Chuyện về "8 cô gái giỏi" Phù Vân năm xưa

"8 cô gái giỏi" là danh hiệu mà bà con nhân dân xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) dành để khen tặng các nữ dân quân pháo phòng không năm xưa đã anh dũng, kiên cường, cùng bộ đội chiến đấu với không quân địch. Các nữ pháo thủ kiên trung trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã trở thành niềm tự hào của nhân dân nơi đây.

Nay dù các nữ dân quân đều tuổi đã cao, người còn người mất, song ý chí, nghị lực và ký ức về những năm tháng chiến đấu gìn giữ hòa bình của các cô gái giỏi năm xưa như vẫn còn vẹn nguyên.

8 cô gái giỏi, đó là các bà: Trần Thị Kính, Trần Thị Xuân, Phạm Thị Bảo, Nguyễn Thị Dung, Phạm Thị Tuân, Vũ Thị Lợi, Vũ Thị Lịch, Nguyễn Thị Cầm - là những nữ dân quân Trung đội pháo thủ thôn 3, xã Phù Vân được thành lập tháng 9/1965.

Một góc xã Phù Vân (TP Phủ Lý). Ảnh: Thế Tuân

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, các cô đã không quản ngại hiểm nguy, vượt qua bom đạn để chiến đấu, tiếp sức cho bộ đội chiến đấu, chiến thắng kẻ thù.

Bà Trần Thị Kính, phụ trách Trung đội nhớ lại: Vào khoảng trưa ngày 14/7/1966, nhiều tốp máy bay tới đánh phá thị xã Phủ Lý (nay là thành phố Phủ Lý), Phù Vân là nơi chúng thả bom đầu tiên.

Đang tay cày, tay cuốc trên đồng, nghe báo động anh chị em dân quân, trong đó có 8 cô gái thuộc Trung đội nữ pháo thủ nhanh chóng về trận địa. Vị trí chiến đấu là hiệp đồng với Đại đội 2, Tiểu đoàn 6, bộ đội pháo cao xạ Nam Hà (tại vườn hoa thị xã) đang thiếu người chưa kịp bổ sung quân số.

Trên đường về trận địa, bom đạn mù trời, bị địch đánh vào đội hình 3 lần nhưng các cô không lùi bước. Khi cây cầu phao qua sông bị trúng tên lửa, rốc két cắt đứt, pháo thủ số 3 Trần Thị Xuân đã nhanh trí rút những cây bương còn lại ở các nhịp nối lại với nhau để qua sông vào vị trí chiến đấu, thay thế 4 pháo thủ bị thương, 4 cô khác làm nhiệm vụ cứu thương.

Trận chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, trong khói lửa đạn bom, chị em động viên nhau quyết tâm chiến đấu để trả thù cho các đồng chí đã anh dũng hy sinh trên trận địa.

Sau trận đánh, các nữ pháo thủ tiếp tục làm nhiệm vụ cấp cứu thương binh và công tác tử sĩ. Tận mắt chứng kiến những mất mát do chiến tranh gây ra, chúng tôi xót xa vô cùng. Vì thế mà ai cũng tâm niệm cần phải quyết tâm chiến đấu, dù có phải hy sinh cũng không lùi bước.

Cựu pháo thủ Trần Thị Xuân tiếp tục câu chuyện: Ở một trận chiến ác liệt khác diễn ra vào ngày 1/10/1966, máy bay Mỹ oanh tạc trên bầu trời Phủ Lý, các nữ pháo thủ cùng anh em dân quân nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Địch đánh phá rất ác liệt, có tính chất hủy diệt thị xã, làng mạc và các mục tiêu. Nhà của nữ pháo thủ Trần Thị Kính bị bom đánh sập, đơn vị cho về thăm nom, thu dọn nhưng cô đã xin ở lại cùng đồng đội chiến đấu.

Cảm kích trước sự chiến đấu gan dạ, kiên trung của các nữ pháo thủ, cô Kính cùng với cô Xuân được Đảng bộ ghi nhận và kết nạp Đảng ngay tại trận địa.

Những ngày sau đó, địch đánh phá liên tục vào các trận địa, anh chị em dân quân vừa trực tiếp chiến đấu, thay thế vị trí pháo thủ, vừa băng bó, vận chuyển thương binh về tuyến sau.

2 trong số 8 nữ pháo thủ Phù Vân kể về những năm tháng cùng bộ đội chiến đấu.

Năm 1967, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt. Các cô gái giỏi Phù Vân tiếp tục là những nhân tố tích cực trong cuộc chiến chống lại sự tàn phá của kẻ thù.

Rồi từ trung đội nữ pháo thủ với 8 thành viên ban đầu đã dần phát triển tới 49 người, 120 người, sử dụng thành thạo các cỡ pháo 14,5 ly, 37 ly, 57 ly và cơ động chiến đấu ở khắp các địa phương trong tỉnh, cùng các đơn vị bộ đội lập nên những chiến công vang dội.

Tấm gương của nữ pháo thủ Nguyễn Thị Khải cũng luôn được quân và dân Phù Vân nhắc nhớ. Đó là vào khoảng tháng 5/1967, trong suốt 13 ngày đêm cùng bộ đội chiến đấu, pháo thủ Nguyễn Thị Khải bị thương vào ngực nhưng vẫn không rời trận địa. Mặc dù máu ra nhiều nhưng cô vẫn kiên quyết nhường băng cho đồng chí khác. Khi giải phẫu tại bệnh viên cô yêu cầu không phải gây mê…

Gương dũng cảm của các cô Khải, cô Kính, cô Xuân đã cổ vũ động viên tinh thần các đồng chí, đồng đội tiếp tục chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, hy sinh, nhiều năm liền các nữ pháo thủ Phù Vân từng được tặng các danh hiệu "Chiến sĩ thi đua", "Chiến sĩ quyết thắng", nhiều lần được đi báo cáo điển hình toàn quân và được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại.

Khi nói về danh hiệu "8 cô gái giỏi", các cô khiêm tốn cho rằng: trong chiến tranh, những người thanh niên như chúng tôi đều phải "ba sẵn sàng", phụ nữ "ba đảm đang" và giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh, vừa tích cực tăng gia sản xuất vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Nói vậy nhưng chúng tôi hiểu không phải ai cũng có thể làm được như các cô. Ngày nay, trong cuộc sống thường nhật, dù còn nhiều khó khăn bởi tuổi già, sức yếu, có cô sống đơn thân lại không có nguồn thu nhập ổn định nhưng các cô gái giỏi năm nào vẫn thể hiện là những người phụ nữ đảm đang, miệt mài với thửa ruộng, mảnh vườn, đỡ đần cháu con.

Và các cô vẫn luôn là điểm tựa, là niềm tự hào của quân và dân Phù Vân, mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Phương Dung

Phương Dung, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy