Chuyện về lá thư cuối của chiến sỹ Gạc Ma

“Ngày mai tàu con rời bến đi đảo. Nói đi đảo Trường Sa có lẽ bố mẹ buồn, nhưng không có gì nguy hiểm cả…” – đây là những dòng thư đầy xúc cảm của Liệt sỹ Trần Văn Bảy gửi về gia đình chỉ ít ngày trước khi hy sinh.

Liệt sỹ Trần Văn Bảy sinh năm 1967 (xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng), nhập ngũ năm 1985, hy sinh ngày 14/3/1988, trên tàu HQ 604, trong trận chiến bảo vệ chủ quyền (CQ-88) tại đảo đá Gạc Ma (thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), khi vừa tròn 20 tuổi.

Ngày 3/3/1988 (chỉ 11 ngày trước khi hy sinh), liệt sỹ Trần Văn Bảy viết thư về cho gia đình. Vẫn giọng đùa trong trẻo như khi còn là chàng thiếu niên 17 đầy hoài bão, chàng trai trẻ hỏi thăm từng thành viên trong gia đình và liên tục động viên:“Ngày mai tàu con rời bến đi đảo. Nói đi đảo Trường Sa có lẽ bố mẹ buồn, nhưng không có gì nguy hiểm cả…”.

Đau đớn thay, chỉ mấy ngày sau khi nhận được thư anh, gia đình nhận tin báo tử qua đài truyền thanh. Chầm chậm, chầm chậm… bản danh sách 64 chiến sĩ hy sinh ở hải chiến Gạc Ma như kéo dài vô tận. Cái tên Trần Văn Bảy đọc lên như tiếng sét xé ngang, nhịp thở đứt đoạn...

Đằng đẵng chờ chồng trở về từ chiến trường Điện Biện; bốn lần tiễn con lên đường nhập ngũ, lần thứ ba trong cuộc đời lam lũ của mình, bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Vạo lại “khóc thầm lặng lẽ”, nước mắt tưởng như đã cạn kiệt từ lâu, nay lại âm thầm, rấm rứt. Cậu con trai út của bà, lại bỏ bà, theo hai người anh trai, ra đi mãi mãi không về. Đau thương quá hóa nước mắt chảy ngược vào trong, để rồi bà thốt lên tiếng lòng… “Thế là mất nó rồi…”.

Lá thư cuối của Liệt sỹ Trần Văn Bảy hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nam

Gần 2 tháng sau khi nhận tin báo tử của con trai, gia đình nhận được thư từ người họ hàng trong Sài Gòn kể lại việc tìm gặp đồng đội của anh Bảy may mắn sống sót sau trận chiến, kể lại khoảnh khắc lúc anh Bảy hy sinh. Ngày 11/3, tàu rời Cam Ranh đi Trường Sa, ngày 13/3 tàu neo đậu tại bãi đá ngầm Gạc Ma.

Sáng hôm sau (14/3), khi tàu đang cẩu hàng vào đảo thì bất ngờ 3 tàu nhỏ của Trung Quốc áp sát, tấn công vào mạn phải tàu. Sau khi tiêu diệt hết sinh lực của ta, tàu Trung Quốc lùi ra xa, bắn pháo, đánh chìm tàu HQ 604. Đồng đội của anh Bảy có kể lại: Sau loạt bắn phá đầu tiên, Bảy trúng đạn, bị thương ở bụng và vai, đồng thời bị bỏng nặng. Sau khi bị thương, Bảy vào phòng Thuyền phó 1, ngay sau đó, một quả đạn pháo 105 ly câu đúng vị trí phòng, hất tung hết thảy. Và đó cũng là lần cuối cùng ông nhìn thấy liệt sỹ Trần Văn Bảy.

Tựa người vào lưng ghế, hướng ánh mắt lên di ảnh em trai, người thương binh Trần Xuân Thu (xã Lê Hồ, Kim Bảng) nheo nheo đuôi mắt, nơi vẫn còn hằn rõ vết sẹo dài, chậm rãi kể lại cho chúng tôi những hoài niệm về liệt sỹ Trần Văn Bảy. Đang học lớp 12 thì anh Bảy bất ngờ viết đơn tình nguyện đi bộ đội, gia đình không đồng ý, anh lại viết thư lên cho anh Thu (đang đóng quân tại đồn Vị Xuyên, Hà Tuyên) nhờ động viên gia đình.

Ngày lên đường lại là ngày anh rời quê hương, ra đi mãi mãi. Ba năm nhập ngũ, không một lần nghỉ phép, đón ba cái Tết không gia đình, chỉ có anh em đồng đội và sóng biển rì rào. Một ngày mùa đông năm 1987, tàu anh Bảy ra Hải Phòng lấy hàng. Nhận được tin, anh Thu cùng anh trai lập tức đón xe từ Hà Nam lên Hà Nội, rồi tiếp tục đón xe sang Hải Phòng để tìm gặp em trai. Gần một ngày đi đường, tối muộn hôm đó ba anh em mới gặp được nhau, mừng mừng tủi tủi. 

Hình ảnh anh Trần Văn Bảy ở lứa tuổi đôi mươi

Chỉ còn một đêm, thời gian ngắn ngủi khiến ba anh em phải chắt chiu từng giây phút quý báu. Cả đêm không ngủ, anh Bảy thao thao bất tuyệt về cuộc sống trên biển của mình. Đời lính biển tự do lắm, vui lắm…, nhưng xa bố mẹ, xa anh chị cũng buồn lắm, tủi lắm… Thuyền là nhà, biển đảo là quê hương, anh Bảy luôn nhắc mình phải vượt lên gian khổ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mong ngày trở về đoàn tụ với gia đình.

Trước khi chia tay, anh Bảy có gửi về nhà một con ốc biển Trường Sa (nay đã được anh Thu tặng lại cho Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày) với lời nhắn “Mỗi lần nhớ tới em, cả nhà cứ úp tai vào con ốc này nghe tiếng sóng biển…”. Anh Thu không ngờ, đó cũng là lần cuối cùng được ngắm nhìn gương mặt, lắng nghe giọng nói và cầm tay em trai mình siết chặt.

Anh Thu nghẹn ngào: “Nhà có 3 liệt sỹ, nhưng không ai còn hài cốt để dựng một nấm mồ…”. Ngoài liệt sỹ Trần Văn Bảy còn ở ngoài biển xa, còn có hai ngôi mộ gió nằm ngay ngắn lại nghĩa trang liệt sỹ xã Lê Hồ chỉ đề tên: Liệt sỹ Trần Văn Uống, sinh năm 1947, nhập ngũ năm 1966, hy sinh năm 1968 tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; liệt sỹ Trần Văn Uộng, sinh năm 1950, nhập ngũ năm 1967, hy sinh năm 1967 tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Không ngày nào anh Thu không lên mạng tìm kiếm thông tin về phần mộ các liệt sỹ: tra cứu danh sách liệt sỹ tại các nghĩa trang, đăng tin “Nhắn tìm đồng đội”...

Chiếc máy tính xách tay đời cũ luôn để mở sẵn sàng trên bàn nước phòng khách. Hay mỗi khi có dịp được mời đi Giao lưu nghĩa tình đồng đội ở đâu, anh lại tranh thủ tạo mối liên hệ, gửi gắm thông tin của hai anh trai mình. Dù chỉ rất nhỏ nhoi thôi, chỉ cần ở đâu có chút thông tin, là anh sẽ dốc sức đi tìm. Dường như khắc sâu trong tâm khảm, người thương binh ấy vẫn canh cánh di nguyện của mẹ, vẫn trăn trở trách nhiệm của người ở lại với người đã khuất, và hơn hết, là tình cảm ruột thịt mà thời gian có nghiệt ngã đến mấy cũng không thể xóa nhòa.

Nguyễn Khánh

Nguyễn Khánh Chi

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy