Chủ động tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển quân

Hiện các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện quy trình tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2018. Xuất phát từ nhiều lý do, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ ở một số địa phương đang gặp những khó khăn, cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị nhằm bảo đảm số lượng cũng như chất lượng tuyển quân.

Khó khăn về nguồn tuyển quân

Bảo đảm số lượng, chất lượng nguồn tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ đang là khó khăn chung của nhiều địa phương trong thời điểm hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong tuyển quân là do xuất phát từ nhu cầu tìm việc làm nên đa số công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) đi làm ăn xa, dẫn đến việc đăng ký, quản lý nguồn công dân nhập ngũ bị hạn chế.

Trong khi đó, yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng tuyển quân của Bộ Quốc phòng ngày càng cao. Từ năm 2015, chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hằng năm đặt ra yêu cầu phải có 10% trở lên thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Khám sức khỏe tuyển quân ở Thanh Liêm.

Thực tế công tác tuyển quân ở Thanh Liêm cho thấy, đợt khám sức khỏe tuyển quân vừa qua toàn huyện phát lệnh gọi khám 618 thanh niên, tuy nhiên hết đợt khám chỉ có trên 68% thanh niên đến trạm y tế khám. Tỷ lệ thanh niên  đạt tiêu chuẩn về sức khỏe là 59%.

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Lê Hoài Thanh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thanh Liêm cho biết: Nguồn công dân trong độ tuổi ít, trong khi tỷ lệ thanh niên đi học, đi làm ăn xa nhiều, số ở địa phương phần lớn cũng làm việc trong các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.

Cũng như Thanh Liêm, tại Bình Lục đợt khám sức khỏe tuyển quân vừa qua, toàn huyện chỉ có 259 thanh niên đủ điều kiện về sức khỏe. Con số này sẽ còn giảm trong thời gian tới, bởi sẽ còn phải qua các đợt khám, xét nghiệm sàng lọc tiếp theo.

Cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị

Những khó khăn trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, một phần do yếu tố khách quan nhưng chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố chủ quan. Đó là nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận thanh niên trong độ tuổi đối với việc thực hiện Luật NVQS. Vì thiếu ý thức chấp hành nên một số thanh niên đã tìm cách đối phó, thậm chí trốn, tránh thực hiện NVQS. Trong khi đó, nếu thiếu sự hợp tác của gia đình sẽ càng thêm khó hơn cho công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ.

Để gỡ khó cho công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, thời gian qua các địa phương đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền Luật NVQS bằng nhiều hình thức: thông qua phương tiện thông tin đại chúng; cấp phát 6.650 tờ rơi tuyên truyền Luật NVQS, Nghị định số 27/2016/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành… cho công dân trong diện sẵn sàng nhập ngũ. Đồng thời, thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với những thanh niên cố tình không chấp hành Luật NVQS.

Tuy nhiên, việc xử lý cũng chỉ mới dừng lại ở việc xử phạt (mức xử phạt từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng) nên chưa đủ sức răn đe. Thượng tá Lê Hoài Thanh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thanh Liêm cho rằng: Nếu phát hiện thanh niên đối phó, trốn thực hiện NVQS, cơ quan quân sự huyện sẽ tham mưu với Hội đồng NVQS huyện có biện pháp xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Để đạt mục tiêu "giao quân đủ, chất lượng cao", không có công dân bị loại trả, công tác tuyển quân rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đoàn thể và cơ quan quân sự. Cùng với đó, rất cần vai trò định hướng của gia đình, đoàn thể, nhân dân thông qua hoạt động giáo dục truyền thống, xây dựng mục tiêu, lý tưởng, giúp thanh niên tự nguyện tham gia thực hiện NVQS, góp phần thiết thực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Hương Giang

Phương Dung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy