Có một làng chèo ở ven sông Đáy

Chỉ cách thành phố Phủ Lý khoảng 10km về phía Tây Nam, làng Tháp - một làng nhỏ thuộc thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm được biết đến như một cái nôi sản sinh ra nhiều tài năng văn nghệ, đặc biệt đối với chèo, như NSND Bạch Trà, NSƯT Ngọc Viễn… Từ lâu, người ta vẫn quen gọi làng Tháp là làng chèo ven sông Đáy.

Làng Tháp nhỏ vì làng chỉ có khoảng trên 250 hộ dân với ngót một nghìn nhân khẩu, nhưng hiếm có làng nào, người dân lại yêu chèo, say chèo đến thế. Ban ngày thì chân năm, tay mười làm lụng đủ nghề, tối đến người dân lại tụ hợp râm ran đàn hát ngoài đình. Yêu chèo, say chèo nên đời sống tinh thần của người làng Tháp phong phú hơn.

Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngọc nói: "Làng có một câu lạc bộ (CLB) Chèo, được thành lập từ lâu lắm rồi, giờ có gần 20 người. Là CLB văn nghệ quần chúng, ngoài phục vụ các nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ tinh thần trong những ngày hội tuyển quân, hội nghị của địa phương, CLB Chèo Tháp còn phục vụ nhân dân những ngày lễ, Tết ở làng.

Chẳng biết có phải do mạch nước không, nhưng gần như ai sinh ra ở làng đều có máu chèo, hát được chèo". Chị Ngọc trước là Chủ nhiệm CLB Chèo Tháp, vì thời gian gần đây chị xin vào làm việc ở một công ty gần nhà, thời gian làm việc gò bó nên không làm chủ nhiệm nữa, chỉ tham gia với tư cách thành viên CLB. Bận bịu với công việc thường ngày, nhưng ai cũng dành cho chèo một khoảng thời gian riêng để luyện tập và biểu diễn.

Bà Dương Thanh Quế (người đứng) đang tập một làn điệu chèo cùng các thành viên trong CLB Chèo thôn Tháp, thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm). Ảnh: Thế Tân

Có những người gắn bó với CLB vài chục năm, có những gia đình cả vợ chồng, con cái đều từng sinh hoạt trong CLB. Nghe bà Dương Thanh Quế, Chủ nhiệm CLB nói, người dân làng Tháp yêu chèo vì tiếng hát chèo bao đời nay ngấm vào đời sống của họ. Sinh ra đã được nghe chèo, lớn lên cùng tiếng hát thì làm sao tâm hồn con người không mặn nồng chèo trống chứ.

Mảnh đất này vốn là quê hương của những nghệ nhân chèo như cụ bà Lê Thị Ngấn, mẹ của NSND Bạch Trà, một nghệ sỹ chèo, tuồng nổi tiếng đất Bắc thế kỷ 20. Trong số những nghệ sỹ chèo chuyên nghiệp, sinh ra và lớn lên ở làng Tháp, tôi có dịp được gần gũi cố nghệ sỹ Dương Thanh Nghị. Ông Nghị là cháu của NSND Bạch Trà, ông kể dòng họ của ông có tới bảy, tám đời gắn bó với chèo, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Ông tự hào vì tiếng hát chèo làng Tháp được mang đi phục vụ khắp nơi, thức dậy những cống hiến của biết bao nghệ sỹ trong công cuộc xây dựng văn hóa dân tộc.

Hôm nay, những con cháu của các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ “lửa” chèo, coi hát chèo là một phần cuộc sống, khó có thể bị mất đi, dẫu đời sống xã hội có nhiều thay đổi.

Chị Ngọc nói: "Giới trẻ hôm nay được tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại, nhưng chèo vẫn sống trong đời sống của người dân làng Tháp. Một số nam thanh, nữ tú của làng đang sinh hoạt trong CLB, là thế hệ kế cận ông cha sau này. Chúng tôi cũng không lo chèo bị mai một đâu, cứ nhìn vào tình yêu của nhân dân với chèo để thấy, sức sống của chèo còn mạnh mẽ lắm". Với những người có hiểu biết căn bản về chèo, việc học chèo hiện không quá khó.

Được biết, trước kia khi nghệ sỹ Dương Thanh Nghị còn sống, ông hay về làng dạy chèo cho CLB, dạy những tiết mục mới. Từ khi ông mất, họ lên mạng internet tìm bài hát rồi luyện tập theo. Những tích chèo cổ như "Lý trưởng - mẹ Đốp", "Thị Màu lên chùa"… hầu hết các thành viên CLB đều đã thuộc, từng mang đi biểu diễn ở nhiều nơi, nhiều liên hoan. Chèo cổ vẫn là nội dung trình diễn chủ đạo của CLB.

Thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm). Ảnh: Google Maps

Người dân làng Tháp hiện giờ vẫn làm đủ nghề sinh sống. Kinh tế có khá giả hơn trước  nhiều, nhưng người dân đa phần vẫn vất vả. Các bà, các chị trong CLB Chèo Tháp người thì làm giáo viên, người thì làm ruộng, người thì làm công nhân. Thời gian dành cho chèo chỉ vào các buổi tối. Đình làng là nơi sinh hoạt của CLB.

Người dân thôn Tháp bận thì bận, vẫn dành thời gian đi xem biểu diễn chèo. Làng đã dựng một sân khấu ngoài đình để người dân được xem chèo. Người trong làng hiện đang công tác ở các đoàn chèo chuyên nghiệp cũng nhiều nên thỉnh thoảng có mời họ về biểu diễn cho bà con xem. Bà con trong làng mỗi lần có đoàn nghệ thuật về làng là náo nức lắm. Các cụ già chống gậy ra đình, ngồi xem quên cả thời gian.

"Tiếng hát chèo có sức lay động lòng người, nhất là những người dân lao động. Nó là tiếng nói bao đời nay của người dân lao động về cuộc sống và thân phận con người. Chèo gần gũi với người dân quê hơn là vì thế…" - bà Dương Thanh Quế nói.

Yêu chèo và hiểu chèo nên những người làng Tháp muốn giữ gìn nó, bồi đắp thêm sức sống cho nó để nó “ăn sâu bám rễ” vào cuộc đời. Người ta nói với nhau, có không ít người làng thành danh nhờ chèo, nhờ hát chèo. Đó là thanh danh nghề nghiệp cha ông mang lại cho làng.

Cuộc sống của con người không bao giờ hết vất vả, tiếng hát chèo là nhịp đời yêu thương nhất mà con người dành cho nhau ở vùng quê ven sông này. Tám, chín mươi tuổi, các cụ vẫn tay đàn, tay phách, vẫn cất cao những làn điệu chèo ngọt ngào, da diết. Người làng Tháp luôn cho rằng, họ có mạch nguồn sâu thẳm với chèo, có những dòng họ sản sinh ra toàn nghệ sỹ chèo… cớ gì mà chèo không “ăn sâu bám rễ” vào tâm thức nhân dân.

Giang Nam

Chu Uyên, Thế Trang, Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy