Sau 8 tháng, Vios bán hơn 14.000 xe, áp đảo nhóm sedan cỡ B, còn Attrage được ưa chuộng nhất ở phân khúc B- với gần 5.000 xe.
Xe cỡ nhỏ hạng B nói chung là phân khúc có lượng tiêu thụ đứng đầu thị trường. Đây là nhóm sedan có giá dễ tiếp cận nhất, dành cho người mua xe lần đầu hoặc kết hợp sử dụng cá nhân và kinh doanh dịch vụ.
Tháng 8, doanh số các mẫu xe ở nhóm B không có nhiều biến động. Hyundai Accent vươn lên bán chạy nhất phân khúc, đạt 1.172 xe nhưng chỉ hơn Toyota Vios 39 chiếc. Honda City bám sát phía sau với lượng bán hơn 700 xe.
Luỹ kế từ đầu 2022, mẫu xe của Toyota vẫn cho thấy sức hút lớn nhất ở nhóm sedan giá rẻ. Thương hiệu mạnh, nguồn cung ổn định, nhiều phiên bản lựa chọn, động cơ bền bỉ, Vios hội tụ nhiều yếu tố để trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhóm khách ưu tiên tiết kiệm chi phí sử dụng, trước khi đổi xe lên các phân khúc cao hơn.
Khoảng cách giữa Vios và Accent không quá lớn, khoảng hơn 1.300 xe sau 8 tháng. Vào 2021, chính mẫu xe Hyundai đã lật đổ ngôi vương của Vios lần đầu sau 7 năm. Tuy nhiên, lượng bán chỉ nhỉnh hơn Vios 25 xe trong năm vừa qua chưa thể là thước đo để khẳng định sức hút của Accent trở thành xu hướng tiêu dùng mới trên thị trường, thay cho Vios.
Vios có lượng bán lớn thuộc về nhóm khách kinh doanh dịch vụ, nhưng 2021 bị phủ bóng bởi dịch Covid-19 nên doanh số bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Theo các chuyên gia bán hàng, Accent hay City cũng được sử dụng cho mục đích kinh doanh nhưng tỷ lệ so với mẫu xe Toyota không cao bằng.
Nhóm sedan cỡ B còn một cái tên khác là Suzuki Ciaz. Mẫu xe này nhập khẩu Thái Lan và kể từ khi mở bán phiên bản với động cơ Euro 5 từ tháng 5, chưa tháng nào doanh số Ciaz đạt được 2 con số. Luỹ kế từ đầu năm chỉ 21 chiếc.
Nguồn cung thấp, sức hút mờ nhạt, ít bản lựa chọn, Ciaz là một ví dụ tiêu biểu cho vòng lẩn quẩn của thương hiệu Suzuki ở mảng xe con. Nó xuất phát từ những yếu tố khách quan của thị trường lẫn cách điều hành có nhiều vấn đề thuộc về nội tại của chính hãng Nhật.
Có 7 mẫu xe tham chiến (chỉ tính xe công bố số liệu bán hàng) ở phân khúc B/B-, và phân hoá thành 2 nhóm rõ rệt. Vios, Accent, City và Ciaz hợp thành bộ tứ xe với kích thước cỡ B thực thụ. Định hướng sản xuất với ý đồ tránh đối đầu trực tiếp với những đối thủ vốn có mặt sớm và thành công trên thị trường, tìm hướng đi ngách với phân khúc khách hàng thấp hơn, Mitsubishi có Attrage, Kia có Soluto và Mazda có Mazda2. Những mẫu xe này hợp thành nhóm sedan B-.
Riêng nhóm xe cỡ B-, Mitsubishi Attrage là cái tên bán chạy nhất. Trong tháng 8, Attrage bán 438 xe, luỹ kế đạt gần 5.000 xe, nhỉnh hơn đối thủ xếp sau Kia Soluto gần 2.000 xe.
Attrage và Mazda2 là hai mẫu xe cùng nhập khẩu Thái Lan, còn Soluto lắp ráp trong nước. Ở phân khúc khách hàng ưu tiên chi phí đầu tư ban đầu, cách định giá cao của Trường Hải một phần khiến Mazda2 (đắt nhất nhóm B-) khó tiếp cận khách hàng, doanh số vì thế thấp nhất.
Mitsubishi Attrage có cách tiếp cận thị trường cân bằng hơn. Attrage chỉ nhỉnh hơn Soluto, mẫu xe giá thấp nhất thị trường 10-15 triệu đồng, nhưng sở hữu thương hiệu mạnh hơn. Mức tiêu hao nhiên liệu của Attrage thấp hàng đầu phân khúc, bên cạnh nhận diện thiết kế Dynamic Shield được ưa chuộng nhờ hiệu ứng từ mẫu MPV bán chạy nhất thị trường, Xpander, giúp Attrage dẫn đầu doanh số.
Phân khúc sedan cỡ B nói chung còn có mẫu Nissan Almera nhập khẩu Thái Lan nhưng nhà phân phối không công bố số liệu bán hàng.
Theo vnexpress.net