Cụm di tích Quốc gia đình và văn từ Cát Lại

Đình Cát Lại, xã Bình Nghĩa (Bình Lục) thờ hai vị tướng tài ba thời nhà Lý là Phạm Quang và Phạm Huy. Năm 2017, đình Cát Lại cùng với Văn từ trên mảnh đất này đã được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia cần được bảo tồn, phát huy.

 

Đình làng Cát Lại, một Di tích văn hóa cấp quốc gia mang nhiều nét kiến trúc độc đáo.

Đình Cát Lại đặt ngay vị trí đầu làng, trên thế đất hình đầu rồng và mang đậm kiến trúc thời Nguyễn. Mặt bằng của đình hình chữ Nhị hướng ra phía Tây Nam, phía trước có hồ bán nguyệt 4 mùa trong xanh. Trải qua thời gian, dấu xưa vẫn hiện hữu trên từng lớp ngói rêu phong, từng viên gạch nâu trầm, từng hàng cột lim đen bóng. Điều này càng làm tăng dáng vẻ uy nghiêm cổ kính, linh thiêng cho ngôi đình.

Theo lối kiến trúc cổ, đình có 5 gian, trong đó 3 gian là tiền đường, 2 gian là hậu cung, giao mái bắt vần với nhau. Mặc dù không đi vào các chi tiết chạm trổ tinh xảo nhưng những nghệ nhân xưa đã khéo léo liên kết hệ thống cột cái, cột quân, biến thành bộ chịu lực vừa vững chãi, vừa thanh thoát và không kém phần mềm mại cho ngôi đình.

Đình thờ hai vị tướng tài ba thời nhà Lý là Phạm Quang và Phạm Huy, là những người có công dẹp giặc, trị thủy, giữ yên bờ cõi và dạy học, làm thuốc cho người dân trong vùng. Xét công lao ấy, vua Lý Thánh Tông đã xuống chiếu phong các ông là Đông Hải Đại vương và Tây Bảng Đại vương. Tưởng nhớ ân đức của hai ông, sau khi các ông hóa, người dân đã rước về thờ phụng và coi là thành hoàng làng.

Giá trị độc đáo của ngôi đình không chỉ nằm ở kiến trúc nghệ thuật hay những câu đối, hoành phi ca ngợi công đức hai vị phúc thần mà còn ở các đồ thờ tự quý giá cùng hai pho tượng đồng được sơn son, thếp vàng đặt uy nghi nơi hậu cung. Trong thời kỳ cách mạng, đình còn là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng và là địa chỉ đỏ để người dân Cát Lại nô nức đi bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946.

Năm 2005-2006, ngoài việc tu bổ các hạng mục của ngôi đình, người dân trong xã đã đóng góp công sức xây dựng hai ngôi tao xá nằm trong khuôn viên đình nhằm phục vụ công tác hậu cần và chuẩn bị các nghi lễ trọng đại cho làng. Với giá trị đó, năm 2010, đình đã được công nhận là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Nằm trong quần thể di tích đình Cát Lại, văn từ luôn được người dân thôn Cát Lại, xã Bình Nghĩa (Bình Lục) nâng niu, giữ gìn, trân trọng.

Nằm trong cụm đình chùa Cát Lại còn có Văn từ, nơi lưu danh các vị hiền tài từng đỗ đạt khoa bảng trên mảnh đất này. Văn từ được lập năm 1887, do Tiến sĩ Phạm Đình Chi đứng đầu chỉ đạo và từng được coi là niềm tự hào của làng nên từng thớ gỗ, từng mảng chạm khắc nơi hàng hiên, bức bản đều được các nghệ nhân nhấn nhá một cách tỉ mỉ, tinh tế.

Các mảng đề tài tứ linh, tứ quý qua thời gian không phai mờ mà càng làm tăng giá trị độc đáo của văn từ. Những điều này đều được các vị tiền nhân của làng Cát Lại lưu dấu trên văn bia được đặt trước cửa đình.

Ông Nguyễn Văn Nhưỡng, Ban Quản lý di tích thôn Cát Lại cho biết: Nếu như xưa kia văn từ là nơi tôn vinh Nho học, lưu danh các vị khoa bảng thì ngày nay nơi đây là nguồn cổ vũ cho phong trào khuyến học, khuyến tài của xã, nhắc nhở các thế hệ người dân Cát Lại về đạo lý "tôn sư trọng đạo", tinh thần hiếu học, hiếu nghĩa trong mỗi gia đình, dòng họ…

Nét đặc sắc trong cụm di tích Cát Lại còn thể hiện trong lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm vào ngày 10/10 âm lịch. Trong ngày kị của nhị vị thành hoàng, các nghi lễ quan trọng, các trò vè, diễn xướng được tổ chức linh đình. Được đắm mình trong các hoạt động của lễ hội chính là niềm tự hào của người dân nơi đây khi họ được trở về cội nguồn văn hóa truyền thống của quê hương.

Với những cố gắng trong việc tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa di tích hàng trăm năm qua, cuối năm 2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xếp hạng đình, văn từ Cát Lại là Di tích cấp quốc gia.

Ông Trần Quang Hải, một người con Cát Lại xa quê, đã không giấu nổi sự tự hào của mình trước sự kiện này, chia sẻ: Cha ông ta bao đời gìn giữ đất lề, quê thói. Từ mái đình này, các phong tục, tập quán và cả những nét văn hóa truyền thống của quê hương cũng được các thế hệ người dân Cát Lại bồi đắp, lưu giữ cho tới ngày nay. Những người dân như tôi, dù không sống trên mảnh đất quê hương đã lâu nhưng vẫn luôn nhắc nhớ cho con cháu về một miền văn hóa quê hương đậm đà bản sắc…

Cứ thế, thời gian trôi đi không ngừng và mảnh đất Cát Lại nay đã thay da, đổi thịt. Trong sự biến đổi đó, khơi nguồn giá trị chân-thiện-mĩ và sự kết nối linh thiêng, màu nhiệm giữa quá khứ với hiện tại, giữa lịch sử với tương lai để mỗi người dân Cát Lại có quyền tự hào hơn về quê hương mình.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy