Quê hương mãi lưu danh võ tướng Trần Bình Trọng

Cùng với biệt danh "Thánh địa Bảo Thái" nổi tiếng, gắn với vương triều Tiền Lê lừng lẫy, vùng đất Bảo Thái (Liêm Cần, Thanh Liêm) còn gắn liền với tên tuổi một võ tướng nổi danh với câu nói bất hủ đã mấy trăm năm nay được nhân gian lưu truyền, ca tụng: "Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" - Võ tướng Trần Bình Trọng.

Võ tướng Trần Bình Trọng sinh năm 1259, vốn dòng dõi vua Lê Đại Hành, quê Bảo Thái (còn gọi là Ninh Thái). Ông nội Trần Bình Trọng đã từng làm quan có nhiều công lao dưới triều Trần, được vua Trần Thái Tông (1218- 1277) rất mực yêu mến ban quốc tính cho đổi họ theo họ vua.

Nối tiếp nghiệp ông cha, theo phò nhà Trần, võ tướng Trần Bình Trọng cũng là một trung thần có công lớn, được vua yêu mến phong tước Bảo Nghĩa Hầu. Đầu năm 1258, khi quân Nguyên tràn sang, trước thế giặc mạnh, vua tôi triều Trần tính kế tạm rời khỏi kinh thành Thăng Long để bảo toàn lực lượng, tranh thủ xây dựng căn cứ, củng cố thực lực và chọn thời điểm phản công thích hợp.

Vua tôi nhà Trần dời kinh thành Thăng Long theo dòng Tô Lịch xuôi về sông Nhuệ đến ngã ba Cầu Giẽ vào sông Thiên Mạc(*) ra cửa Gọng Vó để theo sông Hồng lui xuống hành cung Thiên Trường (Nam Định). Sông Thiên Mạc vì thế là nơi đồn trú quân, nơi xây dựng một số chốt chặn quan trọng của vua tôi triều Trần trên chặng đường rút lui chiến lược.

Trong kháng chiến chống đế quốc Nguyên Mông lần thứ hai (1285), vua tôi nhà Trần lại làm cuộc lui binh chiến lược, dời kinh thành Thăng Long theo sông Tô Lịch, sông Nhuệ, vào sông Thiên Mạc ra cửa Gọng Vó rồi xuôi theo dòng Đại hà về căn cứ Thiên Trường. Trên đường lui binh, quân ta dựa vào những chốt chặn đã xây dựng trước đó để bố trí trận địa mai phục cản bước giặc. Lần lui quân chiến lược thứ hai, võ tướng Trần Bình Trọng là một trong những thuộc hạ thân tín được vua Trần tin tưởng trao trọng trách ở lại tìm cách kìm bước tiến công của lũ ngoại bang để Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đưa vua Trần cùng Thái Thượng Hoàng ra vùng Hải Đông, chuẩn bị lực lượng và tính kế chống giặc.

Đền Lăng (xã Liêm Cần, Thanh Liêm) nơi phát tích nhà tiền Lê - Dòng dõi Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng. Ảnh: Đan Vũ

Nhận mật lệnh vua ban, ngày 21 tháng Giêng năm Ất Dậu 1285, võ tướng Trần Bình Trọng trực tiếp chỉ huy một cánh quân chặn đánh quân Nguyên ở bãi Đà Mạc (còn có tên bãi Màn Trò, nay thuộc địa phận Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên, gần với Mộc Bắc, Châu Giang (Duy Tiên) và dòng sông Thiên Mạc chảy qua.

Trước thế giặc mạnh, quân tướng Trần Bình Trọng không may lâm vào thế cùng, bị vây ráp, tiêu hao nhiều binh lực và cuối cùng vị võ tướng trẻ tuổi Trần Bình Trọng bị sa vào tay giặc. Biết danh tiếng của Bảo Nghĩa Hầu, quan quân Nguyên Mông ra sức dụ dỗ, mua chuộc, khuyên ông đầu hàng thì sẽ phong tước vương ở Bắc quốc. Trần Bình Trọng khẳng khái: "Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc". Biết không thể lôi kéo, mua chuộc được Bảo Nghĩa Hầu, quân giặc đã bí mật sát hại ông một cách hèn hạ. Lúc đó, võ tướng Trần Bình Trọng mới tròn 26 tuổi.

Cảm kích trước tấm lòng trung liệt, bất khuất của vị tướng trẻ tài ba, dũng lược, vua Trần Thái Tông sau đó đã truy phong Trần Bình Trọng là Bảo Nghĩa Vương. Các triều đại sau này cũng đều có những danh nhân ca ngợi, lưu truyền danh tiếng Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng. Đầu thế kỷ XX, nhà nho, nhà văn, nhà báo Phan Kế Bính (1875 - 1921) đã có bài thơ ca tụng rất xúc động về võ tướng Trần Bình Trọng: "Giỏi thay! Trần Bình Trọng/ Dòng dõi Lê Đại Hành/ Đánh giặc dư tài mạnh/ Thờ vua một tiết trinh/Bắc vương sống mà nhục/ Nam quý thác cũng vinh/ Cứng cỏi lời trung liệt/ Nghìn thu tỏ đại danh.

Tự hào, ghi nhớ công ơn võ tướng Trần Bình Trọng, dân gian vùng Bảo Thái, Liêm Cần, Thanh Liêm nhiều đời sau vẫn từng lưu truyền câu ca: "Chuông chùa Động, trống đình Ngái, trai Ninh Thái, gái Bình Khê". Câu ca được hiểu là: Chuông chùa Động tiếng vang vọng, ngân xa; trống đình Ngái rền vang, rung động; trai Ninh Thái khỏe mạnh, dũng cảm; gái Bình Khê đảm đang, tháo vát, sắc sảo(**).

Xã Liêm Cần, Thanh Liêm. Ảnh: Google Maps

Một nhánh dòng Thiên Mạc cổ nối liền Nhuệ Giang qua Bạch Thượng, Yên Bắc, về Hòa Mạc ngược lên Đông, Đoài, Chuôn, Nguộn của trang Trác Bút xưa (nay là xã Châu Giang) rồi thông ra sông Hồng, ngang với phía bên kia Hưng Yên là bãi Đà Mạc (Khoái Châu, Hưng Yên) đã trở thành địa danh lịch sử ghi dấu trận chiến oai hùng cùng tiếng thơm về vị võ tướng trẻ tuổi Trần Bình Trọng. Gần bãi Đà Mạc - nơi Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng anh dũng hy sinh còn có một địa danh ghi dấu trận chiến quan trọng đánh chiếm đồn giặc tại A Lỗ (Lỗ Hà, Chuyên Ngoại), mở đầu cuộc phản công chiến lược của vua tôi nhà Trần giành lại kinh thành Thăng Long và truy đuổi giặc xâm lược ra khỏi bờ cõi phía Bắc.

Vùng đất mang dấu tích lịch sử này bao đời nay được biết đến là dải đồng bãi ven sông Hồng trù mật, thanh bình với vô số sản vật thơm ngon có tiếng (nhãn lồng, hạt sen…), nhiều làng nghề truyền thống có tiếng (dệt lụa Nha Xá, Quan Phố, ươm tơ Từ Đài, trồng dâu nuôi tằm Tiên Phong, trống Đọi Tam, ươm cá bột Lảnh Trì…).

Cùng với vùng địa linh Bảo Thái, Liêm Cần, dân cư ven các nhánh sông Thiên Mạc, Châu Giang, sông Hồng… bao đời nay vẫn hằng khắc ghi, ca tụng khí tiết bất khuất, gương hy sinh anh dũng cũng như những công lao, đóng góp to lớn của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng với quê hương, đất nước.

Thế Vĩnh

__________________________________________

(*) Sông Thiên Mạc (Thiên Mạc Giang) nối liền sông Hồng với sông Đáy, điểm bắt đầu là từ ngã ba Gọng Vó (Lỗ Hà, Chuyên Ngoại, Duy Tiên và Mạc Thượng, Chính Lý, Lý Nhân) qua Trác Văn, Hòa Mạc, Yên Nam, Văn Lý, Tiên Phong, Tiên Hải đến cửa Lạc Tràng, phường Lam Hạ, TP. Phủ Lý.

(**) Chùa Động, đình Ngái là nơi trước đây (năm 960), Lê Đại Hành từng luyện quân trước khi tụ nghĩa dưới cờ Đinh Bộ Lĩnh; làng Ninh Thái quê gốc sinh ra võ tướng Trần Bình Trọng; làng Bình Khê là quê vợ võ tướng Trần Bình Trọng. 

Thế Vĩnh, Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.