Những người làm nên tiếng vang làng trống Đọi Tam

Làng trống Đọi Tam, xã Đọi Sơn (Duy Tiên) phát triển đến nay đã qua nghìn năm vẫn được lớp con cháu gìn giữ, kế tục phát triển. Họ là những người thợ, nghệ nhân, nặng lòng với nghề tổ truyền, muốn đưa danh xưng “trống làng Đọi Tam” vang xa vang mãi, trở thành biển hiệu đặc trưng, để chỉ cần nhắc đến trống, ai cũng nhớ ngay đến tiếng trống Đọi Tam.

Ở làng Đọi Tam ngày nay, phụ nữ cũng biết làm trống, nhiều người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm nghề.

Chưa có tài liệu lịch sử nào khẳng định số tuổi chính xác của làng nghề trống Đọi Tam. Tuy nhiên, theo các bậc cao niên trong làng, gia phả suốt mấy trăm năm qua của các dòng họ đều ghi rõ làng có nghề làm trống cha truyền con nối; mỗi đời đều có những nghệ nhân danh tiếng đưa tên tuổi làng nghề đi khắp các vùng miền. Lại có tích, mùa Xuân năm 987, vua Lê Đại Hành cùng các quan trong triều về cày Tịch điền ở Đọi Sơn, cụ tổ làng nghề là Nguyễn Đức Năng đã tự tay làm một quả trống lớn dâng vua đánh tế lễ trước khi cày. Nếu lấy mốc năm 987 thì đến nay, nghề làm trống ở làng Đọi Tam đã qua hơn nghìn năm.

Hiện nay, làng Đọi Tam có hơn 2.300 nhân khẩu, trong đó có trên 500 lao động làm nghề trống tại làng, 62 cơ sở sản xuất, kinh doanh trống, 6 nghệ nhân và 20 thợ giỏi. Ông Lê Ngọc Hùng, một nghệ nhân và cũng là chủ cơ sở sản xuất trống lớn nhất nhì làng tự hào cho biết: Nhiều năm nay, làng không có tình trạng thanh niên thất nghiệp, vì ngoài những người đi học, đi làm xa, hầu như con cháu của các dòng họ lâu đời đều theo nghề làm trống. Từ con nít 6 – 7 tuổi đã tập làm quen với hương gỗ, đánh những tiếng trống đầu tiên, theo chân người lớn xem cách làm trống. Phải học sớm và qua quá trình mài dũa, tích lũy kinh nghiệm mới có thể dần nắm rõ bí quyết làm ra chiếc trống đặc trưng của làng Đọi Tam. 

Vì vẫn chỉ hai nguyên liệu chính là gỗ mít và da trâu, nhưng người tinh ý sẽ nhận ra âm vực riêng của tiếng trống Đọi Tam, nhất là trống cái hoặc trống hội, âm sắc bao giờ cũng vang dội, trầm hùng hơn hẳn. Làng có 6 nghệ nhân, nay 2 người đã qua đời. Nghề trống vẫn giữ được đến ngày hôm nay có phần công rất lớn từ họ, nhưng người truyền và giữ lửa cho lớp con cháu.

Bản thân ông Hùng đã được Chủ tịch nước tặng Bằng công nhận nghệ nhân ưu tú từ năm 2016 với tay nghề giỏi và những đóng góp của ông với làng nghề. Sản phẩm trống của cơ sở sản xuất trống Thanh Hùng do ông làm chủ được trao tặng Huy chương Vàng khi đạt chất lượng cao, phù hợp với tiêu chuẩn trống truyền thống Việt Nam. Đối với ông Hùng, điều quan trọng nhất không phải là danh tiếng mà là cái tâm của người thợ. Người thợ làm nghề không chỉ cần sự tâm huyết, sáng tạo, tìm tòi, khai thác cái mới, mà còn luôn có ý thức giữ gìn, “thắp lửa” cho thế hệ sau. Đó mới là người thợ giỏi “giữ lửa và truyền lửa”.

Còn theo ông Lê Ngọc Thường, một thợ giỏi trong làng, đã là nghệ nhân thì phải có trách nhiệm giữ cho làng trống Đọi Tam phát triển, hợp xu thế thời đại mới, nhưng không mất nét truyền thống, cái vốn đáng quý của quê hương. Kinh nghiệm hơn 25 năm trong nghề, đã đào tạo và truyền nghề cho 10 học viên, ông Thường chia sẻ: Nhiều người có suy nghĩ làng nghề truyền thống dễ “chết yểu”. Nhưng để giữ nghề truyền thống trống Đọi Tam, người làng chúng tôi có cách làm khác. Cùng với làm trống, chúng tôi còn sản xuất các sản phẩm thủ công có giá trị về mỹ thuật, hợp thị hiếu người dùng, như: thùng rượu, thùng bia, bồn tắm, bộ bàn trang trí quán bar… Mà cái hay là dù làm ra sản phẩm khác nhưng cách làm vẫn từ công thức làm trống. Bán sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường là điều tất yếu ở thời đại này, tôi cho rằng đây cũng là cách để “nuôi” sản phẩm truyền thống. Làng chúng tôi vẫn làm trống, hằng năm vẫn có đơn hàng bán đi hàng nghìn mẫu trống, nhưng sản phẩm không chạy theo xu thế, không mất đi nét đặc trưng vốn có.

Thật sự, khi đại đa số làng nghề khác lo lắng không có người “nhận lửa” nghề, người làng Đọi Tam vẫn rất lạc quan. Như ông Phạm Chí Chung, một thợ giỏi khác của làng tâm sự: Giữ nghề truyền thống khó, thời nay lại càng khó, nhưng quan trọng là mình phải biến cái khó thành chiến lược kinh doanh, phải nuôi được gia đình, bản thân mới nuôi được nghề. Nhiều gia đình vẫn lấy nghề trống làm nghề chính, cuộc sống, thu nhập khá giả hơn trước. Đó cũng là cách rất tự nhiên để chúng tôi giữ nghề truyền thống của làng.

Ở làng Đọi Tam, phụ nữ cũng làm trống. Khác với quan niệm khi xưa của các cụ, không truyền nghề cho con rể và con gái vì sợ lộ bí quyết, người Đọi Tam ngày nay đã cho phép truyền nghề cho phụ nữ. Không chỉ có “nữ hoàng trống” Lê Thị Thanh với hơn 30 năm làm nghề, Đọi Tam còn có đội trống toàn phụ nữ. Được biết, đội trống này được thành lập từ năm 2004, lấy tên là Đội trống gái Đọi Tam. Các thành viên đội trống đều là phụ nữ, đánh được nhiều loại trống khác nhau (trống cái, trống nhỡ, trống giả cổ…), trong đó chiếc lớn nhất cao 1,77m, đường kính 1,47m. Mục đích thành lập đội trống là nơi giao lưu, sinh hoạt của những người yêu trống, đây cũng là cách để giữ nghề, truyền cho lớp con cháu, tình yêu, niềm tự hào với nghề của cha ông đất tổ.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết đến, Xuân về, làng Đọi Tam ngày ngày vẫn vang vọng những tiếng đục đẽo, gọt mài chuẩn bị cho bao đơn hàng lớn từ mọi miền đất nước. Khung cảnh đó chính là niềm hy vọng về việc bảo tồn tinh hoa của làng nghề cổ. Và để làm được điều này, cần hơn nữa những người “giữ lửa và truyền lửa” tận tâm.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy