Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục QP&AN

Nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (QP&AN), thời gian qua Hội đồng Giáo dục QP&AN tỉnh chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện bảo đảm cả diện rộng, chiều sâu, phù hợp với yêu cầu giáo dục toàn dân về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Kiểm tra nhận thức chính trị lực lượng DQTV thành phố Phủ Lý.

Theo số liệu thống kê của Hội đồng Giáo dục QP&AN tỉnh, đến nay Hà Nam đã cơ bản hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho các đối tượng 1, 2, 3 theo quy định. Hàng chục nghìn học sinh, sinh viên, thanh niên sẵn sàng nhập ngũ đã được bồi dưỡng, giáo dục kiến thức QP&AN. Số đối tượng 4 sẽ hoàn thành trong năm 2019.

Chủ trương mở rộng bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho đối tượng đặc thù (chức sắc, chức việc tôn giáo, chủ nhà trọ, nhà nghỉ…) cũng được quan tâm, bảo đảm các đối tượng được trang bị những kiến thức cơ bản về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về QP-AN, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn dân về nhiệm vụ QP&AN trong tình hình mới.

Có được kết quả trên đây, theo Đại tá Trần Quang Mỹ, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh là do có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, hội đồng giáo dục QP&AN các cấp, ngành, địa phương trong chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện. Cùng với bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho các đối tượng theo quy định, Hội đồng Giáo dục QP&AN tỉnh còn chỉ đạo các địa phương mở rộng bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho một số đối tượng đặc thù, trong quá trình thực hiện, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức giáo dục sao cho phù hợp.

Điểm nổi bật trong công tác giáo dục QP&AN trên địa bàn tỉnh là sự gắn bó chặt chẽ giữa duy trì nền nếp với nâng cao chất lượng, hiệu quả. Điển hình như việc giáo dục kiến thức QP&AN với đối tượng 3 (cán bộ trưởng, phó phòng và tương đương ở các sở, ban, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ chủ chốt cấp xã).

Với đối tượng này việc bồi dưỡng được tổ chức tập trung tại tỉnh do Trường Quân sự tỉnh phối hợp giảng dạy nên việc duy trì nền nếp được thực hiện nghiêm túc. Nội dung, hình thức bồi dưỡng kiến thức QP&AN được đổi mới nhiều so với trước kia. Các chuyên đề giáo dục được soạn giảng theo phương pháp mới (trình chiếu điện tử), kết hợp giữa lý thuyết với hình ảnh minh họa trực quan sinh động.

Về nội dung, các đối tượng được trang bị những kiến thức cơ bản về: quan điểm của Đảng, Nhà nước về đường lối QP, AN, kinh tế đối ngoại; quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ QP-AN trong điều kiện hội nhập quốc tế và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước... Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để đội ngũ cán bộ các cấp, ngành nghiên cứu, vận dụng trong tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố QP, AN ở từng địa phương, đơn vị theo chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cùng với việc được trang bị những kiến thức thông qua nghiên cứu chuyên đề lý thuyết, các đối tượng còn được luyện tập, thực hành sử dụng một số loại vũ khí, tham quan thực tế tại đơn vị quân đội nhằm hiểu rõ hơn về tiềm lực quân đội trong giai đoạn hiện nay.

Trao Giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN đối tượng 3 lớp 1 năm 2018.

Cùng với chú trọng giáo dục kiến thức QP&AN cho các đối tượng 1, 2, 3, 4, Hội đồng Giáo dục QP&AN tỉnh thường xuyên chỉ đạo, thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục QP&AN với học sinh, sinh viên, các đối tượng đặc thù và thanh niên trong diện sẵn sàng nhập ngũ.

Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho 360 chức sắc, chức việc tôn giáo, 536 chủ nhà trọ, nhà nghỉ, gần 13 nghìn học sinh, sinh viên, trên 1 nghìn thanh niên sẵn sàng nhập ngũ. Công tác giáo dục QP&AN cho học sinh, sinh viên đã trở thành một môn học bắt buộc trong các nhà trường.

Bên cạnh những kết quả tích cực trên đây, công tác giáo dục kiến thức QP&AN trong tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Đó là nguồn kinh phí bảo đảm cho việc mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP&AN còn hạn chế; cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục QP&AN chưa bảo đảm; nhận thức về vị trí, vai trò công tác giáo dục QP&AN của một số cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở, đơn vị chưa đầy đủ, sâu sắc.

Đặc biệt ở cấp xã, việc giáo dục QP&AN kết quả chưa cao, hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Trong một số nhà trường chất lượng giảng dạy, học tập môn giáo dục QP&AN chưa thực sự được chú trọng, thiếu giáo viên, trang thiết bị bảo đảm cho môn học…

Theo đồng chí Bùi Quang Cẩm, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục QP&AN tỉnh, trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian tới, hội đồng giáo dục QP&AN các cấp cần chủ động khắc phục khó khăn, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục QP&AN, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của các cấp, ngành.

Công tác giáo dục QP&AN phải thực sự hướng tới tính thiết thực, hiệu quả, giúp mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức đúng đắn về trách nhiệm, nghĩa vụ trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong củng cố, tăng cường tiềm lực QP-AN, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.                           

Phương Dung

Phương Dung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy