Viết từ núi Chùa

Thôn Chè Núi, xã Thanh Tâm (Thanh Liêm) cách quốc lộ 1A khoảng 3km, được biết đến là địa điểm xảy ra trận càn lớn ngày 21/5/1954. Gần 200 cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại chân núi Chùa sau trận bom dữ dội của địch đến giờ chỉ mới xác định được tên tuổi 17 người. Tất cả bị vùi lấp lẫn trong đất, rải rác được người dân địa phương tìm thấy một phần thi thể suốt bấy nhiêu năm.

Cuối năm 2016, Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh Hà Nam và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thanh Liêm đã tổ chức khảo sát, xác định vị trí tiến hành khai quật, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ khu vực núi Chùa. Hơn hai mươi ngày tìm kiếm, cất bốc, thi thể nhiều liệt sỹ đã được tìm thấy mang lại niềm vui cho những người dân khu vực và cán bộ chiến sỹ, lực lượng dân quân địa phương tham gia trực tiếp công việc này.

Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại thôn Chè Núi, xã Thanh Tâm (Thanh Liêm). Ảnh: Thế Tuân

Sau gần 10 năm, kể từ  khi Báo Quân đội nhân dân về Chanh Chè tìm hiểu về trận càn ngày 21/5/1954 của quân Pháp nhân dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2009), vùng núi Chanh Chè - Thanh Tâm được nhiều người biết đến hơn. Ý nghĩa của sự kiện này cũng được làm nổi bật trong đời sống văn hóa - xã hội thời gian qua. Tôi trở về thăm núi Chùa nhiều lần, đặc biệt sau khi di tích Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại đây được xây dựng. Núi Chùa nằm yên bình giữa các khu dân cư hai xã Thanh Tâm và Liêm Sơn. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng trận càn tại đây năm 1954 vẫn còn ám ảnh những con người đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 175 cán bộ, chiến sỹ thuộc Trung đoàn 95, Đại đoàn 325. Bấy giờ, rất nhiều người là du kích địa phương. Thời gian trôi qua, nhiều người trong số này đã qua đời, chỉ còn 3-4 người còn sống, trí nhớ không còn rành rọt như trước nhưng vẫn mong ước những thi thể còn lại của 175 con người ngã xuống vùng đất này phải được tìm thấy.

Tôi hay bất kể ai cũng phải rưng rưng khi nghe thấy những điều mong mỏi ấy. Đại úy Vũ Tuấn Anh, Trợ lý Chính trị, phụ trách công tác chính sách, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thanh Liêm là một trong những người tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ theo Đề án 1237 của tỉnh phải bật lên những lời xúc động: Ban đầu về đây tìm hiểu, khảo sát, nắm bắt thông tin về liệt sỹ hy sinh tại khu vực núi Chùa, chúng tôi còn được gặp hơn chục cụ nguyên là du kích địa phương những năm chống Pháp. Đến giờ, họ đã ra đi gần hết, nhưng mong mỏi của các cụ luôn làm chúng tôi phải quyết tâm.

Ông Trần Văn Khoản, nguyên là Trung đội trưởng du kích xã Thanh Tâm, một trong số ít  những nhân chứng còn sống nói rằng, từ năm 2008 trở về trước, chưa có đơn vị nào về tìm lại đồng đội ở đây. Ký ức về trận đánh đó chỉ nằm trong tâm khảm của nhân dân địa phương. Sau năm 2009, khi tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhân chứng trong trận chiến đấu chống càn ở núi Chùa, chiến tích và ký ức đẫm máu mới được khơi nguồn tri ân. Nhân dân Trà Châu thương nhớ các anh, biết ơn các anh chiến đấu ngoan cường bảo vệ nhân dân, bảo vệ xóm làng và hy sinh anh dũng. Thật xót xa khi nhiều cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong trận càn ấy đến giờ chưa tìm thấy thi thể…

Trong ký ức những cựu du kích địa phương như ông Bùi Xuân Miêng, đây là trận càn đã để lại những dấu ấn khó quên. Tối ngày 20/5/1954, ông thấy một đoàn bộ đội chủ lực ở đâu đi về, toàn nói giọng miền Trung, tập kết ở Trà Châu. Sáng sớm hôm sau, quân Pháp bắt đầu càn quét từ bốt Cõi dọc theo dãy núi đất về làng thì gặp bộ đội ta. Hai bên đánh nhau rất dữ dội. Bộ binh của chúng chiếm được đỉnh núi cao, được yểm trợ bởi xe lội nước, xe cóc, đại bác ở các đồn bốt… Chúng quá đông, quá mạnh. Cuộc chiến đấu diễn ra từ 6h sáng đến một rưỡi chiều 21/5 giữa cái nắng nóng như thiêu như đốt. Quân Pháp bỏ chạy về làng Chanh sau khi chúng không thể vào được chân núi. Xe cóc, xe lội nước trên những cánh đồng cũng rút về phía Bình Lục. Nhưng ngay sau đó, quân địch cho máy bay ném bom xuống khe núi Trà Châu, bấy giờ bộ đội ta đang xuống khe núi trú ẩn nên đã bị trúng bom. Khá nhiều người bị chôn vùi dưới lòng đất của khe núi Trà Châu. Đến tối, du kích địa phương cùng nhân dân đi gom xác, chôn cất các anh. Các ông đã phát hiện có một hố bom rất sâu nhưng không rõ ở đó có ai bị chôn lấp không. Mấy ngày sau, mưa rất to, nước từ khe chùa chảy ra, thi hài bộ đội ta trôi theo dòng nước, cách hố bom ấy vài trăm mét. Vài ba tháng sau nữa, những trận mưa lớn tiếp tục đổ xuống, nhiều thi hài lại trôi theo đất, nước từ khe núi xuống. Các bộ phận cơ thể không còn nguyên vẹn... Không ai biết được tên, tuổi các anh thế nào, chỉ biết nhặt những phần thi thể đó mang đi chôn cất ở nghĩa trang.

Ông Miêng, ông Khoản… đều cho rằng, các anh vẫn còn nằm sâu trong đất. Máu xương các anh hòa quyện vào đất và nước Chanh Chè. Hòa bình trở lại lâu rồi, những các anh vẫn nằm đó, yên nghỉ một cách thầm lặng. Chỉ những người còn sống không nguôi trăn trở, không nguôi tiếc thương và chờ đợi.

Cái gì đã nhắc nhớ những người dân nơi đây về sự hy sinh ấy? Qua lời kể của các cán bộ, chiến sỹ trong đội tìm kiếm, khai quật, quy tập hài cốt liệt sỹ (HCLS) theo Đề án 1237 của UBND tỉnh, qua những người dân địa phương, mỗi tấc đất, mỗi con đường quanh khu núi Chùa đều quyện hòa máu xương các anh. Họ vẫn nằm lại đó, thỉnh thoảng có hộ dân đào ao, làm nhà… lại "chạm" vào các anh, tìm thấy một phần thi thể các anh. Các anh đã cho họ một niềm tin tâm linh, một hy vọng sẽ có thể tìm kiếm được thêm nữa. Trung tá Lê Khánh Toàn, Chính trị viên phó, kiêm Chủ nhiệm Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thanh Liêm, Đội trưởng đội tìm kiếm, khai quật quy tập HCLS nói: Trước khi triển khai kế hoạch tìm kiếm, khai quật (tháng 11/2016), chúng tôi đã về đây nắm bắt thông tin, gặp gỡ nhân chứng, khảo sát địa bàn… Người dân Chè Núi nói, họ vẫn tin các anh còn nằm đó. Phạm vi khai quật được xác định sau khi khảo sát xấp xỉ 3.800m2. Trong quá trình làm, các anh phải căn cứ vào tình hình thực tế. Có những chỗ chỉ đào sâu được tới 1,5m đã phải dừng lại, có những chỗ phải đào sâu tới 2,5m. Bởi không có ai biết chính xác chỗ nào có hài cốt, do vậy, lực lượng tìm kiếm, khai quật cứ làm theo kế hoạch thôi.

Những di vật được tìm thấy trong quá trình khai quật, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ tại núi Chùa. Ảnh: Giang Nam

Hơn 20 ngày vất vả, các anh đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía nhân dân, dân quân địa phương nên kết quả đã xác định được 5 điểm có HCLS với nhiều di vật để lại.  Sở LĐ,TB&XH đã lấy mẫu giám định AND HCLS gửi lên các cơ quan chuyên môn Trung ương, xác định danh tính để phục vụ cho việc thăm viếng của nhân dân sau này. Nhìn cả một vùng đất rộng bị đào xới một cách tỷ mỉ, cẩn trọng, tôi cũng có cảm giác các anh đã làm tốt trách nhiệm của mình. Trung tá Lê Khánh Toàn xúc động: Không có tâm thì không làm được. Trước hết phải kể đến nhân dân địa phương, họ sẵn sàng giao đất để tiến hành khai quật. Trong suốt thời gian tìm kiếm, khai quật, các anh được nhân dân quan tâm, chè nước, chăm sóc. Họ luôn bên cạnh, sát cánh để chia sẻ những khó khăn.

Tôi đã nói chuyện với Trưởng thôn Chè Núi Bùi Ngọc Ký, ông nói người dân trong thôn dẫu không thực giàu có, nhưng cũng khá giả và ổn định lắm rồi. Trước đây, Chè Núi chỉ là một làng nhỏ được bao quanh bởi những cánh đồng, nhưng giờ, số dân trong làng đã hơn 170 hộ với trên 560 nhân khẩu. Từ khi ngôi Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ hy sinh trong trận càn ở núi Chùa được xây dựng, tinh  thần của nhân dân trong thôn phần nào được giải tỏa. Hành động báo đáp công ơn những người đã ngã xuống vì nhân dân, vì xóm làng được thực hiện. Sự hiển hiện của ngôi đền cũng ghi dấu một chứng tích lịch sử oai hùng để thế hệ con cháu những anh hùng liệt sỹ không bao giờ quên sự kiện ấy. Đúng như ông Khoản nói: "Hậu thế sẽ hiểu rằng, có độc lập tự do đã phải đổi bằng máu xương của thế hệ cha anh".

Rời Chanh Chè, tôi đã chọn lối đi qua Nghĩa trang Liệt sỹ xã Thanh Tâm. Trên 240 ngôi mộ liệt sỹ vô danh được cất bốc, xây dựng và bảo vệ tại đó. Có thể người thân, gia đình các anh chưa tìm được, nhưng bên các anh lúc nào cũng có bà con nhân dân Chè Núi, nhân dân Thanh Tâm chăm sóc. Các anh đã sống trong trái tim và nỗi nhớ của họ bấy lâu rồi…

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy