Trong các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã có những đóng góp, hy sinh to lớn cho đất nước. Với họ, những năm tháng tuổi trẻ tuy nhiều gian nan, vất vả nhưng là quãng thời gian có nhiều ký ức tươi đẹp và kỷ niệm không thể nào quên.
Năm tháng qua đi, những ký ức về “một thời khoét núi, mở đường cho các đoàn xe băng băng qua đèo cao, dốc núi tới chiến trường” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của cựu TNXP Đỗ Quang Phúc (trú tại phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý). Bên ấm trà nóng, ông hồi tưởng lại những ký ức không thể nào quên về những ngày đi TNXP.
Ông cho biết: Tháng 7/1965, Hà Nam thành lập Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Chuông gồm 5 đại đội (C452, C456, C458, C459, C460) với tổng quân số 1.000 người. Lúc bấy giờ, anh Bùi Văn Kiểm, Bí thư Tỉnh đoàn Nam Hà làm đội trưởng. Lực lượng TNXP bắt đầu di chuyển từ Cầu Giát (Duy Tiên) vào đến Thái Hoà (Nghệ An) để tập trung mở đường sắt. Đến tháng 9/1965, máy bay địch ném bom khiến 3 người của C458 hi sinh, 5 người khác bị thương. Khoảng hơn 1 tháng sau, chúng tôi nhận lệnh tập trung vào mở đường 20 Quyết Thắng nối đường từ Cự Nậm (Quảng Bình) đến Lùm Bùm (Lào), cùng với đó đơn vị đổi tên thành Đội N25 TNXP Hà Nam.
Thời tiết khắc nghiệt, suốt mấy tháng mùa mưa nơi đây lại trở thành “túi nước”, thành “tử huyệt” gây ra rất nhiều khó khăn. Trước tình thế đó, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 trình và được Quân ủy Trung ương chuẩn y kế hoạch mở trục đường ngang mới xuất phát từ Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày 21/1/1966, đúng mồng 1 Tết Bính Ngọ, Phó Tư lệnh Đoàn 559 Nguyễn Tường Lân phát lệnh mở màn chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Mặc dù điều kiện khi ấy rất khó khăn, lương thực thiếu thốn, dụng cụ lao động thì thô sơ, địch thường xuyên ném bom tàn phá, địa hình hiểm trở, nhưng toàn thể TNXP không quản ngại gian khổ, quyết tâm đồng lòng cho chiến dịch. Lực lượng TNXP phải tranh thủ làm đường vào ban đêm để tránh sự quấy nhiễu của máy bay địch. Trong suốt quá trình mở đường, Đội N25 có trên 600 đội viên hy sinh và phải bổ sung lực lượng từ các tỉnh như: Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá…
Sau gần 4 tháng thi công với sự nỗ lực của Đội N25 TNXP cùng các cánh thi công đã gặp nhau ở khu vực biên giới Việt - Lào. Để bảo vệ con đường này đến cùng, hàng nghìn TNXP đã bất chấp hiểm nguy, trụ vững tại đây làm nhiệm vụ sửa đường bảo đảm giao thông thông suốt. Để có thể vượt qua được những khó khăn, gian khổ trong những ngày tháng khốc liệt ấy, lực lượng TNXP luôn quyết tâm dù làm nhiệm vụ gì thì cũng phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ đó.
"Lực lượng TNXP như chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy và cả cái chết. Chứng kiến nhiều đồng chí, đồng đội của mình ngã xuống, hy sinh giành độc lập cho dân tộc, ngọn lửa căm thù trong chúng tôi càng nhân lên gấp bội và biến nó thành sức mạnh để vừa là hậu phương vững chắc, vừa sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt kẻ thù. Đội N25 TNXP Hà Nam là đơn vị TNXP đầu tiên và duy nhất cả nước trong lực lượng TNXP chống Mỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1972 khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất”- ông Đỗ Quang Phúc xúc động nói.
Bên cạnh lực lượng vũ trang, TNXP là lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Năm 1972, Trung ương Ðoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh đã tuyển chọn lực lượng TNXP sang giúp nước bạn Lào bảo đảm giao thông, mở rộng, nâng cấp tuyến đường 6 và 217B, nối liền biên giới Việt Nam sang tỉnh Hủa Phăn của nước bạn. Ông Lê Ngọc Hán (ở Đọi Tam, Tiên Sơn, Duy Tiên, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1 (C1), Đội 255, Tổng đội 572) đã không nề hà gian khổ, không ngại xa quê, gác tình riêng sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, người đại đội trưởng ngày ấy giờ đây tóc đã bạc, song ký ức về một thời hoa lửa vẫn chưa phai nhòa.
Tổng đội TNXP 572 lúc đó có hơn 5.000 đội viên, trong đó Hà Nam có 1.600 người được giao nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược 217B dài gần 70 km từ thị xã Sầm Nưa (Hủa Phăn) đến cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hoá). “Sau 3 tháng tập kết để rèn luyện quân tại Mai Châu (Hoà Bình), đơn vị C1 của tôi đã cử 20 TNXP là những người năng nổ, nhiệt tình, xuất sắc đi tiền trạm. Thời điểm năm 1972, lúc ấy chiến tranh còn ác liệt, theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy, đơn vị của tôi phải tìm địa điểm cách xa đường chính hàng cây số để tránh phỉ và quân địch tập kích. Ban đầu quân của ta phải mang từng cây kim, sợi chỉ, lương thực, thực phẩm, thuốc men và phải vào sâu trong rừng chặt từng cây tre, lấy cỏ tranh để xây dựng lán trại. Đến tháng 11/1972, lực lượng của ta mới sang hết. Khi sang, các anh em đều để lại quân hiệu, tư trang cá nhân tại cửa khẩu Na Mèo để lên đường làm nhiệm vụ. Đơn vị Duy Tiên lúc bấy giờ có 144 chiến sĩ, trong đó người ít tuổi nhất mới chỉ 16 tuổi, người nhiều tuổi nhất đã 45 tuổi”, ông Hán hồi tưởng lại.
Một trong những ký ức hằn sâu trong tâm trí, ấy là vào năm 1974, khi đơn vị của ông Lê Ngọc Hán được giao nhiệm vụ vừa bảo vệ an ninh cho điểm suối Na Khao, vừa xây dựng cây cầu Na Khao là tuyến đường độc đạo và là “cửa ngõ” quan trọng hướng về tuyến đường 217B. Do bị ném bom nhiều lần, cây cầu đã bị phá huỷ hoàn toàn. Quá trình xây dựng, việc vận chuyển đất, đá chỉ bằng phương tiện thô sơ, điều kiện sinh hoạt khó khăn thiếu thốn nhưng không hề làm cho những TNXP nản lòng. Với khẩu hiệu “mưa sáng làm trưa, mưa trưa làm chiều, mưa nhiều làm chủ nhật” và “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, chỉ sau gần 1 năm cùng với sự cố gắng, nỗ lực cùng sự quyết tâm cao, những TNXP đã phục hồi, xây dựng hoàn thành cây cầu trước thời hạn. Đơn vị của ông đã nhiều lần được khen thưởng là đơn vị có thành tích xuất sắc trong Tổng đội 572 thời bấy giờ. Năm 1985, Tổng đội 572 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Mặc dù tham gia phục vụ chiến đấu và luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, nhưng với tinh thần hăng hái của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi, các TNXP đã kiên cường bám trụ ngày đêm làm đường, sửa đường, phá bom bảo đảm thông đường, thông xe ra tiền tuyến, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Câu chuyện của các cựu TNXP như ông Đỗ Quang Phúc, ông Lê Ngọc Hán chỉ là 2 trong số hàng vạn câu chuyện của cựu TNXP năm xưa. Trở về cuộc sống đời thường họ luôn trân trọng giá trị của hòa bình và vẫn giữ trọn vẹn tinh thần của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, vẫn nhiệt huyết góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước. Họ chính là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập noi theo.
Chia tay các cựu TNXP, chúng tôi còn nhớ mãi những lời tâm sự của các ông dặn dò thế hệ trẻ: “Lịch sử đất nước Việt Nam rất tự hào và oai hùng, chúng tôi mong muốn làm sao thế hệ trẻ phải hiểu rõ lịch sử và luôn luôn phấn đấu để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Bùi Linh