Quen và lạ vùng đất Tầu Giang

Nói rằng quen bởi Tầu Giang, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) có nét thân thuộc, gần gũi như bao làng quê khác, chẳng xa xôi, cách trở, địa thế cận kề dòng Châu Giang xanh mát. Nhưng quen mà lạ bởi đất ấy, quê ấy tuy là vùng thuần nông, ít nghề nhưng đã bao đời nay lặng thầm lưu giữ, kế truyền bề dầy lịch sử cùng nét đẹp văn hóa đặc sắc, riêng có khuất ẩn trong bao lề tục truyền thống xưa.

Tầu Giang quen mà lạ. Đình Tầu Giang cũng như bao mái đình làng quê đồng bằng châu thổ sông Hồng nhưng nét khác lạ ở chỗ ngôi vị thành hoàng mà dân đất này bao đời thành tâm tôn kính đều là những nhân thần có công với nước từ thuở bình minh khai thiên, lập quốc.

Theo thần tích truyền lại, đình làng Tầu Giang thờ tam vị Đại vương: Cao Sơn, Đức Chính, Hoàng đệ Câu Mang đều là những nhân thần danh tiếng lẫy lừng thời Hùng Vương dựng nước. Trải qua bao biến cố, thăng trầm lịch sử, ngôi đình cổ Tầu Giang tọa trên gò đất cao, trông ra dải Châu Giang mát xanh dòng chảy, thuần ngọt muôn lớp phù sa luôn là biểu tượng tự hào của người dân đất này về chiều sâu, bề dầy lịch sử, văn hóa truyền thống quê hương.

Và người dân Tầu Giang càng tự hào, phấn khởi hơn khi vào tiết hạ năm Mậu Tuất 2018 vừa qua, cụm di tích đình, đền, chùa làng được chính thức xếp hạng "Di tích kiến trúc nghệ thuật và lịch sử".

Làng quê Tầu Giang ngày càng đổi mới.

Tầu Giang quen mà lạ. Hội làng Tầu Giang hằng năm từ xa xưa đến nay vẫn được trân trọng gìn giữ, lưu truyền thành lệ vào hai ngày: 20 tháng 6 (ngày Hoàng Đệ Câu Mang Đại Vương hóa thánh) và mùng 10 tháng 11 (ngày đồng sinh nhị vị thành hoàng: Cao Sơn, Đức Chính Đại Vương). Lệ làng Tầu Giang từ bao đời nay định rằng: nửa tháng trước ngày mở hội, bốn giáp (Đông, Tây, Nam, Bắc) tiến cử những bậc cao niên cốt cách đức độ, gia thất đề huề, thay mặt dân làng mở cửa đình, đền, chùa, bao sái đồ thờ, chuẩn bị nghi lễ, luyện tập đội tế…

Tiếp đó, các phe giáp cắt cử người quét dọn, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Chiều trước ngày "vào đám", các cụ chủ tế, tiên chỉ, cao niên tắm gội chay tịnh, ăn vận chỉnh tề, cung kính làm lễ yết cáo, xin phép Phật, thần, thành hoàng cho dân làng mở hội. Buổi tối phường chèo, gánh hát của Tầu Giang và các làng bên, xã bạn hân hoan, mê mải cùng nhau diễn xướng những tích chèo cổ, tuồng cổ, ca trù.

Sáng ngày chính hội, ngay từ sớm bốn giáp trong làng đã hoàn tất việc sửa biện mỗi giáp một mâm lễ thanh tịnh, tinh khiết mang phong vị dân dã nhưng không kém phần cầu kỳ với: xôi trắng, thủ lợn, trầu, rượu, bánh trái, hoa quả, hương, đăng… để kính cẩn dâng lên ban công đồng nơi năm gian tiền tế, tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân công đức các vị thần.

 Đúng đầu giờ Mão, hương lý chức sắc, bô lão, dân làng theo vai vế, thứ bậc trước sau, trên dưới đã chỉnh tề thành đoàn rước với đủ cả chiêng, trống, bát âm, bát bửu, cờ quạt, lọng, tàn… thành kính cung nghinh cỗ kiệu bát cống, cỗ kiệu long đình có bài vị, chân nhang các vị thần, thành hoàng… đi một vòng quanh làng, ra đường cái (nay là quốc lộ 38B) rồi trở về đình. Về tới sân đình, chủ tế, hương lý chức sắc cung kính rước bài vị, chân nhang từ kiệu vào ba gian hậu cung để các đội tế tiến hành nghi thức lễ thánh tam tuần.

Cuối giờ Thìn, các đội tế của làng tiếp tục trịnh trọng tiến hành khai tế với đủ những nghi trình trang trọng nhất. Trong khi đó, ngoài sân đình, dân các phe giáp, dòng họ người tất bật sửa biện lễ vật tế thánh, người tíu tít chuẩn bị làm cỗ khao làng, người náo nức hùa theo hội thi bơi chải trên sông Châu.

Tàn tuần lễ thánh, vừa hết cuộc thi bơi chải cũng đúng đầu giờ Ngọ, chức dịch, kỳ lão, họ tộc dân làng bốn giáp quây quần vui vẻ cùng thụ lộc, thưởng cỗ tại sân đình. Sang chiều, hội làng Tầu Giang lại náo hoạt, sôi động bởi các trò: leo cầu khỉ, chơi cờ tướng, kéo co, bịt mắt đánh trống, bắt vịt trong ao… Cuối chiều xế bóng, chủ tế, chức sắc khăn áo chỉnh tề thành kính lễ tạ Phật, thần, thành hoàng, đóng cửa đình, đền, chùa, kết thúc lễ hội và giao ước, hẹn hò "vào đám" mùa sau.     

Tầu Giang quen mà lạ. Trong vốn sản vật bốn mùa của dải đất ven bến Châu Giang tuy không có món sơn hào hải vị độc đáo, qúy hiếm nhưng lề tục nếp cũ về quan niệm, cách thức trong phong vị ẩm thực của người Tầu Giang lại có những nét lạ không kém phần thú vị. Bởi thế nên nếu ai đó từ phương xa tới Tầu Giang hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi câu nói cửa miệng từ các cụ cao niên trong làng mà từ lâu đã thành một "công thức" vui vui trong nếp sinh hoạt: "Cỗ xã ngồi sáu, cỗ nhà ngồi năm". "Cỗ xã" ở đây được hiểu là cỗ của việc công, cỗ của làng xã thết đãi, khao vọng.

Còn "cỗ nhà" là cỗ dùng cho việc riêng của tư gia, dòng tộc. Và không ai biết từ bao giờ, cũng không ai hiểu vì sao mà các vị tiền nhân đất này lại đặt ra, rồi gìn giữ, lưu truyền rất nghiêm ngặt tục lệ: "Cỗ xã ngồi sáu, cỗ nhà ngồi năm" độc đáo ấy. Vậy nên nếu đã là người thạo thuộc lề tục đất Tầu Giang hẳn sẽ biết ngay một câu nói cửa miệng khác: "Giò Tầu Giang dùng mũi dao để xắt miếng".

Chả là: cỗ ngồi năm người, khoanh giò chia năm nên "thợ" làm cỗ phải dùng mũi dao chích thật khéo để có được đĩa giò vừa đều, vừa đẹp. Còn xắt giò cho mâm cỗ sáu đơn giản hơn, có thể dùng cả lưỡi dao mà vẫn dễ dàng chia sáu phần bằng nhau theo đúng lệ. 

Tầu Giang quen mà lạ. Nằm ở vị trí địa lý thuộc cốt đất thấp vùng chiêm trũng nhưng Tầu Giang may mắn hơn nơi khác là được thừa hưởng một phần lợi thế đồng bãi với lớp phù sa quý giá cùng dòng nước ngọt mát sông Châu. Chẳng biết có phải được ở vào vị trí đắc địa ấy không mà bao đời nay, 900 nhân khẩu người dân Tầu Giang có tiếng là thuần hậu, chăm chỉ, giỏi giang, tháo vát với ruộng đồng, mùa vụ, thạo thuộc với ngón nghề chài lưới sớm hôm.

Và trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới hôm nay, các hộ nông dân Tầu Giang được xa gần biết đến bởi tài khéo của ngón nghề trồng dưa, bí đỏ, bí xanh… cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao cả trên chân đất chuyên màu cũng như đất hai lúa. Thật phấn khởi khi biết rằng năm 2018 này tỷ lệ hộ nghèo ở Tầu Giang chỉ còn chưa đến 3%. Trên 8 cây số đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới. Nhà văn hóa Tầu Giang hoàn thành từ năm 2008 trên khuôn viên gần 800 m2 kề bên trục đường làng trông ra dòng Châu Giang thoáng mát.

Nét quen mà khách xa đến với Tầu Giang rất dễ nhận thấy hôm nay là bóng đa cổ kính tỏa bóng bên mái đình làng cùng tòa tháp chuông trầm mặc, uy nghiêm của nhà thờ công giáo, là bà con các họ tộc dù lương hay giáo bao năm nay luôn đoàn kết, thuận lòng cùng nhau xây dựng cuộc sống. Những dịp lễ trọng trong tín ngưỡng hằng năm, bà con lương giáo Tầu Giang đều trân trọng mời nhau cùng dự, cùng giao kết nghĩa tình và cầu mong cho những điều hướng thiện, tốt đẹp.

Tầu Giang quen mà lạ, bởi trong đôi nét khác lạ, riêng có vẫn thấy quá đỗi thân quen, gần gũi. Nét quen thuộc quyện hòa trong khác lạ, vốn truyền thống lâu đời tốt đẹp tiếp nối cùng nhịp sống mới văn minh, tiến bộ sẽ là động lực, niềm tự hào để bà con các xóm ngõ, dòng tộc Tầu Giang thêm tự tin, đồng lòng hướng tới những khởi sắc, phát triển cao hơn, bền vững hơn.

Thế Vĩnh

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.