Nức tiếng bánh đa Kiện Khê

Là một trong những món ăn đặc sản của quê hương Hà Nam, bánh đa Kiện Khê (thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm) hiện không chỉ được nhiều người dân trong tỉnh biết đến mà còn nổi tiếng ở các tỉnh, thành lân cận. Chính bí quyết làm nghề cùng với các nguyên liệu gạo, lạc, vừng, dừa… được chọn lọc kỹ càng đã làm nên hương vị đặc trưng của bánh đa Kiện Khê.

Được sấy khô bằng ánh nắng tự nhiên làm cho bánh đa Kiện Khê thơm, ngon hơn. Ảnh T.L

Trao đổi với ông Trần Quyết Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê được biết, không ai rõ nghề làm bánh đa ở địa phương có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ kể lại là làng nghề đã tồn tại, phát triển trên một thế kỷ. Cho đến nay, các hộ làm nghề vẫn được duy trì và phát triển. Do nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm bánh đa Kiện Khê tăng cao nên số hộ làm bánh cũng tăng gần gấp hai lần so với thời điểm 5 năm trước. Hiện, bánh đa được làm nhiều ở tiểu khu Kiện và tiểu khu Ninh Phú với trên 20 hộ tham gia sản xuất. Bảo đảm số lượng bánh xuất ra thị trường trong những ngày mưa, hiện hầu hết các hộ làm nghề đều mua máy sấy bánh. Một số hộ còn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy tráng bánh nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm thời gian lao động.

Qua tìm hiểu được biết, sở dĩ bánh đa Kiện Khê được nhiều người yêu thích là bởi bánh thơm, giòn, béo ngậy và đậm đà hơn những nơi khác. Có được điều đó là do thợ làm bánh kỹ càng, cẩn thận trong từng khâu chế biến, đặc biệt là việc chọn gạo và một số nguyên liệu khác như vừng, lạc, dừa…

Anh Trương Văn Hoàn, chủ một cơ sở sản xuất bánh khá lớn ở tiểu khu Ninh Phú cho biết: Gia đình tôi đã làm bánh, đến nay được ba thế hệ. Nghề này không nặng nhọc nhưng nếu không có sức khỏe thì không thể duy trì được. Đã chục năm theo nghề ông cha để lại, ngày nào hai vợ chồng tôi cũng phải dậy từ 1-2 giờ sáng tráng bánh cho kịp phơi buổi sáng. Trước đây, hầu hết các công đoạn làm bánh đều thực hiện thủ công, từ xay nguyên liệu cho đến tráng bánh, phơi bánh. Do đó, mỗi ngày gia đình chỉ làm được vài ba trăm chiếc rồi lại phải trực tiếp đi đổ hàng cho các đại lý, cửa hàng trong và ngoài huyện. Bây giờ đã có máy xay lạc, máy sấy bánh và máy tráng bánh nên năng suất và hiệu quả hơn. Hiện bình quân mỗi ngày, gia đình làm trên 1 tạ gạo, xuất ra thị trường hơn 1.000 chiếc bánh các loại. Bánh làm ra đến đâu hết ngay đến đó, thậm chí nhiều khi không có bánh để bán. Vài ba năm gần đây, không chỉ các cửa hàng ở trong tỉnh đặt mua mà ngay cả khách hàng ở các tỉnh như Hà Nội, Ninh Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Hải Phòng… cũng đi ô tô về lấy bánh.

Ở thị trấn Kiện Khê, ngoài các hộ tham gia sản xuất bánh, hầu hết các cửa hàng tạp hóa, quán nước đều bày bán sản phẩm bánh đa Kiện Khê với mức tiêu thụ hàng nghìn chiếc mỗi ngày. Cũng như gia đình anh Hoàn, với nhiều hộ dân ở tiểu khu Ninh Phú và tiểu khu Kiện, trước đây, làm bánh đa được coi là nghề phụ lúc nông nhàn nhưng giờ đây, nghề làm bánh đa đã trở thành nghề chính, mang lại nguồn thu nhập khá, nuôi sống gia đình.

Dù mới tham gia làm nghề được hai năm nay nhưng bánh đa của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu khu Kiện đã nức tiếng khắp vùng và được nhiều cửa hàng tạp hóa ở địa phương đặt mua để bán cho khách qua đường. Theo chia sẻ của chị Hoa, làm bánh đa không có công thức chung nào cả. Ở Kiện Khê có nhiều hộ làm bánh nhưng mỗi cơ sở, mỗi gia đình lại có một bí quyết riêng trong cách pha chế bột, sử dụng gia vị… để tạo ra sản phẩm đặc trưng của mình. Có người thì pha thêm chút bột mỳ cho có độ nở, phồng, có hộ thì chỉ sử dụng gạo nguyên chất để bánh giữ được độ ngậy và thơm lâu hơn. Với những khách hàng quen, họ chỉ cần nếm bánh đa là có thể nhận ra ngay đó là bánh đa do gia đình nào làm ra.

Bánh đa Kiện Khê

Tuy nhiên, để có một chiếc bánh đa ngon, người làm bánh vẫn cần phải chọn loại nguyên liệu chất lượng nhất và phải trải qua nhiều công đoạn như ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, nướng bánh, phơi bánh. Tùy theo sở thích của khách hàng, ngoài vừng, lạc giã dập được rắc kín mặt bánh, người ta còn rắc thêm dừa thái sợi để tăng thêm vị bùi, béo cho bánh.

Theo người thợ làm bánh Kiện Khê, đối với bánh đa, công đoạn nào cũng đòi hỏi người làm tỉ mỉ, khéo léo. Bột phải được pha nước sao cho có độ sánh vừa phải. Khi tráng bánh, phải điều tiết nhiệt độ cho bánh chín nục thì khi nướng lên ăn mới giòn. Khâu nướng bánh cũng cần có kỹ năng, kinh nghiệm, phải làm sao cho bánh chín đều, bánh có độ phồng, vàng rộm tự nhiên. Khi phơi bánh, người thợ phải chú ý kiểm tra thường xuyên để bánh vừa đủ độ khô, không bị vỡ… Mặc dù hiện nay các hộ sản xuất bánh đều đã đầu tư mua máy sấy, song, nếu trời không mưa, người dân vẫn phơi thủ công trên các tấm phên đan bằng tre. Bởi, bánh phơi thủ công thơm, ngon, được khách hàng ưa chuộng hơn.

Theo thống kê, mỗi ngày thị trấn Kiện Khê xuất ra thị trường trên 10.000 chiếc bánh đa các loại. Hầu hết các cơ sở sản xuất bánh lớn đều bán buôn, chủ yếu là bán bánh sống (bánh chưa nướng chín) cho các cửa hàng, quán ăn để vận chuyển được dễ dàng, bánh không bị dập, vỡ. Giá bánh sống bình quân từ 2,5 đến 5.500 đồng/chiếc, tùy thuộc vào độ dày của bánh và tỷ lệ lạc, vừng, dừa rắc trên bánh. Theo tính toán của người làm nghề, với mỗi chiếc bánh làm ra, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, người làm bánh lãi 500-1.000 đồng/chiếc. Người dân ở đây làm nghề quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất là vào những tháng mùa hè và các dịp lễ, hội.

Với những bí quyết riêng trong làm nghề, cộng với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại trong từng khâu sản xuất, bánh đa Kiện Khê ngày càng nức tiếng và chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, nghề làm bánh đa nơi đây hiện vẫn phát triển theo hình thức tự phát, sản xuất còn nhỏ lẻ. Để ổn định sản xuất, thị trường tiêu thụ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của ông cha, người dân Kiện Khê đang mong muốn được các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp người dân thành lập hiệp hội làng nghề, từng bước xây dựng và đưa thương hiệu "bánh đa Kiện Khê" đến với nhiều địa phương trong cả nước.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.