Giữ nét xuân làng gốm

Xuân này là một mùa Xuân mới thực sự với những người làm gốm ở Quyết Thành (thị trấn Quế, Kim Bảng). Sau bao năm tồn tại dưới mô hình HTX, giờ đây, làng gốm truyền thống hàng trăm năm tuổi chính thức chuyển đổi sang mô hình tư nhân hóa, những người dân làm gốm thực sự phấn khởi trước sự thay đổi mang tính bước ngoặt này.

Đổi mới để phát triển - họ sẽ bắt đầu một vận hội mới với một tư duy làm ăn mới, hoàn toàn tự chủ trong đầu tư sản xuất, kinh doanh giống như con thuyền tự vươn mình ra biển lớn. Dẫu rằng vẫn còn những bộn bề sau giải thể, nhưng họ vẫn một lòng yêu gốm với bao dự tính, lo toan về một hướng đi hiệu quả, những mong sẽ phát triển hơn nữa nghề cha ông để lại và giữ mãi nét xuân làng gốm, hồn quê…

Trải qua nhiều thăng trầm song nghề gốm truyền thống ở Quyết Thành vẫn được gìn giữ cho đến ngày hôm nay. Năm 1959, HTX gốm Quyết Thành được thành lập với mục đích khôi phục lại nghề gốm truyền thống của cha ông để lại.

Năm 2000, HTX được chuyển đổi theo Luật HTX. Tháng 8/2017, theo chủ trương bảo tồn và phát huy nghề gốm truyền thống của huyện Kim Bảng và cũng là nguyện vọng của bà con làm nghề, HTX gốm Quyết Thành chính thức giải thể theo hình thức tự nguyện để chuyển đổi sang mô hình tư nhân. Bà con làm gốm ai cũng phấn khởi trước sự chuyển hướng này.

Ông Lại Văn Liên, Chủ tịch Hội Sản xuất gốm Quyết Thành (Hội thành lập ngay sau khi HTX giải thể), chủ lò gốm Liên Kiểm bày tỏ: Chúng tôi hiểu, giải thể HTX là để tiếp tục củng cố và phát triển nghề gốm truyền thống chứ không phải xóa bỏ, bởi vậy, bà con đều đồng tình, phấn khởi trước chủ trương, hướng đi mới này…

Chỉnh sửa sản phẩm thô. Ảnh: Thảo Trần

Nguyên là Chủ nhiệm HTX gốm Quyết Thành nhiều năm nay, anh Nguyễn Đức Phú, chủ lò gốm Phú Thỏa tâm sự: Mô hình sản xuất tư nhân sẽ phát huy được ưu thế quản lý từ đầu đến cuối, giảm được bộ máy trung gian, chỉ trả công cho những người trực tiếp tạo ra sản phẩm, tiết kiệm được nguyên liệu, sử dụng vật tư đúng yêu cầu sản xuất kinh doanh, phát huy được điểm mạnh, sự năng động của từng hộ trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ. 

Với một người trẻ nhiều năm làm gốm truyền thống tại lò gốm Liên Kiểm, anh Lại Tuấn Sơn (30 tuổi, con

trai ông Lại Văn Liên) bộc bạch: Dù hoạt động theo mô hình HTX hay tư nhân thì chúng tôi vẫn quyết tâm giữ nghề và phải luôn nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu, nhu cầu thị trường để đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm mới mong tồn tại và phát triển được…     

Có thể nói, sau giải thể HTX là biết bao bộn bề, lo toan, dự tính của các hộ gia đình làm gốm ở Quyết Thành để bắt đầu một hướng đi mới. Nói như ông Liên, chủ lò gốm Liên Kiểm thì "sau chuyển đổi như đò giữa khơi", nếu làm tốt thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, làm không tốt thì sẽ tự bị đào thải, vì vậy, trước mắt những hộ dân làm gốm rất cần sự quan tâm định hướng, tạo điều kiện từ phía chính quyền các cấp. Tâm nguyện lớn nhất của những người làm gốm là làm sao giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của cha ông.

Hiện làng gốm Quyết Thành vẫn có 5 lò đang hoạt động, trong đó có 2 lò ga và 3 lò truyền thống với khoảng 30 - 40 hộ gia đình, gần 70 lao động làm nghề. Theo anh Phú, sau giải thể HTX, một số thủ tục pháp lý liên quan vẫn chưa hoàn tất, cũng chưa có hộ gia đình thành lập doanh nghiệp độc lập, nhưng các lò vẫn hoạt động và có thị trường tiêu thụ ổn định. Mặc dù đã có chỗ đứng trên thị trường và xây dựng được thương hiệu gốm Quyết Thành từ nhiều năm nay, nhưng việc khai thác hiệu quả thương hiệu vẫn đang còn là một hạn chế của làng nghề. Đây cũng là một trong những trăn trở mà những người làm gốm Quyết Thành đã nhìn ra và sẽ phải tính đến trong bước đi tiếp theo…

Về Quyết Thành hôm nay, vẫn thấy nhịp điệu làng nghề trong sắc màu của gốm. Những người thợ lành nghề vẫn miệt mài chau chuốt, nâng niu từng sản phẩm gốm. Ở các khu, lò sản xuất, vẫn thấy có khách tìm đến đặt mua hàng. Mấy năm gần đây, làng gốm Quyết Thành đã có nhiều thay đổi để thích ứng với thị trường, trong đó, thay đổi lớn nhất đó là việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chuyển đổi từ lò nung truyền thống sang lò khí ga, vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa bảo đảm môi trường. Sản phẩm gốm của làng nghề cũng được đổi mới nhiều về mẫu mã cũng như chất lượng, chủ yếu là các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Và một điều đáng mừng là trong số những người làm gốm, yêu gốm ở Quyết Thành hôm nay đã có thêm những người trẻ tuổi có tri thức, cho dù vẫn còn là số ít nhưng có nghĩa rằng, nghề gốm truyền thống vẫn luôn được các thế hệ người dân trong làng trân trọng, gìn giữ.

Sản phẩm gốm thô. Ảnh: Đức Anh

Đổi mới để phát triển luôn là mong muốn và nỗ lực không ngừng của tất cả người dân làm gốm ở Quyết Thành. Bởi hơn ai hết, họ trân trọng những gì cha ông để lại từ bao đời nay, và bởi vì họ đã trót nặng lòng với gốm, yêu gốm như máu thịt của mình, cho dù cái nghề đầy vất vả, cực nhọc "ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ" này cũng không đem lại cuộc sống giàu có thực sự.

Một mùa Xuân mới đang về với làng gốm, tô thắm sắc xuân trên những nẻo đường, trên những khuôn mặt rạng ngời, đem về niềm vui và biết bao hy vọng cho người dân làng gốm trước vận hội mới. Mai này, mong mỏi của anh Phú, ông Liên và những người dân làng gốm về một làng nghề kết hợp với du lịch sẽ trở thành hiện thực, là hướng đi hiệu quả, bền vững.

Dẫu rằng phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, song những người làm gốm ở Quyết Thành đều có chung nhận thức: phải mạnh dạn thay đổi, bứt phá mới mong thúc đẩy làng nghề phát triển. Và đây chính là cơ hội tốt để họ bắt đầu sự đổi thay đó, đưa sản phẩm gốm Quyết Thành ngày càng vươn xa.

Thu Thảo

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy