Sông Thiên Mạc xưa và nay

Vùng đất phía bắc huyện Duy Tiên có nhiều nhánh sông mà từ lâu đã được gọi bằng một cái tên chung: Sông Châu (Châu Giang). Ít ai biết rằng một trong những nhánh sông hiện đang cùng mang tên gọi chung đó có những nhánh đã từng mang một cái tên riêng - sông Thiên Mạc (Thiên Mạc giang).

Thiên Mạc - Châu Giang đoạn chảy qua thị trấn Hòa Mạc.

Theo Dư địa chí Hà Nam, Thiên Mạc là tên con sông ngắn Mang Giang đã cạn từng phần. Sở dĩ mang tên Thiên Mạc là bởi sông chảy qua địa phận hương Thiên Mạc, nay là thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên(*). Dòng Thiên Mạc nối liền sông Hồng với sông Đáy mà điểm bắt đầu là từ ngã ba Gọng Vó (cửa sông giáp ranh giữa Lỗ Hà, Chuyên Ngoại, Duy Tiên với Chính Lý, Lý Nhân) rồi qua Trác Văn, Hòa Mạc, Yên Nam, Văn Lý, Tiên Phong, Tiên Hải, Lam Hạ đến cửa Lạc Tràng, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý. Thiên Mạc cũng là chi lưu nối liền sông Hồng với sông Nhuệ (từ ngã ba Gọng Vó, Chuyên Ngoại qua Trác Văn, Hòa Mạc sang Yên Bắc rồi ngược lên Bạch Thượng và thông ra ngã ba Cầu Giẽ, Phú Xuyên, Hà Nội). Ngoài hai nhánh chính, trước đây Thiên Mạc còn có một chi lưu nhỏ bắt đầu từ nhánh chính ở điểm Cầu Giát (Chuyên Ngoại) ngược lên Đông, Đoài, Chuôn, Nguộn của trang Trác Bút (nay là xã Châu Giang) trước khi hòa lại vào nhánh chính rồi đổ ra cửa Cầu Giẽ. Tuy nhiên, nhánh Thiên Mạc nhỏ này đã bị bồi lấp, cạn từng đoạn không còn hiện hữu. Trong hồ sơ di tích đền, chùa xã Châu Giang (Bảo tàng tỉnh Hà Nam biên soạn) còn lưu lại những câu thơ được dịch theo nghĩa bài thơ cổ của Trung Thành Phổ Tế Đại vương (Danh tướng thời Hùng Vương đang được phụng thờ tại Châu Giang) nói về nhánh sông Thiên Mạc này. Thơ rằng: "Trang Trác Bút có sông Thiên Mạc/Với cung đình muôn thuở huy hoàng/Vua tôi cùng lập thời oanh liệt/Bên điện uốn vòng nước chứa chan".

Từ vị trí hết sức hiểm yếu trên đây nên sông Thiên Mạc luôn được nhắc đến cùng những chiến tích oai hùng trong chiều dài lịch sử đấu tranh giữ nước, đặc biệt là trong chiến thuật bố phòng, tiến thoái chiến lược, điều binh, khiển tướng linh hoạt, tài tình của vua tôi nhà Trần trong kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Trong kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất (1258), để tránh thế giặc mạnh, tranh thủ xây dựng căn cứ, củng cố thực lực và chọn thời điểm phản công thích hợp, vua tôi nhà Trần đã rời kinh thành Thăng Long theo dòng Tô Lịch xuôi về sông Nhuệ đến ngã ba Cầu Giẽ vào sông Thiên Mạc ra cửa Gọng Vó để theo sông Hồng lui xuống hành cung Thiên Trường (Nam Định). Sông Thiên Mạc vì thế là nơi đồn trú quân, nơi xây dựng một số chốt chặn quan trọng của vua tôi triều Trần trên chặng đường rút lui chiến lược. Trong kháng chiến chống đế quốc Mông Cổ lần thứ hai (1285), vua tôi nhà Trần lại làm cuộc lui binh chiến lược, rời kinh thành Thăng Long theo sông Tô Lịch, sông Nhuệ, vào sông Thiên Mạc ra cửa Gọng Vó rồi xuôi theo dòng đại hà về căn cứ Thiên Trường. Trên đường lui binh, quân ta dựa vào những chốt chặn đã xây dựng trước đó để bố trí trận địa mai phục cản bước giặc. Sông Thiên Mạc là nơi diễn ra một số trận đánh lớn, nơi ghi danh những tấm gương hy sinh anh dũng của người dân Hà Nam, trong đó tiêu biểu là danh tướng Trần Bình Trọng (hậu duệ của Lê Đại Hành hoàng đế, quê Bảo Thái, Liêm Cần, Thanh Liêm). Trong trận chiến cản chân quân xâm lược ở bãi sông Đà Mạc (đoạn sông Thiên Mạc chảy qua Châu Giang, Duy Tiên) ông đã hy sinh anh dũng cùng câu nói bất hủ "Thà làm ma nước Nam chứ không làm vương đất Bắc". Thiên Mạc cũng là nơi ghi dấu trận chiến quan trọng đánh chiếm đồn giặc tại A Lỗ (Lỗ Hà, Chuyên Ngoại), mở đầu cuộc phản công chiến lược của vua tôi nhà Trần giành lại kinh thành Thăng Long và truy đuổi giặc xâm lược ra khỏi bờ cõi phía Bắc. 

Như đã nói ở trên, trước đây điểm hợp lưu giữa sông Thiên Mạc với sông Hồng được dân trong vùng gọi là ngã ba Gọng Vó nhưng do các đê trị thủy sông Hồng, sông Châu nhiều năm bị vỡ, không thể khắc phục kịp, gây nên cảnh lũ lụt triền miên nên đầu thế kỷ XX, chính quyền bảo hộ của người Pháp đã cho đắp đê chặn cửa sông Thiên Mạc và bố trí xây cống ở đây để có thể chủ động đóng mở, điều tiết nước. Sau này, cống bị hư hỏng, không còn tác dụng nên thực dân Pháp cho đắp đê chặn hẳn lại. Từ đó, Thiên Mạc còn có tên Tắc Giang. Với nhánh phụ của dòng Thiên Mạc từ Cầu Giát ngược lên Trác Bút trang sau nhiều năm bị bồi lắng không những được phong trào thủy lợi những năm thực hiện chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp hồi sinh mà còn được nối dài thêm bởi đoạn sông đào từ Châu Giang ngược ra Lảnh Trì, Mộc Nam thông với sông Hồng bởi cống qua đê. Nhờ vậy, hằng năm người dân nơi đây có thể chủ động lấy nguồn nước mang nhiều phù sa từ dòng đại hà tưới mát cho những cánh đồng vùng phía bắc Duy Tiên.

Sau tái lập tỉnh (1997), chủ trương khôi phục hệ thống Tắc Giang nhằm tăng tính chủ động trong vận hành các công trình thủy lợi, phục vụ nông nghiệp và xử lý môi trường đã được triển khai. Năm 2011, công trình thủy lợi Tắc Giang hoàn thành với việc xây dựng mới cống, âu thuyền tại cửa Gọng Vó (Chuyên Ngoại), cửa Lạc Tràng (thành phố Phủ Lý), nối thông sông Hồng với sông Đáy. Các nhánh Thiên Mạc, Châu Giang nối thông sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ theo nhiều hướng, tạo sự liên hoàn trong điều tiết tưới, tiêu, góp phần làm nên sự chuyển dịch mạnh mẽ của nông nghiệp Duy Tiên, Lý Nhân. Thiên Mạc, Tắc Giang tạo nên sự trù mật, thanh bình của những vùng đồng bãi nhiều sản vật thơm ngon có tiếng bao đời mà gần đây nhất là vùng chuyên canh cây nông sản giá trị kinh tế cao Trác Văn, Chuyên Ngoại, Châu Giang, Mộc Nam... Thiên Mạc, Tắc Giang cũng tạo thế thông thương xuôi ngược thuận tiện, hình thành nên sự nhộn nhịp, sôi động của những làng nghề truyền thống ở Duy Tiên, Lý Nhân mà từ lâu đã thành quen thuộc với nhiều người: dệt lụa Nha Xá, Quan Phố, ươm tơ Từ Đài, trống Đọi Tam, bánh đa làng Chều, trồng dâu nuôi tằm Tiên Phong, Văn Lý… Dân cư ven các nhánh sông Thiên Mạc, Tắc Giang trước kia thưa thớt nay đã hầu như phủ kín, tạo nên những thị trấn, thị tứ, xóm làng, bến bãi đông vui, sầm uất, tạo nên sự khởi sắc, thanh tân cho diện mạo các vùng quê nông thôn mới. 

Thiên Mạc in dấu tích oai hùng trong chiến tranh dựng nước, giữ nước,  thanh bình, trù mật trong cuộc sống dựng xây, kiến thiết nay đang bừng lên sức sống mãnh liệt trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Thế Vĩnh

(*) Địa danh hương Thiên Mạc (thuộc tổng Trác Bút, huyện Nam Xương, phủ Lỵ Nhân, tỉnh Hà Nội) đã tồn tại từ thời Lý - Trần. Năm Tự Đức thứ 6 (1853), do kiêng chữ nên triều đình cho đổi Thiên thành Hòa, từ đó Thiên Mạc chuyển thành Hòa Mạc đến ngày nay.

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.