Hồn quê trong vuông lụa Quan Phố

Không chỉ là người khai mở kỹ thuật dệt lụa vẽ, họa sỹ Phạm Thanh Liêm cũng chính là người lưu giữ hồn quê trên những vuông lụa Quan Phố, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên.

Mặc dù trước đó, đã từng được đồng nghiệp kể nhiều điều về ông nhưng lần tình cờ gặp ông tại Hội trại sáng tác mỹ thuật tổ chức ở Hà Nam, tôi vẫn bị mê hoặc khi nghe ông nói về hội họa. Chiêm ngưỡng những sắc màu dung dị trong cuộc sống được ông thể nghiệm tài hoa trên nền lụa Quan Phố (xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên) tôi hiểu tình yêu của ông đối với hội họa, đối với quê hương lớn nhường nào. Mộc mạc và đong đầy cảm xúc, đó chính là cảm nhận đầu tiên của tôi về ông, họa sỹ Phạm Thanh Liêm, nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, người con của làng Quan Phố, ông chính là người "khai mở kỹ thuật dệt lụa vẽ" và có công đưa lụa Quan Phố đến với thế giới của hội họa.

Tranh lụa  “Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn” của họa sỹ Phạm Thanh Liêm.

Đúng như lời ông kể, mặc dù nằm cách Cụm công nghiệp Cầu Giát (thuộc huyện Duy Tiên) không xa nhưng làng Quan Phố vẫn giữ được nét quê hồn hậu và yên bình. Đâu đó vẫn thấp thoáng những nếp nhà xưa, những khoảng tường rêu phong, những bụi chuối, bờ tre, những khoảnh vườn xanh mướt, mùi khói bếp thơm nồng… tất cả những hình ảnh đó đem lại cho chúng tôi một cảm giác thật ấm áp, gần gũi và thân quen.

Vốn là một ngôi làng cổ, nằm ven sông Hồng vào những năm đầu thế kỷ XX, Quan Phố từng được biết đến với nghề dệt lụa truyền thống nhưng sản phẩm của Quan Phố hồi đó chủ yếu là vải đũi thông thường, phục vụ cho nhu cầu may mặc của người dân trong vùng. Rồi cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác trong cả nước, làng lụa Quan Phố cũng bị mai một dần khi sản phẩm không còn đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thương trường.

Vì vậy, đến những năm 70, cả làng chẳng còn mấy ai quan tâm đến sự tồn vong của nghề, duy nhất chỉ còn gia đình ông Nguyễn Đình Hòe và bà Phạm Thị Vụ vẫn quyết tâm giữ nghề và sau này truyền cho một người cháu họ tên là Lê Văn Chuẩn. Tuy nhiên, để lụa Quan Phố bước chân được vào thế giới của hội họa lại là một câu chuyện dài, mà người viết nên câu chuyện ấy chính là họa sỹ Phạm Thanh Liêm, người gắn bó cả cuộc đời sáng tác của mình với chất lụa truyền thống của quê nhà.

Ông kể rằng: Trước đây các họa sĩ chỉ dùng lụa Trung Quốc để vẽ, còn lụa ở các làng nghề mới chỉ dùng cho may mặc. Sinh ra ở làng Quan Phố nên từ nhỏ tôi đã thành thạo công việc dệt lụa trên khung cửi. Khoảng hơn 20 năm trước, tôi đã cùng với bà cô họ tên là Phạm Thị Vụ quyết tâm cải tiến kỹ thuật dệt để làm ra loại lụa vẽ cho các họa sỹ... Và đó là lần đầu tiên lụa Quan Phố trở thành một chất liệu độc đáo được giới mỹ thuật trong nước tìm đến.

Không chỉ là người khai mở kỹ thuật dệt lụa vẽ, họa sỹ Phạm Thanh Liêm cũng chính là người lưu giữ hồn quê trên những vuông lụa Quan Phố. Ông là một trong những người có lối vẽ và cách thể hiện nghệ thuật vẽ mầu nước trên lụa một cách tinh tế, nhuần nhị và hấp dẫn. Ông đi tới tận cùng để phát huy độ loang nhòe, sương khói mờ ảo của lụa. Điều đó khiến tranh ông luôn thấm đẫm vẻ đẹp rất thuần Việt.

Với bút pháp hiện thực giàu cảm xúc, ông đã thể nghiệm rất thành công những sắc màu của cuộc sống trên nền lụa Quan Phố. Tác phẩm "Xuống núi", "Cô Tấm" và tác phẩm "Làng dừa Yên Sở"... được đánh giá là những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông. Ông bảo: Hơn 30 năm cầm cọ với vài trăm bức vẽ trên nền lụa Quan Phố nhưng mỗi khi đứng trước một tấm lụa vẽ, cảm xúc của ông luôn tươi mới, bởi chính sự mềm mại, biến ảo kỳ diệu của những sắc màu trên nền lụa Quan Phố.

Có lẽ, đó cũng chính là lý do thôi thúc chúng tôi tìm về Quan Phố, để được " tận mục sở thị" kỹ thuật sản xuất ra sản phẩm độc đáo này và người chúng tôi tìm đến chính là anh Lê Văn Chuẩn, một người cháu họ xa của họa sỹ Phạm Thanh Liêm, người duy nhất trong làng đến nay vẫn cần mẫn bên khung dệt, với một cái tâm giữ nghề.

Anh Chuẩn chia sẻ: Kỹ thuật dệt vẫn thế nhưng để sản xuất ra một mét vuông lụa vẽ đòi hỏi khắt khe hơn đối với lụa thường. Với kỹ thuật khi dệt chập - vê nhiều sợi tơ đơn nguyên thành một sợi dọc hay ngang đều nhằm phát huy tối đa thớ dọc, ganh ngang làm bề mặt lụa trở nên thô và đanh hơn. Sợi dệt thấm được mầu, nhưng không bị cặn. Khi đưa mầu, họa sĩ cảm được độ thấm, nhòe, đanh, đậm, loang... trên bề mặt lụa.

Tuy nhiên, để tạo ra được những tấm lụa vẽ như vậy, người dệt lụa phải có nhiều kinh nghiệm từ khâu chọn kén, ươm tơ, hồ sợi cho đến kỹ thuật dệt. Hơn nữa, chất lượng sản phẩm lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nên việc nghiên cứu thử nghiệm thành công phương pháp làm dẻo sợi khi dệt lúc thời tiết bất thuận đem lại nhiều ưu thế cho sản phẩm lụa vẽ Quan Phố...

Bằng mọi cách,  anh Lê Văn Chuẩn giữ nghề theo ý nguyện của ông cha.

Tiếng lành đồn xa, hiện nay sản phẩm lụa vẽ Quan Phố của gia đình anh Chuẩn đã có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhiều khách Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã tìm đến Quan Phố để mua sản phẩm của anh. Với khát vọng tiếp tục đưa lụa vẽ Quan Phố vươn xa, anh Chuẩn hiện đang ấp ủ rất nhiều dự định và xây dựng thương hiệu cho lụa vẽ Quan Phố cũng là một điều mong mỏi khiến anh trăn trở bao lâu nay.

Cũng giống như họa sỹ Phạm Thanh Liêm, mỗi khi nói về lụa vẽ Quan Phố, cảm xúc trong anh lại dâng tràn và câu chuyện dường như dài mãi. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn phải nói lời chia tay anh, chia tay làng Quan Phố. Mang theo những cảm xúc mộc mạc, dung dị, tinh tế và tài hoa của những người con làng Quan Phố gửi gắm trên những vuông lụa, chúng tôi thấy lòng chợt ấm, để rồi thấy yêu hơn mảnh đất và con người nơi đây.

Minh Thu

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy