Lương Khánh Thiện - Tuổi trẻ và chặng đường đầu hoạt động cách mạng

Nhà hoạt động chính trị tiền bối Lương Khánh Thiện(*) là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tên tuổi, tinh thần bất khuất trước kẻ thù và những công lao đóng góp to lớn của ông cho cách mạng đã được khắc họa trong nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí.

Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, chúng tôi chỉ xin đề cập về những năm tháng tuổi thơ và chặng đường đầu tham gia hoạt động cách mạng, mong làm rõ thêm chân dung người thanh niên trí thức yêu nước Lương Khánh Thiện.

Nhà cách mạng Lương Khánh Thiện. Ảnh tư liệu

Xuất thân từ tầng lớp lao khổ dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến nên mặc dù có tiếng hay chữ, nền nếp gia phong nhưng dòng họ, gia đình nhà cách mạng Lương Khánh Thiện rất nghèo. Cảnh nhà nghèo với nhiều éo le nên 5 tuổi Lương Khánh Thiện phải ở cùng bà nội và cô bác họ hàng. Trong hoàn cảnh nghèo khó, éo le ấy, cậu bé Lương Khánh Thiện không hề bi lụy mà luôn tỏ ra cứng cỏi, tự lập, dám dấn thân. Chính vì thế, ngoài chút vốn liếng chữ Nho do gia đình truyền dạy, Lương Khánh Thiện rất khao khát và rất may là được bà nội, cô bác cho theo học chữ Quốc ngữ. Thời đó, qua ảnh hưởng của Phong trào Đông Kinh nghĩa thục và những tư tưởng tiến bộ, Lương Khánh Thiện hiểu rằng: cùng với chữ Nho, cần phải học thật giỏi chữ Quốc ngữ để có thể tiếp cận với khoa học, với nền văn minh thế giới, từ đó có thêm hiểu biết, sự tự tin, sức mạnh để trước hết thoát khỏi cái bóng của những ông đồ nghèo, yêu nước, sống cốt cách nhưng bất lực trước thời thế và cao hơn là có thể mưu cầu việc lớn, giúp dân, giúp nước.

Sáng dạ, thông minh, sẵn có tâm thế của một học trò “chí khí hơn người” nên Lương Khánh Thiện học rất chăm và học giỏi. Hết lớp đồng ấu trường hàng tổng, có tấm bằng Sơ học yếu lược, Lương Khánh Thiện học tiếp lên trường huyện theo chương trình Tiểu học Pháp - Việt (chương trình cơ thủy). Học giỏi, cầu thị, ham hiểu biết, phong thái có phần chững chạc, không nghịch ngợm, láu lỉnh như những chàng khóa sinh cùng lứa nên Lương Khánh Thiện được thầy giáo người Pháp và bạn đồng môn rất yêu quý, nể trọng. Hết lớp nhì tiểu học, mặc dù gia đình, dòng họ rất kỳ vọng Lương Khánh Thiện chuyên tâm theo con đường khoa bảng để “rạng danh tổ tông” nhưng người thanh niên trẻ tuổi quê Mễ Tràng ấy đã quyết định chọn con đường vừa học, vừa làm để có thể tự lập cuộc sống và theo đuổi những khát vọng thầm kín bấy lâu.

Năm 1923, Lương Khánh Thiện vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng cũng là lúc “Tiếng bom Phạm Hồng Thái” giết hụt Toàn quyền Đông Dương Méc-lanh (ở Sa Diện, Quảng Châu, Trung Quốc) và phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu đang tạo ảnh hưởng mạnh mẽ trong tầng lớp trí thức và đông đảo người dân yêu nước. Cũng từ đây, chàng thanh niên trẻ Lương Khánh Thiện có cơ hội vừa học, vừa làm công nhân, được giác ngộ cách mạng và học hỏi nhiều từ những nhà hoạt động chính trị tiền bối: Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Quốc Việt...

Năm 1925, phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu lên cao, chàng học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành Lương Khánh Thiện cùng những người đồng chí hướng viết đơn đòi ân xá cụ Phan rồi tập trung chờ sẵn ở Cầu Rào đón đường đưa cho toàn quyền Va-ren (khi Va-ren ra Đồ Sơn nghỉ dưỡng). Khi xe của Va-ren tới, mọi người ùa ra vây kín và đưa đơn. Trước áp lực của quần chúng, Va-ren hứa xem xét giải quyết. Nghe tin đó, viên đốc Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng rất tức tối, tìm cách trả thù. Lương Khánh Thiện và một số anh em bị giám thị đánh đập, bị đốc trường phạt không cho lên lớp và dọa đuổi học khi sắp tốt nghiệp. Không nao núng tinh thần, Lương Khánh Thiện cùng anh em đồng môn tổ chức bãi khóa, đòi trả tự do cho những người bị bắt, đòi giám thị xin lỗi và đồng loạt bỏ trường để phản đối.

Một góc phường Lương Khánh Thiện (TP.Phủ Lý). Ảnh: Thế Tân

Năm 1926, làm thợ nguội ở nhà máy dệt Nam Định, với tác phong xông xáo, sâu sát phong trào, nhà hoạt động cách mạng trẻ tuổi Lương Khánh Thiện đã lập ra Hội Tương tế giúp đỡ công nhân, qua đó tuyên truyền, vận động họ đấu tranh đòi quyền lợi, được giới thợ thành phố dệt hết sức hưởng ứng. Năm 1927, được kết nạp vào Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, bị mật thám theo dõi, xúi giục bọn chủ đuổi khỏi nhà máy, Lương Khánh Thiện tạm lánh về quê Mễ Tràng tiếp tục giác ngộ, vận động quần chúng, gây dựng nhân mối cơ sở cách mạng (những nhân mối đó sau này đều trở thành cán bộ cốt cán, trong đó có Bí thư Chi bộ đầu tiên của thị xã Phủ Lý). Đầu năm 1928, trở lại đất cảng làm việc ở nhà máy tơ, bắt mối liên lạc và gặp lại các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đức Cảnh (Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hải Phòng), Lương Khánh Thiện được kếp nạp vào Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của Hải Phòng, được chỉ định phụ trách xây dựng phong trào ở khu vực nhà máy chai. Tháng 11/1929, trực tiếp lãnh đạo công nhân đấu tranh đòi quyền lợi và tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga, bị chính quyền thực dân đuổi khỏi nhà máy, Lương Khánh Thiện phải rút vào hoạt động bí mật. Ngày 1/5/1930, sau khi tham gia tổ chức biểu tình nhân Ngày Quốc tế Lao động, Lương Khánh Thiện bị bắt, kết án 2 năm tù giam, 5 năm đày biệt xứ, rồi kết án tù chung thân, đày đi Côn Đảo. Cuối năm 1932, Chi bộ Đảng Nhà tù Côn Đảo thành lập, nhà cách mạng Lương Khánh Thiện ra sức góp phần xây dựng chi bộ. Năm 1936, ra tù, trở lại hoạt động, được bầu vào Xứ uỷ Bắc Kỳ. Năm 1938, trực tiếp lãnh đạo công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, đuổi thợ vô cớ. Khi Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp sụp đổ, chính quyền thực dân quay lại thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng nhưng được nhân dân che chở, bảo vệ, người đảng viên cộng sản Lương Khánh Thiện vẫn tiếp tục hoạt động và không ngừng cống hiến cho cách mạng đến hơi thở cuối cùng (**).

Từ lòng yêu nước, tư tưởng tiến bộ và sự giác ngộ lý tưởng cộng sản, những hoạt động cách mạng đầu tiên của người thanh niên trẻ tuổi Lương Khánh Thiện đã trở thành niềm tự hào của nhiều lớp thanh niên cùng thế hệ. Tên tuổi ông sau này đã được trân trọng đặt cho nhiều công trình công cộng ở Hà Nam và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên… Tại quê hương Hà Nam, Nhà Lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện được quy hoạch trong quần thể Đền Liệt sỹ tỉnh và Khu di tích lịch sử Trận địa Pháo Phòng không Lam Hạ (Phủ Lý). Năm 2017, thực hiện chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, hội thảo về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Lương Khánh Thiện đang được tích cực chuẩn bị (***).

Thế Vĩnh

(*) Tên thật là Trần Xuân Thành (1903-1941), quê Mễ Tràng, Liêm Chính, Thanh Liêm, nay thuộc phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý.

(**) Năm 1940, là Bí thư liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hồng Quảng) và Bí thư Thành ủy Hải Phòng; ngày 18/1/1940, bị địch bắt tại Thượng Lý (Hải Phòng); ngày 1/9/1941 bị Tòa án thực dân Pháp kết án tử hình khi mới tròn 38 tuổi.

(***) Do Ban Chủ nhiệm đề tài: “Lương Khánh Thiện - Tiểu sử” (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp tổ chức.

Thế Vĩnh - Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy