Chủ động giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ

Hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ là một trong những cơ chế, chính sách được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Tuy nhiên, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ vẫn còn những hạn chế cần sự phối hợp giải quyết từ các cấp, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị quân đội.

Theo số liệu thống kê, trong 5 năm (2012 - 2016), toàn tỉnh có 6.600 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 6.316 bộ đội xuất ngũ. Trong số này chỉ có 3.448 người tham gia học nghề (đạt tỷ lệ 54,6%), 2.534 người có việc làm (đạt tỷ lệ trên 40%) so với số lượng bộ đội xuất ngũ. 

Vậy là dù được hỗ trợ thẻ học nghề (có giá trị 12 tháng lương cơ sở) nhưng chỉ có rất ít quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương tham gia học nghề. Số còn lại vì không có nhu cầu học hoặc vì nhiều lý do khác nên đã chuyển đổi thẻ học nghề hoặc bỏ không học và tự tìm kiếm việc làm.

Anh Lê Anh Tuấn, tổ 5, thị trấn Quế (Kim Bảng), một quân nhân xuất ngũ đã tự tìm việc làm và tham gia công tác xã hội ở địa phương.

Tại Kim Bảng, trung bình mỗi năm có khoảng 200 bộ đội xuất ngũ nhưng con số thực tế theo học và làm nghề chỉ chiếm bình quân khoảng 30 người, còn lại đa số tự học và làm nghề tự do hoặc đi xuất khẩu lao động.

Trung tá Doãn Văn Tiến, Trợ lý Quân lực, Ban CHQS huyện Kim Bảng cho biết: Do những tác động của kinh tế thị trường nên phần lớn quân nhân sau khi xuất ngũ thường chọn hướng đi làm ăn xa. Số quân nhân thường xuyên sinh sống, làm việc ở địa phương rất ít.

Trong số những quân nhân theo học nghề tại các trường nghề trở về địa phương chỉ có khoảng 23% xin được việc làm. Nguyên nhân khiến tình trạng quân nhân sau khi học nghề khó xin được việc làm do không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Cũng theo Trung tá Doãn Văn Tiến, năm 2012 - 2013, trên địa bàn huyện Kim Bảng đã từng có doanh nghiệp về tuyển dụng lao động đối tượng là quân nhân xuất ngũ. Nhưng do sự chênh lệch giữa trình độ tay nghề của người lao động và nhu cầu tuyển dụng nên phần đông quân nhân xuất ngũ sau khi học nghề không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Tương tự như Kim Bảng, thành phố Phủ Lý và bốn huyện còn lại trong tỉnh tỷ lệ quân nhân học nghề, có việc làm ổn định theo nghề học sau khi xuất ngũ đạt rất thấp (từ 30 đến 40%; riêng Duy Tiên đạt 63%). Điều này gây lãng phí không nhỏ và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, ý nghĩa của chương trình hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ.

Theo đánh giá của đại diện cơ quan Bộ CHQS tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một phần do nhận thức của số đông quân nhân trong sử dụng thẻ học nghề còn hạn chế. Trình độ, tay nghề của bộ đội xuất ngũ chưa đồng đều. Nhiều quân nhân còn ngại khó, ngại học hoặc chưa hiểu hết giá trị, ý nghĩa của thẻ học nghề… dẫn đến tỷ lệ đăng ký tham gia học nghề thấp.

Bên cạnh đó, ngành nghề đào tạo tại một số trường dạy nghề chưa đa dạng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo thiếu đồng bộ, không theo kịp với xu thế phát triển của thị trường lao động, việc làm nên chưa thu hút được nhiều học viên tham gia học nghề. Không ít trường hợp học viên học nghề xong không xin được việc làm dẫn đến nhiều quân nhân khác chán nản, thiếu tin tưởng, không thiết học.

Công tác phối hợp hiệp đồng giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong thông tin, tuyên truyền, tư vấn, định hướng ngành nghề theo nhu cầu thị trường lao động cho bộ đội xuất ngũ chưa được quan tâm đúng mức, tính thường xuyên, sâu rộng, chặt chẽ và hiệu quả còn hạn chế. Chỉ tiêu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp rất hạn hẹp nên cơ hội việc làm cho bộ đội xuất ngũ không cao. Những nguyên nhân trên khiến công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ còn nhiều khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Dưỡng, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho rằng: Hiện nay, tốc độ phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ở mức cao. Thực tế nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp khá lớn nhưng do lao động trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu nên phần lớn doanh nghiệp vẫn phải tuyển dụng lao động ở tỉnh bạn.

Một số quân nhân mặc dù đã được đào tạo tại các trường nghề nhưng chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhất là các ngành đào tạo theo công nghệ hiện đại. Chính vì vậy, lâu nay vẫn tồn tại tình trạng: doanh nghiệp thiếu lao động, địa phương thừa lao động nhưng vẫn không thể giải quyết được nhiều việc làm mới cho bộ đội xuất ngũ.

Bộ đội xuất ngũ là một trong những lực lượng có sức khỏe và ý thức kỷ luật tốt bởi đã được rèn luyện trong môi trường quân đội. Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ đạt kết quả tích cực, trước hết các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần chủ động tăng cường phối hợp cùng những đơn vị quân đội làm tốt các bước từ khâu thông tin, tuyên truyền để anh em quân nhân xuất ngũ hiểu được giá trị, ý nghĩa của chương trình.

Cùng với đó, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nhu cầu thực tế về lao động, việc làm trên địa bàn, làm cơ sở chính xác để có giải pháp thích hợp trong thực hiện hướng nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm đối với quân nhân xuất ngũ, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ "cung" - "cầu" của thị trường lao động địa phương.

Phương Dung

Phương Dung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy