ta hay nhìn về phía trước nhưng lại không quên ngoái lại đằng sau. Ở đó có những điều không bao giờ được quên, mà phải nhớ để thấy những bước tiếp theo chúng ta cần phải đứng ở chỗ nào...  Gần bốn mươi năm qua đi, cuộc đời mỗi người lính chúng tôi dù bước sang một hoàn cảnh sống khác, một cuộc đời khác, nhưng không ai quên được chiến tranh".

Ông Nguyễn Lập Quyết, Chủ tịch Hội cựu chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị tỉnh Hà Nam cho biết: Mỗi thời đại có một ý nghĩa lịch sử. Tôi chỉ mong muốn thế hệ trẻ hôm nay sống có lý tưởng và trung thực với bản thân.  Hãy tôn trọng quá khứ để có một tương lai vững bền...".        

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy