Hoàng Tùng - Nhà tư tưởng, văn hóa xuất sắc

Năm 2007, trong số những tập thể, cá nhân vinh dự được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước ta, có một người con ưu tú quê hương Hà Nam - nhà báo Hoàng Tùng.

Nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương (sau này là Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Sự thật (nay là Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia).

Đây là sự ghi nhận, tôn vinh công lao và những đóng góp to lớn của nhà báo Hoàng Tùng đối với hoạt động tư tưởng, văn hóa và nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Hoàng Tùng (ngoài cùng bên trái) và các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, tháng 12 năm 2000. Ảnh: Phòng truyền thống Báo Nhân Dân

Nhà báo Hoàng Tùng sinh năm 1920 tại thôn Tảo Môn (nay là Xóm 20, Tảo Môn, xã Hòa Hậu, Lý Nhân). Tuổi nhỏ, nhà báo Hoàng Tùng theo học ở trường làng Tảo Môn, sớm tỏ ra là một học trò thông minh, hiếu học, nhanh nhẹn. Năm 1935, tròn 15 tuổi, dù rất khao khát học lên nữa nhưng do nhà nghèo nên nhà báo Hoàng Tùng chỉ có thể theo học hết chương trình Êlêmăngtê (tương đương cấp một) tại trường làng Tảo Môn rồi phải rời quê hương đi làm công nhân ở Nam Định, Cẩm Phả (Quảng Ninh). Đây cũng chính là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của nhà báo Hoàng Tùng khi ông được những chiến sĩ cộng sản lớp trước dìu dắt đi theo con đường cách mạng. Năm 1937, theo giới thiệu và phân công của tổ chức, ông chuyển về thành phố Nam Định trực tiếp tham gia Đoàn Thanh niên Dân chủ (sau đó là Đoàn Thanh niên Phản đế). Ông cùng nhiều nhà cách mạng bí mật viết truyền đơn, tham gia diễn thuyết, tuyên truyền  giác ngộ và vận động quần chúng, đặc biệt là giới thanh niên, trí thức, công nhân đi theo con đường giải phóng dân tộc.

Thực tiễn cách mạng thuộc Cao trào dân chủ giai đoạn 1936- 1939 đã giúp ông trưởng thành rất nhiều về nhận thức cũng như kinh nghiệm làm công tác tư tưởng, văn hoá và báo chí. Năm 1940, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt, kết án, giam giữ ở Hoả Lò và nhà tù Sơn La. Trong chốn ngục tù, ý chí cách mạng vẫn luôn cháy đỏ trong tâm thức của nhà cách mạng trẻ tuổi quê hương Lý Nhân. Từ năm 1941 đến 1945, ngoài phụ trách phong trào thanh niên, ông còn giúp các nhà cách mạng Nguyễn Duy Trinh, Đặng Việt Châu viết truyền đơn tố cáo tội ác của thực dân Pháp, móc nối với các đồng chí đảng viên trong tù gây dựng phong trào đấu tranh. Đây cũng là thời gian ông có may mắn được tiếp xúc và được một số nhà cách mạng, đồng thời là nhà báo nổi tiếng thuộc thế hệ đi trước như Trần Huy Liệu, Xuân Thủy… trực tiếp dìu dắt tham gia công việc làm báo. Báo "Ruối reo" được ông và các đồng chí của mình phát hành, lưu truyền bí mật trong tù ngục bằng cách tối viết, đọc, truyền tay, ban ngày chôn kín dưới đất tránh sự rình mò, khám xét của mật thám, cai ngục.

Tháng 11/1943, ông được kết nạp Đảng tại Chi bộ Nhà tù Sơn La. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Lợi dụng tình hình đó, ông cùng anh em vượt ngục và về tham gia Tỉnh uỷ Bắc Ninh, sau đó được Trung ương Đảng điều về phụ trách Khu An toàn chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Phú Lương (ngoại thành Hà Nội), được chỉ định là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, với trọng trách Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Xứ uỷ viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Phó Bí thư Khu ủy 3 (Tả ngạn sông Hồng)… nhà báo Hoàng Tùng luôn quan tâm và tích cực tham gia hoạt động báo chí. Ông thường xuyên viết bài cho tờ "Kiến thiết" (1945), tờ "Dân chủ" - cơ quan Việt Minh của các tỉnh miền biển (năm 1946). Kháng chiến bùng nổ, ông tham gia công tác Đảng, trực tiếp chỉ đạo và viết bài cho tờ "Chiến đấu"- cơ quan của Khu uỷ Chiến khu Ba (từ 1947). Tháng 1/1948, Trung ương Đảng điều ông lên Việt Bắc làm Phó Trưởng Ban Đảng vụ Trung ương (sau này là Ban Tổ chức Trung ương), Thư ký Tạp chí "Sinh hoạt nội bộ", rồi Phó Trưởng Ban Thi đua Trung ương. Tháng 1/1950, nhà báo Hoàng Tùng được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Báo "Sự thật".

Khi Đảng ra hoạt động công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, Báo "Sự thật" đổi tên thành Báo "Nhân Dân". Từ năm 1951 đến 1982, ông được phân công phụ trách Văn phòng đồng chí Tổng Bí thư của Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, là Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, làm công tác nghiên cứu, lý luận- những trọng trách luôn gắn liền với công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động  báo chí của Đảng.

Giới làm báo luôn biết đến nhà báo Hoàng Tùng là cây bút chính luận sắc sảo với hàng nghìn bài viết ấn tượng trên các chuyên mục thời luận của Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng Sản và nhiều tạp chí tư tưởng, lý luận, văn hoá của Đảng. Bút danh Hoàng Tùng thường xuất hiện rất ít (trong trường hợp do yêu cầu đối ngoại hoặc những bài viết về cán bộ lãnh đạo cấp cao), phần lớn các bài viết được nhà báo Hoàng Tùng ký tên: Nhân Dân, Người Bình Luận, Người Quan Sát, Chính Nghĩa, Chiến Hữu… Nhà báo Hoàng Tùng viết nhanh, ngắn gọn, súc tích và rất rõ phong cách riêng về những sự kiện chính trị, ngoại giao, những bước ngoặt lịch sử quan trọng của đất nước, của Đảng, của dân tộc.

Một góc xã Hòa Hậu (Lý Nhân) - quê hương nhà báo Hoàng Tùng hôm nay. Ảnh: Nguyễn Điền

Là một nhà lãnh đạo tư tưởng, văn hóa xuất sắc, một nhà báo nổi tiếng  nhưng nhà báo Hoàng Tùng luôn khiêm tốn bộc bạch rằng trong quá trình tham gia cách mạng và hoạt động báo chí, ông có may mắn được tiếp thu ảnh hưởng tích cực từ những nhà báo cách mạng nổi tiếng như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng; học được nhiều điều từ những nhà báo đàn anh đi trước, trong đó có những nhà báo cách mạng quê hương Hà Nam như Hồ Xanh, Lưu Quang Bích, Lương Khánh Thiện, Nam Cao... Đặc biệt, học được rất nhiều ở nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh. Đã nhiều lần ông tâm sự cùng các đồng nghiệp rằng: Ngôn ngữ báo chí  của "Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh" là sự kết tinh hài hoà, tài tình, linh hoạt giữa ngôn ngữ văn hoá, ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ đại chúng. Chính vì thế, những bài viết của Người luôn có ấn tượng, gần gũi, lắng sâu đối với cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đường hướng và mục tiêu phấn đấu trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị và làm báo của Hoàng Tùng.

Những năm nghỉ hưu, dù tuổi cao, sức yếu nhưng nhà báo Hoàng Tùng vẫn không ngừng viết, không ngừng làm việc, không ngừng truyền lửa cho những thế hệ làm báo kế cận. Tâm sự về nghề, ông thường dành những lời tâm huyết với đồng nghiệp: nghề báo là một nghề đặc biệt; mỗi nhà báo hãy biết tôn trọng sự thật và luôn có trách nhiệm với từng bài viết, từng con chữ viết ra; mỗi nhà báo hãy luôn nhớ và thấm nhuần lời dạy của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh: "Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt ra câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc".

Tên của nhà báo Hoàng Tùng đã được trân trọng đặt cho một tuyến phố ở Khu đô thị Bắc Châu Giang, thành phố Phủ Lý, gần trụ sở Báo Hà Nam.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy