Cổ vật áo vua ban ở đình Hạ - Tế Cát

Làng cổ Tế Cát thời Nguyễn (1802-1945) là xã của tổng Ngu Nhuế, huyện Lý Nhân, Ngu Nhuế nghĩa là yên vui bình dị. Tế Cát nay thuộc xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Dòng thủy lộ Long Xuyên nổi tiếng từ thời Trần, nối kho lương Trần Thương với hành cung Thiên Trường (Nam Định). Tổ đình phái thiền Trúc Lâm - Tế Xuyên, nơi khắc ván in, san hành kinh bổn, trường Phật khai hạ từ thời Hậu Lê. Tế Xuyên với Đọi Sơn là hai sơn môn danh tiếng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cầu Không, cầu Tế, cầu Chều… mỗi cây cầu còn truyền mãi sự tích về Nam Xang tứ quái (bốn sự lạ). Chuyện chàng trai diệt quái vật sông Long Xuyên được vua Lê ban quốc tính, phong là Lê Thiên Quỷ, được triều đình thưởng ba sào ruộng ở khu vực phố Hàng Gạo - Hà Nội ngày nay, là một trong tứ quái của đất Nam Xang. Làng cổ Ngò, Rặng, Sồng… gắn với sự tích về những vị hậu thần có công với làng xã.

Đình Hạ, xã Đức Lý (Lý Nhân). Ảnh: Thế Tân

Dân làng Hạ, làng Sồng sinh tụ đông đúc, phồn thịnh, đình Tế Cát nay vẫn giữ được kiến trúc ban đầu, phụng thờ hai vị nhân thần Văn Lang công chúa, Đông Hải Đại vương (Nguyễn Phục) cùng tứ vị thiên thần Câu Mang Câu My, Công Hoàng Đại Đạo, Đô Thiên Đại Lộ và Vũ Đại tướng quân.

Ngôi đình khởi nguyên đến nay đã trên 400 năm, được trùng tu những năm đầu thành lập tỉnh Hà Nam. Bản đồ do Sở khám đạc đo vẽ thời vua yêu nước Thành Thái diện tích 5.000m2. Đình có hậu cung, 5 gian đại tế, phong cách kiến trúc thời Nguyễn.

Ngày cuối năm Đinh Dậu, các già làng cùng cán bộ hai thôn ra đình sửa soạn mừng Tết cổ truyền Mậu Tuất (2018), đón bà con xa gần về thăm quê. Phút thiêng trọng nhất là xem các cổ vật, cổ thư người làng đã truyền giữ lâu đời. 15 đạo sắc phong, có đạo từ thời Vua Lê Hiển Tông (Cảnh Hưng, tứ thập, tứ niên, thất nguyệt, nhị thập lục nhật), tức ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), cách nay đã hơn hai thế kỷ, nét vàng son bất biến với thời gian. Hộp sắc, ống quyển được bao sái cẩn trọng, thần nào sắc đó đưa về các ban thờ tự.

Chiếc hòm gỗ sơn son mở ra khi các lão ông đã hoàn tất nghi lễ trình thánh, việc mà không phải năm nào cũng thực hiện, nhiều người khi chứng kiến còn kính cẩn dùng khăn che miệng.

Cổ vật áo vua ban ở đình Hạ. Ảnh: Nguyễn Thế

Bảo vật trong hòm cổ là tấm áo gấm vua ban và cuốn ngọc phả, là vật thể quí hiếm. Sách giấy bản gồm 20 trang kép, lạc khoản: "Gia Long tam niên, tuế thứ Giáp Tý, bát nguyệt cát nhật tả" (Ngày lành tháng tám năm Gia Long thứ ba, Giáp Tý 1804), sau một năm hoàng triều lập địa bạ Gia Long năm thứ tư Ất Sửu (1805). Nội dung thư tịch cho biết duệ hiệu các vị thần thờ phụng ở đình Hạ. Các bài văn chầu, liệt kê các đạo sắc phong, các tổ dòng họ… Đặc biệt, ngọc phả còn hé mở lai lịch vị thánh bà Văn Lang công chúa và hai vị thiên thần Câu Mang Câu  My.

Sự tích đức Văn Lang công chúa còn nhiều dị bản, thần được phối thờ nhiều đình trên đất Long Xuyên. Căn cứ vào ngọc phả, sắc phong, văn tế kết hợp điều tra điền dã sưu tầm các truyền thuyết, đối chiếu các sử liệu liên quan… thuật lại như sau:

Thời vua Lý Thái Tổ, có nhà họ Cao là Cao Văn Phúc quê xã Văn Lâm, huyện Thanh Liêm, phối duyên cùng bà Văn Lang, quê tổng Ngu Nhuế, huyện Nam Xương cùng tỉnh Hà Nam. Ông bà tu nhân tích đức, hiềm một nỗi muộn con. Một ngày vớt được hai quả trứng lạ, có chữ Câu Mang huynh, Câu Mang đệ, sau nở thành đôi bạch xà. Người làng lấy làm kỳ nhưng ông bà nghĩ là điềm trời cho, giữ lại nuôi dưới giếng.

Trời làm lụt lội, cả vùng đồng chiêm Nam Xang, Thanh Liêm trắng nước. Triều đình truyền tìm người tài cứu dân sẽ được ban thưởng. Như một sự thần kỳ, đôi xà từ giếng sâu trườn lên chặn khúc đê vỡ, ngăn luồng sóng dữ để dân hai làng đắp đê thoát nạn thủy tai. Từ đó, hai làng Văn Lâm, Thanh Liêm và Văn Xá, Nam Xang có lệ giao hiếu.

Đức Văn Lang có công nuôi bạch xà lại công quả chữa bệnh giúp dân, cùng Câu Mang Câu My đều được phong tước và ban thưởng. Văn Lang được phong công chúa. Đến thời Thuận Thiên (Lê Thái Tổ, 1428 - 1433), công chúa lại còn âm phù dương trợ giúp triều đình Lê sơ dẹp được loạn cướp cứu dân tình.

 Tấm áo vua ban sách ghi có hai bộ, nay đình Hạ, Sồng còn giữ được một là loại áo thờ "Vật tại như thần tại". Mặt gấm tựa thứ lụa bạch dệt bằng tơ nõn (tơ trần), không thêu ngũ sắc, họa tiết dệt chìm phối màu bạch kim, tà áo hoa văn thủy ba, ẩn hiện đàn rồng mẹ con vờn rỡn trong mây nước… trong lót lụa lộ màu cánh sen nơi cổ áo… Đình Hạ - Tế Cát với những cổ vật quí hiếm rất cần được nghiên cứu bảo tồn.

Nguyễn Thế Vinh

Nguyễn Thế Vinh, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy