Về Hà Nam thưởng vị trà sen cụ Trưởng

Khi nói đến nghệ thuật uống trà người ta hay nhắc tới thú uống trà của người Huế hay người Hà Nội với vẻ thanh lịch, tao nhã và cầu kỳ. Thế nhưng, thương hiệu Trà sen cụ Trưởng An (thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên) khá nổi tiếng hơn nửa thế kỷ qua ở cả vùng đất chiêm trũng Nam Hà cũ không hoàn toàn chỉ vì cách uống, cách chế biến đặc biệt mà còn bởi tình trà cho bạn đường xa.

Nhà giáo Nguyễn An Ninh, con trai cụ Trưởng An là người đã và đang cùng các con cháu phát triển thương hiệu trà sen gần 20 năm qua. Giữ nghề như giữ tâm hồn, giữ quá khứ, ông Nguyễn An Ninh đã nói thế, là vì thực ra trà sen cụ Trưởng An có thể uống trong bốn mùa, tuỳ lòng ẩm khách. 

Ngày trước, trà sen làm được ít, chỉ dùng để đãi khách qua đường chứ không để bán. Nhưng giờ đây, thương hiệu trà nổi tiếng, nhu cầu thưởng thức trè sen cụ Trưởng An ngày một rộng hơn nên gia đình đã phát triển thành nghề làm trà sen. Cách ướp trà vẫn thế, nhưng cách uống trà thì giờ không giống trước nữa.

Ông Ninh trầm tĩnh: "Bố tôi sành về trà và có những ẩm khách cũng sành trà lắm. Nhưng có một vị khách không uống trà theo cách truyền thống mà đến quán trà để gặp gỡ tri ân, tri kỷ nên tự nhiên quán trà trở thành nơi dừng chân của những tao nhân mặc khách. Đó là Nghệ sỹ Nhân dân Tào Mạt (tên thật là Nguyễn Đăng Thục)".

Gia đình ông Nguyễn An Ninh làm trà sen nối nghiệp cụ Trưởng An.

Thật ra, Tào Mạt không nghiện trà và sành trà như các nhà văn, nhà thơ khác, nhưng ông đến với trà sen và gắn bó với cụ Trưởng An bởi một cái duyên sâu xa nào đó. Nhưng rõ dàng, cái duyên của Tào Mạt với trà sen là cái duyên của con người có chung một tâm trạng, cái duyên của những tâm hồn Việt luôn hướng tới sự hoàn mỹ và thanh cao, tự nâng mình lên trên cái "hôi tanh mùi bùn" của cuộc đời.

Khi ngồi với tôi, ông Nguyễn An Ninh nói nhiều đến cảm thức trà. Ông cũng đã đi tìm một thứ ngôn ngữ khác mà con người và thiên nhiên nhờ giao cảm nhau đã gửi vào trà sen, giống như một học giả người Nhật từng phát hiện: "Qua ngụm nước ánh màu hổ phách đựng trong chén sứ tráng men ngà, người sành điệu có thể thưởng ngoạn đồng thời vị ngọt hiền hậu, ung dung của Khổng Tử, chất thâm trầm của Lão Tử và mùi hương thanh khiết lâng lâng của Đức Thích ca Mâu ni".

Ông Nguyễn An Ninh nói: "Từ xa xưa, thưởng thức trà sen là một thú vui tao nhã của các bậc danh nhân quyền quý, các tao nhân mặc khách. Dẫu sen chỉ nở trong một mùa, nhưng hương sen lại thơm cả bốn mùa, làm ngây ngất tâm hồn con người bởi một loại nước uống có tên là trà sen. Khi đi vào lòng người, trà sen làm tinh thần con người có những suy cảm dịu dàng về cuộc sống với những triết lý nhân sinh sâu xa mà thấm thía. Cái đó là tâm sen!".

Tâm sen, không phải là cái mầm xanh non nằm gọn trong hạt mà TÂM là tấm lòng mà con người dành cho sen. Yêu sen đến độ muốn giữ sen sống và tỏa hương trong cả bốn mùa nên phải nghĩ ra cách ướp nó với trà. Đơn giản thôi, nhưng nó là một hành trình ký thác cuộc đời sen vào tâm thức con người.

Cụ Trưởng An sống trọn thế kỷ 20, trải qua những thăng trầm lịch sử cụ đã tận mắt chứng kiến cảnh những người dân Việt Nam "rũ bùn đứng dậy sáng lòa". Họ bình dị trong cuộc sống nhưng kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh. Giống như loài sen, bật lên từ bùn đen để tỏa ngát hương thơm cho tự nhiên. Giữa sen và con người có sự liên quan về tính cách, phẩm giá. Sen là thứ tạo hóa ban tặng cho con người, cho tự nhiên, có giá trị cao quý về cả vật chất và tinh thần. Con người đối xử với sen cũng phải bằng tấm lòng trân trọng hơn thế.

Vào vụ sen, cả gia đình ông Nguyễn An Ninh tất bật với công viêc làm trà.

Cụ Trưởng An đã truyền lại cái tâm của mình với sen, trà sen cho các con trai. Ông cụ có ba người con, con trai trưởng là Nguyễn An Hòa, con trai thứ là Nguyễn An Ninh, con trai thứ 3 là Nguyễn An Định (tức cố Nhà báo Chu Thượng).

Khi còn sống, ông cụ mở một quán nước ven quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, chuyên bán nước trà sen. Gọi là bán cho vui, chứ kỳ thực bấy giờ, quán trà là nơi để các nho sỹ, các tao nhân mặc khách hội tụ thưởng trà và làm thơ. Ông cụ lấy tên quán là Trưởng An là lấy tên con trai trưởng của cụ. Nghệ sỹ Tào Mạt đã yêu cái phong cảnh ấy, con người ấy và quyến luyến với hương vị trà mộc mạc đến độ "cháy lưỡi khô môi thảm những mùi". Trà sen Trưởng An cho nghệ sỹ sự thăng hoa, để thấu cảm nỗi đời. Trà sen Trưởng An từ đó có tâm trạng riêng, có cốt cách riêng.

Ông Ninh kể rằng, bố ông ướp trà sen bằng trà Mạn Hảo của Hà Giang. Loại trà có nước đỏ thẫm, dịu ngọt không chát như chè Thái. Ướp sen vào khi pha cho ta cảm giác như đang đứng trước một hồ sen muôn hoa đang hàm tiếu. Cả năm, cụ Trưởng An chỉ có thể làm được vài cân trà chứ không phải hàng tấn trà như con cháu cụ hôm nay. Nhà xưởng, kỹ thuật phụ trợ đã giúp con người tranh thủ được thời gian và làm được nhiều trà hơn trước. Tất cả những ao đầm bỏ không xưa kia ở vùng Duy Minh, Duy Hải, Đồng Văn, Bạch Thượng nay đều trở thành những đầm sen lớn. Vào thời vụ, các gia đình hái sen đem bán cho chủ làm trà với giá từ 500 đồng đến 1.000 đồng một bông sen bạch diệp.

Trà sen cụ Trưởng An trở thành thứ đặc sản quê tinh tế của người Hà Nam hôm nay. Cả bốn mùa, trà sen mang đến cho con người một thứ tình ấm áp, bởi giữa đông lạnh, xuân ẩm người ta vẫn tìm thấy chút hương vị mùa hạ. Có lẽ vì sâu lắng như thế nên khi viết trà sen, nhà thơ Vũ Hoàng Chương mới có những vần thơ tuyệt tác: "Nâng chén mừng anh thưởng vị trà/ Đừng quên tan tác mấy đời hoa/ Cạn từng lớp nhỏ cho sen đượm/ Vớt lại trần ai một chút ta".        

Có mấy ai biết rằng chén trà sen đầy dư vị ấy cho ta những nỗi nhớ ngọt ngào về quá khứ. Đó là tuổi thơ, là ao sen mùa hạ, là những cánh sen mong manh trong nắng và con mắt biếc đưa tình trong trẻo như hồ nước thu này… Đó là những khoảnh khắc đẹp đẽ của sen khi nở, khi tàn làm thi hứng của biết bao thi nhân, nghệ sỹ cất cánh: "Lá sen tàn tạ trong đầm/ Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa/ Sắc đâu nhuộm ố quan hà/ Cỏ cây vàng đỏ bóng tà tà dương…".

Giang Nam

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy