Đền Bà Vũ - Di tích, lễ hội và mối quan hệ tín ngưỡng

Đền Bà Vũ (Chân Lý, Lý Nhân) thờ bà Vũ Thị Thiết theo huyền tích “Người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ trong “Truyền Kỳ Mạn Lục” dân gian tôn là “Thánh Mẫu”, “Mẫu Hương Nương”.. Đền nằm cạnh sông Hồng hội tụ nhiều giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, tín ngưỡng thờ Mẫu và có mối liên hệ mật thiết với các di tích trong vùng.

Di tích

Thôn Vũ Điện (xưa là trang Vũ Điện, tổng Vũ Điện, huyện Nam Xương, phủ Lỵ Nhân) nằm bên sông Hồng, giáp cửa sông Luộc, nơi ngã ba sông “con gà gáy ba tỉnh cùng nghe”(*), điểm giao thoa nhiều vùng văn hóa: “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, văn hóa Thái Bình, Nam Định trong trục tọa độ văn hóa lúa nước vùng châu thổ từ xa xưa.

Từ đây ngược sông Hồng sang Phố Hiến, đi Thăng Long Hà Nội; xuôi phía đông đến Tam Đường (Hưng Hà, Thái Bình) có khu mộ tổ nhà Trần; theo đê Đại Hà về Trần Thương, nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, xuôi phía nam đi Kiếp Bạc, ra biển, hoặc theo quốc lộ 38B về Đại Hoàng (Hòa Hậu), đi Bảo Lộc, Thiên Trường (Nam Định).

Đền Bà Vũ, xã Chân Lý (Lý Nhân). Ảnh: Thế Tân

Chuyện “Người thiếu phụ Nam Xương” đoan chính, thủy chung trong “Vũ Thị liệt nữ thần lục” (in năm 1914 tại Viện Hán Nôm) qua hơn 6 thế kỷ đã được nhiều tao nhân mặc khách đề thơ, viết truyện, vịnh câu đối, hoành phi và đi vào thi ca, sử sách.

Tương truyền vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi dẹp Chiêm Thành quấy nhiễu bờ cõi, khi qua khúc Hoàng Giang bên trang Vũ Điện, vì sóng to, gió lớn phải dừng lại, tình cờ nghe câu chuyện oan khuất đã rất cảm phục, đích thân vào đền thắp hương.

Lần đó ra quân, được Bà Vũ âm phù đại quân thắng lợi, khi trở về vua xuống chiếu ban cho dân làng tiền vàng sửa đền, cấp thêm ruộng đất để hương hỏa thờ tự. Nhà vua vào đền lễ tạ, đề thơ ca ngợi, thơ rằng: “Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương/Miếu ai như miếu vợ chàng Trương/Bóng đèn dẫu lẫn đừng nghe trẻ/Cung nước chi cho lụy tới nàng/Chứng quả đã đôi vừng nhật nguyệt/Giải oan chi lọ mấy đàn tràng/Qua đây mới biết nguồn cơn ấy/Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng”.

Đền Bà Vũ xây dựng từ thế kỷ thứ XV, ban đầu là ngôi miếu nhỏ ngoài bãi sông, sau chuyển vào trong đê bối, dựng lại to hơn. Ngày 24/3/1993, đền được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Bên cạnh giá trị lịch sử văn hoá, đền là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo (xây kiểu chữ “môn” khép kín), đến nay vẫn giữ nét kiến trúc cổ cùng nhiều đồ thờ, cổ thư quý hiếm mang phong cách thời Hậu Lê sang thời Nguyễn như: Pho tượng Bà Vũ, khánh, chuông đồng...

Đền còn lưu giữ bức châm sơn son thếp vàng treo ở tiền đường (ghi bài thơ chữ nôm vua Lê Thánh Tông ban tặng), một số bài thơ, phú của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Lữ cùng bút tích của nhiều thi nhân.

Lễ hội

Trước kia, lễ hội đền Bà Vũ 5 năm tổ chức một kỳ (19-21/8 âm lịch), tưởng niệm ngày mất của bà (20/8) cũng là dịp dân làng tế lễ cầu quốc thái, dân an, nhân khang, vật thịnh. Từ khi đền được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (1993) đến nay, lễ hội duy trì hằng năm, nhân dân Vũ Điện, Chân Lý đã giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, phục dựng lại nghi trình tế lễ, rước nước, trò chơi dân gian, múa hát diễn ca vốn có từ xưa.

 Ngày 18, dân làng mang lễ vật ra đình, đền, chùa, miếu làm lễ cáo yết, xin mở hội. Phần tế tại đền có chủ tế, bồi tế, tế viên, đội tế nữ quan. Lễ vật gồm xôi, thịt, rượu, trầu, cau, hương đăng, hoa quả. Sau tế nữ quan là “Bát nhã” (diễn ca, múa song đăng) trước chùa. Buổi tối thả đèn hoa đăng trên sông và diễn các tích trò, hát chèo.

Ngày 19, dân làng đi trên hai thuyền rồng ra giữa sông làm lễ xin Bà ban nước mang về tế Thần, Phật. Đoàn rước khoảng 300 người, có đội rước nước, rồng, lân, cờ thần, chiêng, trống,  bát âm, bát bửu, kiệu long đình, kiệu bát cống, kiệu võng, đội nữ quan cùng dân làng, khách thập phương. Nước lấy vào 3 chóe do các nữ tú rước từ thuyền rồng lên miếu Tam Quan tế trình, sau đó rước về đền, hai thuyền rồng trở lại đậu ở bến sông trước đền.

Mối quan hệ giữa đền Bà Vũ với chùa, đình, miếu Vũ Điện

Chùa Vũ Điện: Căn cứ tư liệu Hán Nôm, thần phả, sắc phong của đình, tài liệu của chùa Vũ Điện, đền Tam Quan với đền Bà Vũ bắt nguồn từ truyền thuyết: Trước đây ngoài bãi sông Hồng, dưới gốc cây gạo có am thờ Quan âm Nam Hải (vị Bồ tát cai quản sông nước). Tương truyền Vũ Nương đã đến đây tỏ bày nỗi oan khuất mong Thần, Phật chứng giám rồi đề thơ dải yếm để lại và gieo mình xuống sông.

Bà được Quan âm cứu vớt vong linh, được Long Vương nhận làm con nuôi cho về ở Long Cung, phong là “Thủy Tinh Công chúa” cai quản khúc sông này. Bãi sông sau bị xói lở, dân làng chuyển đền thờ về vị trí hiện nay, tạc tượng Phật, sắm sanh đồ thờ tự, dựng chùa ngay nơi lập đàn giải oan khi xưa và đặt tên “Báo Ân Tự” để ghi nhớ ơn đức Bà Vũ và Quan âm. Từ đó, chùa trở thành ngôi cổ tự cạnh đền với nhiều di vật, cổ vật được lưu giữ, nhất là chiếc khánh đồng niên đại 1699.

Đình Vũ Điện: Trước nằm phía đông nam, cách đền 800m, do lũ lụt nên nhân dân đưa về cạnh đền. Đình thờ 6 vị thành hoàng, trong đó có Đông Hải Đại Vương (tên thật là Đoàn Thượng, trung thần nhà Lý liên quan tới dòng họ Vũ). Khi nhà Lý suy, Đoàn Thượng chiêu mộ binh lính, xưng Vương toan tính phục Lý. Tại trang Vũ Điện, ông cho lập dinh lũy trấn thủ, nhiều người họ Vũ theo về khai khẩn, sinh cơ lập nghiệp. Khi Đoàn Thượng thất trận, qua đời, dân làng cùng họ Vũ dựng đình thờ, hằng năm mở hội vào ngày ông mất (9/2 âm lịch).

Miếu Tam Quan: Thờ ba vị (Quan lớn Đức Thiên Quan, Quan Hoàng Bơ, Quan Bơ Phủ) và thổ thần, hà bá cũng có liên quan mật thiết với đền Bà Vũ. Vì vậy, trong lễ hội hằng năm có tục rước nước từ sông về trước Tam Quan trình rồi mới rước về đền để thờ và lưu vận nước.

Ngoài đình, chùa Vũ Điện, miếu Tam Quan, đền Bà Vũ liên quan với nhau về nhân vật thờ, Chân Lý còn có nhiều di tích đình, đền, chùa, miếu. Trong số di tích ở Chân Lý có tới một phần tư thờ các nhân vật thời vua Hùng: Hồng Liệt, Chiêu Minh, Tráng Kiện...

Câu chuyện “Người con gái Nam Xương” đã gây xúc động biết bao thế hệ. Cũng như Tô Thị (ở Lạng Sơn), Vọng phu (ở Quảng Nam), chuyện bà Vũ Thị Thiết ở Chân Lý có chung một giá trị nhân văn về văn hóa đạo đức, ngợi ca, tôn vinh người Phụ nữ Việt Nam, khi đất nước có chiến tranh vẫn thủy chung son sắt, vẹn tròn.

Quốc Toản (Lý Nhân)

_______________

(*) Hà Nam - Hưng Yên - Thái Bình.

Quốc Toản, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy