Làng văn hóa Cát Tường

Thôn Cát Tường, xã An Mỹ (Bình Lục) xưa có tên là làng Váu, sau đổi thành Vĩnh Tường. Theo người già ở đây vì làng nằm cạnh dòng sông Sắt có rất nhiều cát nên gọi thành tên Cát Tường như ngày nay. Cát Tường là một trong 6 thôn của xã An Mỹ, cũng là thôn nhiều năm liền giữ vững các tiêu chí làng văn hóa.

Cát Tường là thôn thuần nông. Những năm gần đây, trong thôn phát triển thêm nghề sản xuất dụng cụ chăn nuôi và may túi đựng hàng cho các siêu thị. Ngoài hai vụ lúa, từ năm 2016 đến nay, đất nông nghiệp của Cát Tường vụ đông còn được trồng cây ớt. Bên cạnh bí, ngô, khoai lang, bí đỏ, cây ớt ban đầu đã cho thu nhập cao, đưa Cát Tường trở thành thôn đứng đầu toàn xã về phong trào sản xuất vụ đông. 

Cây đa người dân thôn Cát Tường trồng kỷ niệm nơi Bác Hồ động viên cán bộ, nhân dân đắp đập chống hạn năm 1958. Ảnh: C.B

Từ phong trào đó, năm vừa qua Cát Tường còn được xã tín nhiệm đưa mô hình sản xuất lúa giống đặc sản Tám thơm vào gieo cấy. Nhờ chăm chỉ làm giàu từ đồng đất quê nhà, thôn Cát Tường giờ khá khang trang với những con đường được đổ bê tông phong quang sạch đẹp. Thu nhập bình quân đầu người của thôn vào khoảng 35 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,4%.

Dân cư sống quần tụ yên bình, thôn từ lâu không có người mắc tệ nạn xã hội. Vào rằm tháng 2 âm lịch hằng năm, người dân Cát Tường dù đi đâu, làm gì đều nhớ về ngày vui hội làng. Hội làng tuy mới được khôi phục nhưng những phong tục vẫn được giữ như xưa, niềm hân hoan trảy hội vẫn tưng bừng rộn rã như từ lâu vốn vậy.

An Mỹ là  xã có phong trào văn nghệ, thể thao khá phát triển, trong đó có sự đóng góp của thôn Cát Tường. Ngoài các đội bóng chuyền hơi, thôn còn có đội tuyển bóng đá tham gia giải toàn xã. Các nghĩa vụ đóng góp theo quy định của thôn, của xã, người dân Cát Tường đều thực hiện đầy đủ. Hằng năm, số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” của thôn đều chiếm từ 90 - 92% tổng số hộ đăng ký.

Thôn Cát Tường, xã An Mỹ (Bình Lục). Ảnh: Google Maps

Năm 2012, Khu di tích lịch sử, văn hóa thôn Cát Tường được xây dựng kỷ niệm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Nam và động viên bà con đắp đập Cát Tường chống hạn năm 1958, người dân có thêm một địa chỉ tâm linh, văn hóa trong đời sống tinh thần. Với lòng kính yêu Bác vô hạn, hằng tháng vào ngày rằm, mùng một, nhiều người dân trong thôn duy trì thói quen vào thắp hương lên bàn thờ Bác trong Nhà lưu niệm Bác Hồ trong quần thể khu di tích. Khu di tích có khuôn viên rộng, một bên là cánh đồng, một bên là dòng sông Sắt chảy qua nên đây còn là nơi vui chơi giải trí của người dân trong thôn.

Khu Di tích lịch sử, văn hóa Cát Tường, xã An Mỹ (Bình Lục). Ảnh: Thế Trang

Ông Nguyễn Quang Phiên, một người dân thôn Cát Tường cho biết: Dù đã đi qua rất nhiều miền quê nhưng lúc nào cũng thấy quê mình đẹp và vui nhất. Cứ vào chiều tối khi mọi công việc xong xuôi, người dân trong thôn lại rủ nhau ngồi chơi, hóng gió, chuyện trò rôm rả. Vui nhất là trẻ con trong thôn có sân chơi, chạy nhảy thoải mái. Nhiều người còn tranh thủ tập thể dục. Vào những ngày lễ, Tết, khu di tích còn bật đèn sáng lung linh, người dân không cần đi xa vẫn cảm nhận được không khí hội hè. Nhưng từ khi có Khu di tích, cái được nhất vẫn là các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng và nhân dân không những trong thôn, trong xã mà cả các xã bạn có những hình ảnh trực quan và câu chuyện sinh động về quê hương, về Bác Hồ kính yêu để từ đó cố gắng luyện rèn, vươn lên trong học tập, lao động trở thành người có ích cho quê hương, đất nước.

C.Bình

Chu Bình, Thế Trang, Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy